Doanh nghiệp cần liên minh để đối trọng với các nhà bán lẻ

Mỗi năm các siêu thị đều yêu cầu chiết khấu cao hơn năm trước, kéo dài thời hạn thanh toán… khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Kênh bán lẻ hiện đại hiện nay chỉ chiếm khoảng 20%, việc có mặt ở các siêu thị trở thành niềm mơ ước của các doanh nghiệp (DN) vì tạo được uy tín với người tiêu dùng, tăng tính ổn định… Tuy nhiên, thị trường bán lẻ còn quá ít các nhà bán lẻ, thiếu sự liên minh giữa các DN nên thiếu sự đối trọng với siêu thị khiến DN, nhà sản xuất thường ở thế yếu.

DN chịu không siết

“Hiện nay siêu thị nào có yếu tố nước ngoài thì họ siết DN lắm”, đó là bức xúc của phần lớn DN sản xuất nước mắm, nước chấm. Chẳng hạn, siêu thị nọ yêu cầu năm này tăng mức chiết khấu cao hơn năm trước. Một chai nước mắm chiết khấu tới 20% nhưng siêu thị vẫn chưa hài lòng. Nếu DN không đồng ý với mức chiết khấu siêu thị đưa ra thì không thể ký hợp đồng. Cụ thể như một chai nước mắm nhà cung cấp đưa ra giá 21.000 đồng, chiết khấu cho siêu thị còn 17.800 đồng nhưng phía siêu thị yêu cầu giảm xuống 15.000 đồng, trong khi giá bán của siêu thị đến người tiêu dùng không thay đổi.

DN phải chấp nhận nhún nhường trước những yêu cầu bất hợp lý để có mặt trên kệ hàng tiếp cận người tiêu dùng. Ảnh: TÚ UYÊN

DN thực phẩm đông lạnh kể thêm, chẳng hạn bán một con cá ba sa 60.000 đồng, nhà sản xuất chỉ lãi được 2.500 đồng, còn siêu thị hưởng gấp sáu lần (khoảng 14.500 đồng) lợi nhuận của nhà sản xuất.

Ngoài ra siêu thị còn đề nghị nhà cung cấp tăng cước vận chuyển lên 7%-8%, nếu không thì DN tự giao hàng. Siêu thị lại đưa các DN vào thế khó, bởi làm sao DN có thể giao hàng cho các siêu thị khắp toàn quốc được!

Bên cạnh đó, DN rất khổ sở với các điều khoản trong hợp đồng. Ví dụ, có điều khoản qua một năm nếu DN không ký tiếp thì hợp đồng vẫn có giá trị trong sáu tháng tiếp theo. Trong thời gian này, nếu DN đồng ý với những điều khoản hay chiết khấu mới thì sẽ được áp dụng từ tháng đầu tiên của năm tiếp theo đó. Nghĩa là nhà bán lẻ có quyền truy thu ngược lại những điều có lợi cho mình…

Theo các DN, dù biết có những điều khoản bất hợp lý trong hợp đồng khi hợp tác với các siêu thị nhưng họ vẫn chấp nhận đặt bút ký.

Các DN trong ngành thực phẩm đông lạnh cho biết có một điều khoản trong hợp đồng rất phi lý là tính từ ngày DN gửi thông báo tăng giá thì sau 120 ngày việc áp dụng giá mới được thực thi. Các siêu thị nêu đây là chính sách của tập đoàn khiến DN không thương lượng được.

Mới đây đàm phán với một siêu thị của Nhật, một DN cung cấp hàng thực phẩm công nghệ cũng than phiền siêu thị đã đưa ra điều khoản về cung ứng hàng hóa, thanh toán rất kinh dị. Ví dụ, DN bán cho siêu thị này một thùng nước giải khát giá 120.000 đồng, thời hạn thanh toán là một tháng, nếu tại thời điểm thanh toán giá, mặt hàng này giảm xuống 100.000 đồng hay 110.000 đồng thì DN phải tính theo giá giảm. Tuy nhiên, nếu tại thời điểm thanh toán, mặt hàng này tăng lên 130.000 đồng thì DN không được áp giá cao. Với kiểu áp đặt như vậy DN khó mà hợp tác được.

"Ở nước ngoài các DN, nhà sản xuất liên minh lại với nhau tạo nên sức mạnh để đối trọng với các nhà bán lẻ. Nếu nhà bán lẻ nào có các điều khoản, yêu cầu nào chưa hợp lý, liên minh này sẽ lên tiếng để bảo vệ các DN, nhà sản xuất…"

Chuyên gia marketing ĐOÀN ĐÌNH HOÀNG

Những DN vừa và nhỏ càng rơi vào thế khó hơn. Chẳng hạn, chi phí mở mã hàng lên đến cả chục triệu đồng. Có siêu thị dùng chiêu là nếu DN nào chiết khấu ít thì hàng hóa đó nằm ở vị trí “xấu” nơi người tiêu dùng ít quan tâm.

Bị ép về chiết khấu, khó tăng giá… nhưng để vào được siêu thị, có một số DN ngành thực phẩm đông lạnh đã giảm trọng lượng sản phẩm, giảm chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, các DN đều đồng tình cho rằng siêu thị nào cũng đòi hỏi, làm khó cho DN nhưng các siêu thị Việt Nam dù sao cũng có tình có nghĩa khi DN giãi bày, họ thông cảm và chia sẻ được với DN.

Thị trường bán lẻ còn độc quyền

Chuyên gia marketing Đoàn Đình Hoàng nhận định hiện nay thị trường bán lẻ chỉ có vài cái tên nên xuất hiện độc quyền nhóm. Các DN, nhà sản xuất đều phụ thuộc vào hệ thống phân phối. Cái gì có cạnh tranh thì sẽ tốt hơn. Khi có nhiều nhà bán lẻ vào thì các điều kiện đi vào siêu thị sẽ dễ hơn.

Nhiều DN cho biết họ mong có nhiều nhà bán lẻ đầu tư vào Việt Nam thì người tiêu dùng được lợi đầu tiên. Lúc đó họ cạnh tranh nhau nên sẽ có nhiều chương trình kích cầu về giá. Thứ nữa là do sợ cạnh tranh nên các nhà bán lẻ nội có thể mềm mỏng hơn, cùng hợp tác với DN để đối trọng với nhà bán lẻ ngoại… Do đó DN được thế chủ động hơn trong thương lượng, giúp DN cải tiến về chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm…

Tuy vậy một số DN khác cho rằng khi các nhà bán lẻ ngoại khác vào, ban đầu họ cũng sẽ có chính sách tốt để thu hút nhiều DN hợp tác. Nhưng họ lại sử dụng những nhân sự cũ - từng làm ở các siêu thị đã có sẵn, những người này lại bê nguyên xi chính sách cũ đã từng áp dụng với các DN thì cũng không mang lại sự cải thiện nào.

Cần sức mạnh liên minh

Chuyên gia Đoàn Đình Hoàng nhắc rằng hiện nay ở Việt Nam các tổ chức hiệp hội chỉ là cánh tay nối dài của chính quyền nên chưa là tiếng nói chung của DN, không hỗ trợ gì cho DN trong cuộc cạnh tranh giành thế chủ động được.

Mặc dù mỗi năm siêu thị đòi hỏi các yêu cầu bất hợp lý nhưng một số DN lớn, có thương hiệu, có doanh số cao trong siêu thị không đồng ý thì siêu thị vẫn đành chịu. Vì vậy việc DN tự lớn lên vững mạnh vẫn là vấn đề cốt lõi để DN không bị chèn ép.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng chia sẻ việc các DN liên minh theo hình thức hiệp đoàn, hiệp hội cùng ngành nghề có thể tạo nên sức mạnh, đối trọng lớn hơn không chỉ đối với nhà bán lẻ, chuỗi siêu thị. Tổ chức hiệp đoàn, hiệp hội nếu được tổ chức tốt còn có thể tạo sức mạnh với việc lobby chính phủ, tạo tiếng nói lớn hơn đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Tùng lưu ý các hiệp hội tổ chức như thế nào để có thể tạo thành một liên minh mạnh mẽ, dung hòa lợi ích giữa từng thành viên với các đối tác đòi hỏi sự quản lý chuyên nghiệp và gắn bó chặt chẽ. Nhưng đó lại là điều mà các hiệp hội nước ta chưa thể hiện được nhiều.

Các DN cùng ngành nghề hoàn toàn có thể hợp lực cùng nhau để tạo sức mạnh đối trọng với các chuỗi bán lẻ, chuỗi siêu thị để đảm bảo lợi ích cho mình.

Nguồn Dùng hàng Việt