Bản quyền World Cup 2014, đắt xắt ra miếng

Như vậy, 64 trận đấu World Cup 2014, theo những ước tính khiêm tốn nhất, cũng sẽ mang lại cho nhà đài VTV chừng 1.000 tỉ doanh thu quảng cáo, tương đương 50 triệu USD.

Cuối cùng VTV cũng đạt được thỏa thuận mua bản quyền World Cup 2014 với mức giá thấp hơn khá nhiều so với chào giá ban đầu của MP&Silva. Con số ước tính 10 triệu đô la Mỹ mà MP&Silva từng chào cho các nhà đài Việt Nam dường như gây sốc cho những người đam mê môn thể thao Vua này, và ý kiến phổ biến nhất trên các diễn đàn là phản đối việc mua bản quyền truyền hình với mức giá đắt đến như vậy. Quả thật là MP&Silva đã phải có những điều chỉnh giá cả cho phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam, tuy nhiên mức giá ban đầu mà họ đề nghị cũng không phải quá bất hợp lý như nhiều người nhầm tưởng.

World Cup ngày càng đắt đỏ!

Dù nói thế nào chăng nữa, World Cup bóng đá là một sự kiện đặc biệt có tầm cỡ toàn cầu, một ngày hội thể thao và văn hóa vô cùng hoành tráng chỉ diễn ra bốn năm một lần, với những cầu thủ giỏi nhất thế giới, những ngôi sao trình diễn có giá trị lên đến hàng ngàn tỉ đồng và thu nhập hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Người hâm mộ Việt Nam sẽ được xem vòng chung kết World Cup 2014 miễn phí - Ảnh: FIFA.com

Không có bất cứ một sô diễn nào trên hành tinh này có thể so sánh được với World Cup cả về tầm cỡ, sức hút, và lượng khán giả, nên rất khó có thể đem nó ra so sánh với một giải bóng đá quốc gia nào đó, hay một game show địa phương dù đang rất nóng bỏng, để bình luận rằng giá như thế nào là phù hợp.

Vả lại, chi phí tổ chức World Cup tăng mạnh trong những thập kỷ gần đây. Sáu năm trước, ban tổ chức World Cup 2014 dự trù các phí tổn sẽ lên tới 10 tỉ USD. Nhưng đến nay thì khoản tiền đó được ước tính sẽ là 14 tỉ - 20 tỉ USD. Để so sánh thì World Cup 1998 tổ chức tại Pháp chỉ tốn có 1 tỉ euro (khoảng 1,4 tỉ USD). Một phần là do Pháp không phải chi nhiều về xây dựng cơ sở hạ tầng. World Cup 2010 tổ chức tại Nam Phi tốn khoảng 5 tỉ USDi . World Cup 2018 tổ chức tại Nga sẽ còn đội giá thêm nhiều tỉ USD nữa. Hiện nay người Nga ước tính khoản chi cho World Cup 2018 sẽ lên đến 20 tỉ, thậm chí 50 tỉ USDii ! Nhưng đó vẫn chưa phải con số to tát gì nếu so với chi phí dự tính tổ chức World Cup 2022 tại Qatar lên đến 115 tỉ USD!

Nói chung, World Cup không còn là một cuộc chơi thể thao thuần túy mà đã là một việc làm ăn cực lớn. Cách tốt nhất để không bị lạc lõng giữa một thế giới đang đổi thay là hãy nhìn xem thị trường toàn cầu đánh giá nó như thế nào.

Mặc dù người hâm mộ ở Việt Nam tập trung mũi dùi chỉ trích vào MP&Silva, nhưng nói cho cùng thì chủ nhân thật sự của World Cup và cũng là người quyết định giá bán bản quyền truyền hình và các sản phẩm thương mại liên quan đến World Cup chính là FIFA (Liên đoàn Bóng đá Thế giới). Tổ chức này lớn mạnh rất nhanh trong những năm gần đây, và mục tiêu tài chính của nó trong kỳ World Cup 2014 này là doanh thu 4 tỉ USDiii, trong đó khoảng 2,6 tỉ là từ việc bán bản quyền truyền hình. MP&Silva chỉ là một nhà phân phối bản quyền truyền hình của FIFA mà thôi, và hiển nhiên là FIFA, như tất cả các nhà sản xuất khác, chắc chắn sẽ có những biện pháp hỗ trợ cho MP&Silva hoàn thành được mục tiêu kinh doanh của minh.

Việt Nam là một đất nước rất mê bóng đá, và chắc chắn rằng World Cup 2014, dù có chiếu vào giờ nào trong ngày, cũng sẽ là một chương trình có sức hút hàng đầu với mọi người dân. Vì thế, mức giá quảng cáo trong World Cup 2014 chắc chắn sẽ nằm ở mức cao nhất trong bảng giá quảng cáo của nhà đài.

Không biết cách tính toán phân bổ bản quyền truyền hình của FIFA và MP&Silva như thế nào, tuy nhiên, có thể giả định hai phương pháp sau đây, một là dựa trên dân số, hai là dựa trên GDP. Nếu theo phương pháp tính dựa trên dân số, thì với số dân 90 triệu người, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn thế giới (7,1 tỷ), tiền bản quyền truyền hình World Cup 2014 mà Việt Nam phải trả sẽ vào khoảng 34 triệu USD. Nếu tính theo GDP, thì với con số GDP (PPP) chiếm 0,41% GDP toàn cầuiv, số tiền bản quyền phải trả ở mức 10,66 triệu USD.

Có thể thấy rõ rằng FIFA có lẽ đã chọn phương pháp thứ hai để lượng tính tiền bán bản quyền cho Việt Nam (và có thể là cho rất nhiều quốc gia khác). Thật ra đó là một tư duy kinh tế lành mạnh, vì GDP cũng là con số nói lên vị thế của đất nước trong nền kinh tế toàn cầu. Nếu chỉ dùng số dân để tính toán tiền thu bản quyền, chắc chắn FIFA sẽ rất khó khăn khi thuyết phục các đài truyền hình của các quốc gia nghèo và đông dân như Việt Nam phải chịu mức phí ngang với các siêu cường như Pháp, Anh hay Đức chẳng hạn. Hiện nay các cường quốc đang gánh chịu phần lớn chi phí World Cup 2014, ví dụ như 2 kênh truyền hình ARD và ZDF của Đức đã mua bản quyền World Cup 2014 với giá từ 150 triệu đến 180 triệu Eurov (tương đương 206 triệu đến 248 triệu USD), cao gấp hơn 20 lần so với Việt Nam. Cũng xin lưu ý rằng số dân Đức hiện nay chỉ 82 triệu, ít hơn so với số dân Việt Nam.

Như vậy, nói một cách công bằng, thì con số 10 triệu mà MP&Silva đề nghị cho nhà đài Việt Nam là một con số hợp lý! Và chúng ta đã “có lời” ít nhiều khi mua được giá thấp hơn. Thực tế, nhìn qua các nước trong khu vực, thì VTB của Hongkong đã phải trả đến 400 triệu HKD (51 triệu USD), Singtel đã phải tính phí xem World Cup 2014 là 105 SGDvi (112,35 SGD bao gồm thuế VAT, tương đương 1,9 triệu đồng Việt Nam) cho các thuê bao của mình.

Ai có lợi?

Một điều kỳ lạ, là chính những người phản đối mạnh nhất về giá bản quyền truyền hình lại là những người sẽ không mất một xu dù World Cup 2014 có được chiếu trực tiếp tại Việt Nam hay không! Chưa có nhà đài nào định thu tiền từ khán giả của mình, và với thời gian gấp rút còn lại thì cũng không thể trông mong vào một giải pháp thực tế nào để lấy lại tiền mua bản quyền từ khán giả. Nguồn thu chính mà nhà đài có thể trông mong là tiền quảng cáo. Và World Cup luôn luôn là một mỏ vàng của ngành quảng cáo, tất nhiên không chỉ tại Việt Nam.

Giá bán quảng cáo truyền hình, như đã biết, hoàn toàn phụ thuộc vào số người xem chương trình liên quan. Đơn giản là khách hàng sẽ được người bán quảng cáo chào mời theo chỉ số cost/view: giá/lần xem. Ví dụ bạn phải chi 200 triệu cho một lần quảng cáo trong chương trình có 10 triệu người xem, tức là bạn sẽ tốn 20 đồng cho một người xem, và dù gói quảng cáo này có vẻ rất đắt nhưng vẫn hiệu quả hơn là chi 20 triệu cho chương trình chỉ có 100 ngàn người xem, ngang với việc chi 200 đồng cho một người xem.

Việt Nam là một đất nước rất mê bóng đá, và chắc chắn rằng World Cup 2014, dù có chiếu vào giờ nào trong ngày, cũng sẽ là một chương trình có sức hút hàng đầu với mọi người dân. Thậm chí những trận tứ kết, bán kết, chung kết có lẽ sẽ thu hút gần như toàn bộ người dân cả nước theo dõi. Vì thế, mức giá quảng cáo trong World Cup 2014 chắc chắn sẽ nằm ở mức cao nhất trong bảng giá quảng cáo của nhà đài.

Giả định giá quảng cáo trong World Cup 2014 ngang với giá quảng cáo trong chương trình Bước Nhảy Hoàn Vũ là 150 triệu cho một spot kéo dài 30 giây, và thời lượng cho quảng cáo là 45 phút cho một trận (trước, sau, giữa hai hiệp, trong trận) thì mỗi trận đấu có thể mang lại doanh thu quảng cáo khoảng 13,5 tỷ đồng cho nhà đài. Chưa kể tiền thu từ logo của nhà tài trợ, các quảng cáo trong vô số chương trình ăn theo World Cup, cũng như vô số hình thức quảng cáo khác và các cách kiếm tiền khác giả dụ như từ dự báo kết quả trận đấu qua SMS. Mặt khác, theo thông lệ thì các trận đấu World Cup thường được nhà đài chiếu đi chiếu lại nhiều lần, và các lần chiếu lại vẫn có quảng cáo và logo nhà tài trợ song hành.

Như vậy, 64 trận đấu World Cup 2014, theo những ước tính khiêm tốn nhất, cũng sẽ mang lại cho nhà đài chừng 1.000 tỉ doanh thu quảng cáo, tương đương 50 triệu USD. Doanh thu thực tế có thể còn cao hơn như thế rất nhiều, rất nhiều lần. Có vẻ như nhà đài Việt Nam cần FIFA nhiều hơn là FIFA cần họ.

Nước đến chân mới nhảy?

Nói như vậy không có nghĩa rằng các nhà đài Việt Nam nên mua ngay bản quyền World Cup với mức giá đối tác đề nghị. Đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước chúng ta còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Mức giá mà VTV đã thương lượng được với MP&Silva là một thắng lợi đáng kể. Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề bao quát hơn, thì chưa chắc số tiền mà việc lần lữa này đã mang lại cho nhà đài có thể bù đắp được cho những ảnh hưởng xấu đến chất lượng tường thuật trận đấu và đưa tin liên quan đến World Cup do thiếu kế hoạch chi tiết, cho việc bán quảng cáo do bộ phận kinh doanh bị dồn ép về thời gian nên sẽ khó thương lượng với khách hàng hơn, chưa kể việc phối kết hợp giữa các đài, giữa các bộ phận trong từng đài sẽ gặp nhiều lúng túng do bị đặt vào thế bị động.

Và điều quan trọng nhất là các đài truyền hình Việt Nam phải có kế hoạch dài hạn cho tương lai chứ không thể để nước đến chân mới nhảy như thế này. World Cup không phải là sự kiện ngẫu nhiên xảy ra như tai nạn máy bay hoặc động đất, sóng thần. FIFA đã công khai lập kế hoạch trước hàng chục năm cho các kỳ World Cup của họ, và chẳng cần phải thông minh đặc biệt cũng có thể dự tính được mức phí bản quyền truyền hình mà Việt Nam phải trả cho các kỳ World Cup sắp đến. Chắc chắn rằng khi đất nước chúng ta còn phát triển, còn tiến lên trên thang bậc xếp hạng kinh tế toàn cầu, thì mức phí bản quyền chúng ta phải trả càng tăng. Một ngày nào đó, mức phí này có thể lên đến cả trăm triệu USD nếu chúng ta đã thành nước công nghiệp phát triển, sánh vai được với các cường quốc năm châu!

Và, trên một phương diện nào đó, chúng ta phải thấy tự hào rằng đến ngày ấy, Việt Nam sẽ đàng hoàng trả mức phí bản quyền không thua kém gì so với các nước trong khu vực, và thậm chí là, biết đâu đấy, tương đương các cường quốc, chứ không phải tự hào vì đã cò cưa để được trả mức phí bản quyền ưu đãi hơn một chút.

Nguồn Thanh Niên