Môi giới trên mạng: 5 ăn, 5 thua

Trở thành cầu nối giữa người bán và người mua là hướng đi không còn xa lạ đối với các công ty khởi nghiệp internet, nhưng để làm tốt và thành công là không dễ.

Không giống mô hình đặt khách sạn trực tuyến hay dịch vụ môi giới cho thuê căn hộ thường thấy ở các công ty bất động sản, ý tưởng của Airbnb cho phép khách du lịch có thể thuê được chỗ ở qua đêm phù hợp với sở thích với chi phí thấp, còn những chủ nhà sẽ có thêm một khoản thu nhập. Do nhu cầu thuê và cho thuê ngắn hạn là rất lớn, mạng lưới của Airbnb hiện đã vươn ra 190 quốc gia với hơn 600.000 chỗ ở, trong đó có gần 1.000 chỗ tại Việt Nam.

Cũng theo con đường trung gian, nhưng Uber lại phát triển thành công bằng cách kết nối chủ xe ôtô với những người có nhu cầu.

Là công ty khởi nghiệp internet thành lập từ năm 2009 tại Mỹ, Uber giúp chủ xe ôtô tăng thu nhập thông qua việc chở thêm khách trên chặng đường đang đi. Người có nhu cầu chỉ cần sử dụng ứng dụng di động Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối họ với chủ xe ôtô thích hợp và thông báo trước cước phí. Hiện tại, Uber đã có mặt tại 34 quốc gia và tiếp tục mở rộng thị trường.

Uber

Tại Việt Nam, công ty internet đóng vai trò người trung gian cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong 1-2 năm trở lại đây. Ví dụ, mô hình đặt món ăn trực tuyến, đặt phòng trực tuyến, hay gần đây nhất là gọi taxi trực tuyến.

Về cơ bản, các công ty khởi nghiệp theo hướng này đều dùng công nghệ để mang lại giá trị cộng thêm cho bên có liên quan, chứ không trực tiếp kinh doanh một loại mặt hàng hay dịch vụ nào cụ thể. Chỉ cần hiểu biết về kỹ thuật và nhìn thấy nhu cầu có thực của người dùng, các công ty internet mới có thể nắm bắt được cơ hội để phát triển. Tuy đây là một hướng đi hấp dẫn, nhưng để thành công tại Việt Nam, sẽ cần nhiều hơn thế.

“Không có gì sai khi đưa ý tưởng thành công trên thế giới áp dụng vào Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát chất lượng dịch vụ một cách hiệu quả vẫn là điểm yếu ở hầu hết đơn vị”, Phan Kim Đôn, đại diện FoodPanda (mô hình đặt món ăn trực tuyến thuộc Rocket Internet), nhận xét.

Đơn cử như trường hợp một công ty internet ở phía Bắc bắt chước mô hình của Uber (kết nối chủ ôtô và người cần di chuyển) đã gặp rắc rối hồi cuối năm ngoái khi để xảy ra tình trạng chủ xe đánh cắp tài sản khách hàng. Ngược lại, các mô hình tương tự như Airbnb cũng đã gặp phải trường hợp khách hàng quay lại và đột nhập bất hợp pháp chỗ họ thuê trước đó.

Airbnb

Khác với các mô hình thương mại điện tử thông thường, công ty internet làm người trung gian bắt buộc phải kiểm soát chặt chẽ và liên tục chất lượng của bên cung cấp dịch vụ, đồng thời đảm bảo an toàn cho cả bên cung cấp dịch vụ lẫn người dùng. Các công ty internet thành công trên thế giới ở vai trò người trung gian luôn làm tốt điều này, bên cạnh những lợi ích cộng thêm mà họ đã mang lại cho đôi bên.

Đối với Airbnb thì công ty này dùng thuật toán lập trình khiến cho những chỗ ở bị người dùng đánh giá thấp trở nên khó tìm trên hệ thống. Bên cạnh việc nắm rõ thông tin người dùng và cho họ chấm điểm những nơi đã thuê qua, Airbnb cũng bảo vệ chủ nhà bằng chính sách bồi thường tối đa 1 triệu USD cho mỗi sự cố. Trong khi đó, Uber yêu cầu cả chủ xe ôtô lẫn người dùng phải đạt mức đánh giá nhất định (đánh giá qua lại thông qua ứng dụng di động Uber) để được tiếp tục tham gia hệ thống.

Ngoài việc kiểm soát được chất lượng, các công ty internet này cũng phải đưa ra được những giải pháp thanh toán đơn giản để giảm thiểu rủi ro. Cả Airbnb lẫn Uber đều có hệ thống thanh toán tự động từ thẻ tín dụng của người dùng và chuyển vào tài khoản bên cung cấp dịch vụ. Còn tại Việt Nam, khâu thanh toán vẫn đang là một trở ngại lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế internet.

Khâu thanh toán vẫn đang là một trở ngại lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế internet ở Việt Nam.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là các đơn vị trung gian phải tìm và thu hút được lượng người dùng đủ lớn mới có thể thành công. Bằng không, họ sẽ khó mở rộng được đến quy mô đủ để có thể kinh doanh hiệu quả.

Tại Việt Nam đã xuất hiện một số công ty khởi nghiệp internet theo hướng trung gian ở lĩnh vực du lịch như VinaBooking, iVivu hay ChuDu24 và họ đạt được thành công nhất định. Phần lớn các đơn vị này đều hướng đến người dùng là khách du lịch trong lẫn ngoài nước.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư