Ai sẽ thế chân Glico ở Kinh Đô?

Đối tác chiến lược của Kinh Đô là Glico vừa bán 8,4 triệu cổ phiếu KDC để giảm tỉ lệ sở hữu từ 10,1% xuống mức 5,06%. Với động thái này, có vẻ như Glico muốn trở thành nhà đầu tư tài chính hơn là cổ đông chiến lược của Kinh Đô.

Glico đổi vai

Tháng 2.2012, Kinh Đô đã bán 14 triệu cổ phiếu KDC với tổng giá trị khoảng 700 tỉ đồng cho Ezaki Glico (gọi tắt là Glico), một công ty thực phẩm đa quốc gia của Nhật có doanh số tới 3 tỉ USD/năm. Sau thương vụ này, Glico nắm hơn 10% cổ phần Kinh Đô.

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kinh Đô, từng cho biết Glico có thể đưa sản phẩm thâm nhập thị trường Việt Nam qua hệ thống phân phối gồm hơn 120.000 điểm bán của Kinh Đô trên khắp cả nước. Tham vọng của hai bên là sau 4 năm, Pocky, sản phẩm chủ lực của Glico và các nhãn hàng khác, sẽ đạt mức doanh thu khoảng 1.000 tỉ đồng. Hơn thế nữa, nếu thành công, hai bên sẽ đầu tư nhà máy. Ngay sau khi ký hợp đồng đối tác chiến lược, Glico đã hỗ trợ 8 triệu USD cho Kinh Đô nhằm đẩy mạnh các chương trình tiếp thị bán hàng trong cả nước.

Pocky, dòng sản phẩm chủ lực của Glico.

Cuộc hôn nhân này đi kèm với cam kết là Glico sẽ cùng Kinh Đô phát triển mạnh ngành hàng thực phẩm và nắm giữ cổ phiếu KDC trong ít nhất 5 năm. Nhưng mới vừa được 2 năm, Glico đã rời vai trò đối tác chiến lược khi thoái phân nửa số cổ phần nắm giữ tại Kinh Đô với lý do tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, theo giới đầu tư, có một khả năng khác là Glico muốn chốt lời phân nửa số vốn đầu tư tại Kinh Đô. Cổ phần Kinh Đô được Glico mua với giá chỉ khoảng 38.300 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 34,4% so với giá khi bán là 51.500 đồng/cổ phiếu, theo báo cáo của Kinh Đô gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Nếu cam kết là nhà đầu tư chiến lược của Kinh Đô và cùng đồng hành trong dài hạn tiếp tục được thực thi, Glico đã không thoái vốn như vừa rồi. Bởi vậy, không loại trừ khả năng xảy ra bất đồng trong quá trình triển khai chiến lược hợp tác.

Hồi tháng 9.2013, thị trường rộ lên thông tin Kinh Đô sắp ra mắt sản phẩm mì ăn liền. Ông Nguyên, Kinh Đô, cũng từng úp mở khả năng này tại Đại hội cổ đông trước đó 5 tháng. Thế nhưng, cho đến nay, Kinh Đô vẫn chưa có bất kỳ động thái đáng kể nào để xúc tiến kế hoạch. Lúc đó, một thông tin không chính thức từ người trong cuộc cho hay Kinh Đô sẽ cho ra mắt sản phẩm này, nhưng do cạnh tranh trên thị trường đang khốc liệt, nên Công ty sẽ lựa chọn một phân khúc phù hợp nhất.

Trong khi sản phẩm mì ăn liền chưa thể ra mắt thì triển vọng của một số sản phẩm khác như Pocky lại chưa rõ ràng. Ông Kelly Wong, Giám đốc Tài chính của Kinh Đô, cho biết: “Để đạt được kết quả tốt, phải có nỗ lực từ cả hai phía gồm đầu tư phát triển kênh phân phối và xây dựng thương hiệu”. Theo ông, Pocky là dòng sản phẩm cốt lõi và cao cấp của Glico, nên đối tượng khách hàng cũng khá cao cấp. Kinh Đô chỉ mới phân phối các sản phẩm của Glico từ tháng 3.2013 nên cần có thời gian để người tiêu dùng tiếp nhận. Mức giá bán một hộp Pocky hiện là 17.000 đồng, trong khi mặt bằng giá chung các sản phẩm snack chỉ từ 6.000-9.000 đồng/gói.

Ông cũng cho biết mục tiêu của hai bên là đẩy mạnh phát triển các sản phẩm của Glico tại thị trường Việt Nam. Riêng hoạt động xuất khẩu thì không liên quan đến việc hợp tác giữa hai công ty. “Trước khi hợp tác với Glico, xuất khẩu vẫn luôn chiếm một phần không nhỏ trong cơ cấu doanh thu của Kinh Đô. Hiện nay, sản phẩm của Kinh Đô không chỉ xuất sang Nhật mà còn đến hơn 30 nước khác trên thế giới. Trong đó, Nhật vẫn đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Kinh Đô”, ông nói. Có vẻ như xuất khẩu không phải là vấn đề Kinh Đô đặt nặng trong mối quan hệ với Glico.

Đi tìm đối tác mới

Kinh Đô đã có một năm 2013 ăn nên làm ra, với lãi ròng tăng tới 40% và tổng doanh thu tăng 6%. Với kết quả này, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Kinh Đô, khẳng định trên trang web của Công ty: “Chúng tôi sẽ xem xét chiến lược mua bán sáp nhập với quy mô lớn hơn trong năm 2014, như một phần quan trọng của chiến lược tăng trưởng chung”.

Năm 2013, lãi ròng Kinh Đô tăng tới 40% và tổng doanh thu tăng 6%.

Việc tìm đối tác chiến lược mới sau khi Glico rút lui không phải là quá khó đối với Kinh Đô, nhất là khi tiềm năng tăng trưởng của ngành thực phẩm Việt Nam vẫn tốt. Theo báo cáo quý IV/2013 của hãng nghiên cứu Anh Euromonitor, sức mua đối với mặt hàng thực phẩm vẫn còn cao, phân khúc đa dạng và tốc độ tăng trưởng ngành luôn được duy trì ở mức 30-40% trong thời gian tới.

Vậy ai sẽ thay Glico? Về vấn đề này, ông Kelly, Kinh Đô, chỉ cho biết: “Hiện có nhiều đối tác muốn hợp tác với Kinh Đô, nhưng Công ty chưa đưa ra quyết định chính thức nào”.

Sau thất bại với Nutifood hồi cuối năm 2008 trong một thương vụ được đánh giá là “liên minh chiến lược toàn diện lần đầu tiên ở Việt Nam”, Kinh Đô nay đã thận trọng hơn nhiều trong việc chọn lựa đối tác chiến lược. Điều này cũng hợp lý vì liên quan đến nhiều yếu tố, nhất là giá cổ phiếu KDC. Nhưng chắc chắn, khuôn mặt mới này sẽ phải đủ lực và bản lĩnh để có thể đồng hành với Kinh Đô trong cuộc chơi lớn của ngành thực phẩm thời gian tới.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư