Âm nhạc và thương hiệu

Một bản nhạc sôi động vang lên: “Tell me when you will be mine…”, với hình ảnh một anh chàng điển trai dù tay lạnh run vẫn cố tìm chai bia Heineken trong thùng đá. Không cần nhiều lời, bạn sẽ nhớ đến thương hiệu Heineken mỗi khi nghe bản nhạc ấy.

Nhiều em bé vẫn nghêu ngao hát bài “Trăm phần trăm, chúng tôi là những con bò” trong quảng cáo sữa tươi 100% của Vinamilk, mặc dù quảng cáo đã được ngừng phát từ vài năm trước. Một bài hát thật dễ thương, có giai điệu rất trẻ thơ, nhắc nhớ mẹ mua sữa Vinamilk mỗi ngày. Đó cũng là một cách nhắc nhớ tuyệt vời về thương hiệu, những câu hát tưởng như vu vơ lại có tác dụng to lớn đến vậy.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì…, để gió cuốn đi”, bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cất lên trong mẩu quảng cáo Quỹ 6 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo Việt Nam của Vinamilk. Chỉ một câu đọc trầm ấm: “Hãy uống sữa Vinamilk để đóng góp 6 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo trên khắp Việt Nam” cũng làm lòng yêu thương trong mỗi chúng ta trỗi dậy.

Mỗi khi đứng trước kệ hàng, phải phân vân chọn giữa Dutch Lady và Vinamilk, mọi người vẫn thường chọn Vinamilk vì nghĩ rằng mình sẽ đóng góp một phần nhỏ bé cho trẻ em nghèo.

Âm nhạc đã đi vào máu thịt của chúng ta từ những lời ru của mẹ, của bà, từ những âm thanh của cuộc sống: tiếng gà gáy trưa, tiếng rao bán hàng, tiếng sáo diều vi vu…, nó đi vào tâm thức của chúng ta một cách tự nhiên, không chủ đích nhưng rất sâu đậm.

Trong thương hiệu cũng vậy, khi đã xem một phim quảng cáo với hình ảnh và âm nhạc hòa quyện với nhau, âm nhạc thường có vai trò quan trọng hơn, đi vào tâm thức sâu hơn hình ảnh nên khi nghe lại đoạn nhạc quen thuộc, chúng ta sẽ nhớ về thương hiệu được quảng cáo.

Có nhiều loại nhạc khác nhau để bạn có thể sử dụng nhằm truyền tải thông điệp của mình, tùy theo nội dung và hình thức của thương hiệu. Các loại nhạc truyền thống thường được sử dụng cho những thương hiệu có lịch sử lâu đời, các loại nhạc có giai điệu trẻ trung luôn gây được ấn tượng với giới trẻ, thể hiện sức sống mãnh liệt của thương hiệu…

Về mặt thị giác, người tiêu dùng có thể nhận diện thương hiệu bằng hình dáng logo, màu sắc, thiết kế bao bì. Còn với âm nhạc, họ có thể liên tưởng tới thương hiệu qua thính giác và sự liên tưởng này còn mạnh mẽ hơn thị giác rất nhiều vì nó được rung động từ sâu thẳm trong tâm thức.

Khi sử dụng âm nhạc trong thương hiệu, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ từng dòng nhạc và tính cách của những người thích nghe dòng nhạc đó để chọn những dòng nhạc phù hợp với thương hiệu của bạn.

Với rock, âm bass, âm treble, tiếng guitar, tiếng rít của micro tiếng gào thét đầy ngẫu hứng của rocker, tiếng giậm chân, tiếng vỗ tay của người hâm mộ sẽ làm bạn phát điên vì những âm thanh náo nhiệt tưởng như không giai điệu nhưng thật sự làm bạn hứng khởi… Rap, house, electro, hip hop, R&B, mỗi loại thể hiện tâm hồn của một nền văn hóa, một giá trị, một giai đoạn của sự phát triển.

Còn có những dòng nhạc thể hiện sự phóng khoáng, sự tự do, niềm hạnh phúc được sống, được ca hát, được yêu thương. Hãy nghe những bài hát từ Cuba, Afghanistan, Tây Tạng, Mông Cổ, những bài ca chan chứa yêu thương. Một Cuba nóng bỏng, những bãi cát dài, những đồng mía khô, những chàng trai với cặp mông tròn lẳn, những cô gái với bộ ngực căng tròn đầy sức sống ca ngợi tự do, họ hát lên những giai điệu Latin thật trữ tình.

Nghe nhạc của các Khan ở Mông Cổ với những thảo nguyên rộng lớn, những đàn gia súc ồn ào, những tiếng thanh la, tù và lẫn trong tiếng gió, cảm giác như ta đang sống với đất trời. Tiếng vó ngựa đằng xa, tiếng vọng từ những ngọn núi, âm thanh thật sự của thiên nhiên kỳ vĩ, của núi rừng và những người anh hùng trên lưng ngựa, nhạc của Khan, nhạc của mẹ thiên nhiên.

Âm nhạc là liều thuốc thần kỳ mà nếu nhà làm marketing nào biết sử dụng đúng thời gian, ngữ cảnh, định vị thương hiệu sẽ tạo nên sự kết nối diệu kỳ với người tiêu dùng, đi thẳng vào trái tim, làm rung động những nơi thầm kín nhất trong tâm hồn của họ. Âm nhạc nối liền những trái tim.

Nguồn Bản sắc Thương hiệu