Áp trần giá sữa: Kỳ 1 - DN ngoại ung dung, DN nội nghẹt thở

Các cơ quan quản lý đang nỗ lực điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu nhưng điều đáng nói, việc quản lý giá đang thiếu tính hiệu quả như mong muốn vì chúng ta lựa chọn phương thức quản lý giá mang tính mệnh lệnh hành chính.

Dư luận đồng tình với việc áp giá sữa bởi có điều này, giá sữa sẽ giảm đáng kể. Nhưng còn nhiều điều đáng lo hơn... tăng giá. Brandsvietnam sẽ đăng tải loạt bài viết xung quanh sự việc này.

Vô tình bảo vệ doanh nghiệp nhập khẩu?

Nếu so với các hình thức đăng ký giá, kê khai giá... việc áp giá trần được xem là giải pháp “rắn” nhất trước tình trạng ồ ạt tăng giá sữa hiện nay. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp trần với 25 mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi chưa xem xét thấu đáo đến kía cạnh giữa hoạt động sản xuất trong nước và hoạt động thương mại (nhập khẩu). Rõ ràng, hai hoạt động này có sự khác biệt rất lớn trong yếu tố cấu thành sản phẩm. Và đương nhiên, quản lý hoạt động sản xuất trong nước... dễ hơn nhiều do các yếu tố đầu vào được kiểm soát chặt chẽ. Còn hoạt động thương mại nhập khẩu thì sao?

Theo một chuyên gia trong ngành này, tính giá trần cho sữa nhập khẩu là điều không đơn giản bởi nó phụ thuộc rất lớn vào giá thành nhập khẩu và rất khó kiểm soát được yếu tố này. Mỗi hãng sữa và mỗi một quốc gia có một tiêu chuẩn, bí quyết công nghệ riêng. Theo thời gian, các hãng sữa cải tiến nâng cao chất lượng như bổ sung axit DHA, ARA, rồi bổ sung vi sinh vật có lợi Probiotics, các vi chất, khoáng chất, vitamin... Theo đó, giá sữa của các dòng này có thể chênh nhau để cả trăm ngàn đồng.

Hơn nữa, theo quyết định của Bộ Tài chính, phương pháp áp giá không dựa trên mặt bằng chung về giá và áp giá theo từng đơn vị sản phẩm cụ thể và theo từng doanh nghiệp. Theo tính toán, doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước có giá bán thấp hơn 40 - 50% so với sản phẩm cùng loại, cùng chất lượng nhập khẩu nhưng lại bị áp mức giảm giá như các sản phẩm có mức giá cao hơn tới 40 - 50%. Vì vậy, doanh nghiệp nhập khẩu có thể chỉ mất một phần trong số lãi rất cao đó, trong khi tỷ lệ lãi của doanh nghiệp sản xuất trong nước rất thấp nên mức lãi cho phép trong quyết định của Bộ Tài chính vô hình chung dẫn đến nguy cơ lỗ thực của doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Vị chuyên gia này cho rằng, khi chính nhà quản lý còn mù mờ về chi phí đầu vào thì sẽ không thể nào đưa ra một công thức tính giá cơ sở chung cho tất cả các loại sữa, càng không thể chia tách, tính riêng giá cơ sở cho mỗi một dòng sữa được. Chính bởi vậy, khi thấy lãnh đạo Cục giá ra tuyên bố, nhiều doanh nghiệp sữa chẳng mấy lo sợ. Bởi chính họ biết rằng, các nhà quản lý ngành giá đang tự... lao đầu vào đá. Và điều này càng được khẳng định khi ngày 21/5, Bộ Tài chính ban hành danh mục sản phẩm sữa bị áp giá trần lại có tới năm sản phẩm sữa ngoại nhập không còn tiếp tục lưu hành trên thị trường trong tương lai. Đó là toàn bộ các sản phẩm của Hãng sữa Mead Johnson trong danh mục áp trần. Các sản phẩm Enfamil A+1, 2; Enfagrow A+3 đều được thay thế bằng dòng sản phẩm tương tự, nhưng có tên mới là Enfamil A+1 3600 (độ) Brain Plus, hay Enfamil A+2 360* (độ) Brain Plus, Enfagrow A+3 360* (độ) Brain Plus... Dễ dàng thấy rằng DN không hề lén lút hay bất ngờ thực hiện. Vậy nên càng khó hiểu cho quyết định áp giá trần với những sản phẩm không còn tồn tại.

Mức lãi cho phép trong quyết định 1079 /QĐ-BTC của Bộ Tài chính vô hình chung dẫn đến nguy cơ lỗ thực của DN sản xuất trong nước.

Trả lời DĐDN, ông Trương Văn Toàn, Giám đốc Đối ngoại và Pháp lý Cty FrieslandCampina Việt Nam cho biết, việc áp dụng giá trần là không phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Và như thế các nhà sản xuất sẽ không còn động lực để nghiên cứu đầu tư cho ra những sản phẩm mới với những công thức dinh dưỡng vượt trội và chuyên biệt để phục vụ người tiêu dùng.

“Lăn tăn”quản lý theo hướng nào?

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) khẳng định, ngay sau khi có biện pháp bình ổn giá mới, cơ quan quản lý đã phát hiện không ít “chiêu” lách luật của doanh nghiệp, như thay đổi mẫu mã, trọng lượng. Để tránh tình trạng này, quy định sắp được áp dụng sẽ nêu rõ các trường hợp thay đổi về trọng lượng so với sản phẩm sữa trong bảng giá trần. Những sản phẩm này phải được tính toán lại giá trần dựa theo trọng lượng mới dựa trên tỷ lệ của mặt hàng cũ trong bảng giá trần. Trường hợp có thay đổi quy cách đóng gói, bao bì mẫu mã và thông tin chất lượng, đại diện Bộ Tài chính cho biết, các mặt hàng này phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì mới được coi là sản phẩm mới và phải tính lại giá bán tối đa. Ông Nghĩa còn khẳng định, cơ quan quản lý sẽ kiểm soát được việc thực thi giá trần của DN, bất kể, doanh nghiệp biện luận thế nào. Trong bảng giá trần, Bộ đã loại bỏ các chi phí bất thường, không hợp lý, hợp lệ của DN đồng thời, đảm bảo DN có lợi nhuận hợp lý.

Tuy nhiên, thực tế lại hình như không phải vậy. Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh băn khoăn, quản lý mặt hàng sữa bằng biện pháp quy định giá trần là rất khó vì sản phẩm rất đa dạng, chỉ cần thêm, bớt thành phần là tính chất sữa thay đổi, kéo theo sự thay đổi về giá. Do đó, lấy sản phẩm của doanh nghiệp này so sánh với doanh nghiệp kia đã là rất khó khăn. Còn nếu tính theo phương pháp chi phí, chỉ có doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu hoặc sản xuất mới biết chi phí thực.

Theo chuyên gia này, trách nhiệm quản lý giá sữa thuộc Bộ Tài chính, thời gian qua, cơ quan quản lý “buông lỏng” quản lý nên mới để xảy ra tình trạng "loạn giá sữa”. Đặc biệt, tình trạng sữa ngoại nhập giá thấp nhưng bán lẻ quá cao gấp 5 lần giá nhập khẩu.

Các doanh nghiệp sữa nội với mức giá bán thậm chí chưa bằng một nửa giá sữa ngoại với các chỉ tiêu chất lượng tương đương, cũng bị siết chặt đến mức đứng trước nguy cơ không còn nguồn lực để tái đầu tư, phát triển. Vậy là cuối cùng, thị trường sữa sẽ “trải thảm đỏ” cho hàng ngoại nhập.

Áp trần giá sữa: Kỳ 2 - Mệnh lệnh khó theo kịp thị trường.

Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp