Sứ mệnh Hercules của Kazuo Hirai

Thách thức vực dậy Sony của tân CEO Kazuo Hirai được ví như nhiệm vụ của dũng sĩ Hercules.

Ngày 1.2.2012, Sony (Nhật) tuyên bố Kazuo Hirai, người đứng đầu bộ phận game và điện tử tiêu dùng của Hãng, sẽ trở thành Tổng Giám đốc (CEO) thay cho ông Howard Stringer kể từ ngày 1.4, còn ông Stringer sẽ trở thành Chủ tịch không điều hành vào tháng 6 tới.

Sự chuyển giao này diễn ra trong một thời điểm cực kỳ cam go cho Sony khi hãng điện tử này cho biết dự kiến sẽ lỗ 2,9 tỉ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2012, mức lỗ năm thứ tư liên tiếp.

Trước tình hình khó khăn của Sony, thứ Tư tuần qua, Standard & Poor’s (Mỹ) đã hạ bậc tín nhiệm nợ dài hạn của Sony từ A- xuống còn BBB+ với triển vọng tiêu cực.

Liệu Hirai có thể vực dậy Sony, điều mà Stringer đã thất bại trong 7 năm qua?

Thua trên nhiều mặt trận

Không thể phủ nhận Hirai là nhà điều hành có tiếng tại Sony. Hirai đã leo lên các vị trí cao cấp trong Công ty nhờ vào tài năng quản lý. Ông được biết đến nhiều nhất ở mảng game PlayStation. Ông đã đưa PlayStation sinh lãi trở lại chỉ 4 năm sau khi bộ phận này báo cáo lỗ 2 tỉ USD vào năm 2006. PlayStation là mảng sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của Sony những năm qua. Đến nay, PlayStation vẫn là một trong những thiết bị chơi game được ưa chuộng nhất thời đại và PlayStation Network, hệ thống cung cấp các trò chơi, phim ảnh, chương trình truyền hình của Sony, đã tạo được lượng thuê bao khổng lồ, tới gần 100 triệu người.

Mặc dù vậy, Kim Young-Chan, chuyên gia phân tích tại Shinhan Investment Corp (Hàn Quốc), cho biết: “Sẽ không dễ để Sony lấy lại thị phần đã mất dưới sự điều hành của Hirai khi năng lực cạnh tranh nói chung của Hãng trên nhiều thị trường đã suy yếu nghiêm trọng. Những vấn đề này thuộc về cơ cấu công ty và sẽ mất nhiều năm mới giải quyết xong”.

Và thực tế đúng như vậy. Từng là nhà sản xuất thiết bị nghe nhạc Walkman nổi tiếng vào thập niên 1970, nhưng Sony đã không thể đưa sự thành công đó đi vào lĩnh vực kỹ thuật số ngày nay. Và hiện Hãng đã bị bỏ lại đằng sau Apple. Từng là người đi đầu trong lĩnh vực tivi, nhưng nay Sony cũng tụt lại đằng sau các đối thủ Hàn Quốc Samsung và LG.

Những nỗ lực cắt giảm chi phí và tinh gọn các cơ sở hoạt động của Stringer dường như đã tạo ra một lực kéo vào giữa thập niên 2000. Ông cũng đã cố gắng tích hợp tốt hơn bộ phận phần cứng với danh mục đa dạng gồm âm nhạc, phim ảnh và video game của Công ty. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến nỗ lực của Stringer bị hãm phanh. Tiếp đó, trận động đất và sóng thần tại Nhật vào tháng 3.2011 đã làm gián đoạn sản xuất của 10 nhà máy Sony ở miền Bắc và cắt đứt các chuỗi cung ứng quan trọng. Rồi trận lụt tại Thái Lan mới đây cũng khiến cho việc sản xuất của Sony bị đình trệ.

Việc đồng yên mạnh cũng làm suy giảm sức cạnh tranh của Sony ở các thị trường nước ngoài. Và khiến cho triển vọng càng thêm mịt mờ hơn là vụ tấn công tin tặc đối với PlayStation Network vào tháng 4.2011, buộc Sony phải đóng cửa trong vòng 2 tháng.

Cho đến nay, tài chính của Sony đã bị kiệt quệ. Và điều quan trọng hơn, Sony đang đối mặt với việc thua lỗ thê thảm trên hầu hết các thị trường cốt lõi từ video game cho đến hàng điện tử gia dụng và thiết bị di động. Ngay cả PlayStation, một điểm sáng của Sony, cũng đang cạnh tranh rất khó khăn với thiết bị chơi game Nintendo Wii.

Hirai có thể làm gì?

Thách thức lớn nhất của Hirai là làm sao để tạo ra lợi nhuận từ việc bán tivi.

Quả thật, lật chuyển tình thế tại mảng tivi là rất khó trước sự cạnh tranh của Samsung và LG, nhu cầu thế giới yếu ớt và đặc biệt là việc đồng yên mạnh đã khiến cho lợi nhuận ở các thị trường nước ngoài của Sony giảm mạnh. “Chỉ khi họ tạo ra sản phẩm gây cơn sốt hoặc một sản phẩm làm nền cho thế hệ tiếp theo thì tình thế mới có thể thay đổi”, Yoshihiro Okumura, một nhà điều hành tại Chiba-Gin Asset Management ở Tokyo, cho biết.

Hirai hiểu rất rõ cuộc khủng hoảng tại Sony. Ông cho biết “sẽ đưa ra những lựa chọn đau đớn” cho công cuộc cải tổ tại đây. Trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal mới đây, Hirai bắt đầu tiết lộ đường đi của Hãng: “Trải nghiệm người tiêu dùng, chứ không chỉ phần cứng, sẽ là con đường phía trước”.

Một thuận lợi là những quyết định gần đây được đưa ra dưới thời của Stringer đã giúp Hirai thúc đẩy thay đổi trong những lĩnh vực quan trọng. Ở lĩnh vực điện thoại thông minh, cuối năm 2011, Sony đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn liên doanh Sony Ericsson khi mua lại 50% cổ phần của Ericsson AB với giá 1,5 tỉ USD. Điều này sẽ cho phép các kỹ sư Sony nhanh chóng bắt kịp sự thống lĩnh của iPhone.

Vào cuối tháng 12.2011, Sony cũng đã bán cổ phần trong liên doanh màn hình phẳng với Samsung Electronics, cho phép Sony lựa chọn các giải pháp thuê ngoài ít đắt đỏ hơn và điều này có thể giúp Hãng khôi phục lại mảng kinh doanh tivi đang thua lỗ.

Để mở đường cho những thay đổi quan trọng này, điều Hirai cần làm là phá vỡ sự bảo thủ nội bộ giữa các bộ phận trong Công ty. Đây là điều khiến cho nhiều bộ phận không thể làm việc ăn ý với nhau và khiến cho chiến lược sản phẩm của Sony bị chệch hướng. Hirai cũng thừa nhận đây là lý do khiến cho Sony bị sa lầy trong quá khứ và cho biết thay đổi văn hóa doanh nghiệp là điều ông sẽ ưu tiên giải quyết ở cương vị mới để mở đường cho các cải tiến sau này.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư