Chương Dương lại có lãi

Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương đã trở thành một điểm sáng khi công bố lợi nhuận của quý IV lên đến 13 tỉ đồng và lợi nhuận lũy kế từ đầu năm lên 27 tỉ đồng. Con số này vượt gần 60% so với kế hoạch là 16,73 tỉ đồng.

Lợi nhuận của Chương Dương không lớn. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh thị trường nước giải khát Việt Nam cạnh tranh gay gắt, việc Chương Dương, một doanh nghiệp nhỏ và đang đứng ở thế vô cùng khó khăn lại lãi to là điều đáng ngạc nhiên.

Trong 3 ông lớn của lĩnh vực nước giải khát, ngoại trừ Tân Hiệp Phát không cho biết kết quả kinh doanh, 2 doanh nghiệp nước ngoài chiếm phần lớn thị trường vẫn luôn báo cáo kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Cách đây khoảng 7 tháng, trong một bài viết về thị trường nước giải khát, một lãnh đạo cấp cao của Chương Dương đã cho biết, Chương Dương đang ở trong tình trạng vô cùng khó khăn bởi sự chèn ép của các ông lớn trong ngành. Chiến lược giảm giá của các đại gia này đã khiến các doanh nghiệp nước giải khát trong nước gặp khó khăn.

Doanh thu từ kinh doanh nước giải khát của Chương Dương năm 2013 đạt 411 tỉ đồng.

Mức giảm giá còn tùy thuộc vào khu vực và dòng sản phẩm, nhưng những khu vực quanh TP.HCM như miền Đông hoặc miền Tây Nam Bộ được giảm mạnh hơn. Trong khi đây vốn là những thị trường chính của Chương Dương.

Động thái này theo nhận định của ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh, đơn vị sở hữu thương hiệu Bidrico, đã đánh trực diện vào các doanh nghiệp Việt như Bidrico, Chương Dương. Theo ông, thị trường nước ngọt có gas và dùng chai thủy tinh chủ yếu phát triển mạnh ở nông thôn nhờ giá rẻ và đang được các doanh nghiệp nước uống Việt Nam chiếm giữ.

Vậy vì đâu Chương Dương có kết quả kinh doanh ngoạn mục đến như vậy?

Ông Trần Đức Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chương Dương, đã từ chối trả lời phỏng vấn của NCDT. Tuy nhiên, nếu xem các giải trình kết quả kinh doanh hằng quý và thông tin công bố gửi sở giao dịch chứng khoán của Chương Dương có thể thấy họ đã có những thay đổi chiến lược quan trọng. Đó là mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ để tăng sản lượng thay vì tập trung vào thị trường truyền thống ở phía Nam. Đây chính là một trong những chiến thuật giúp cho doanh thu của Chương Dương tăng trưởng đáng kể. Năm 2013 doanh thu của Chương Dương đạt 429 tỉ đồng so với 343 tỉ đồng của năm 2012.

Điều đáng nói là nguồn doanh thu này chủ yếu đến từ mảng kinh doanh chính là nước giải khát thay vì từ hoạt động đầu tư tài chính và các nguồn khác như những năm trước. Năm 2013 nguồn thu từ mảng kinh doanh chính và là mảng chủ đạo của Công ty đã đạt 411 tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2012. Trong khi đó doanh thu từ hoạt động tài chính năm 2013 sụt giảm hơn 2 tỉ đồng so với năm 2012.

Doanh thu và lợi nhuận của Chương Dương từ 2008-2013

Ngoài việc mở rộng thị trường, một trong những chiến thuật quan trọng khác giúp Chương Dương tăng trưởng và có lợi nhuận tốt trong năm qua có lẽ đến từ việc tái cấu trúc bộ máy lãnh đạo của công ty này. Năm 2013, trong kỳ đại hội cổ đông ông Trần Đức Hòa đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị thay cho ông Bùi Ngọc Hạnh.

Cả ông Hòa lẫn ông Hạnh đều là người đại diện vốn cho Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), chiếm 62% cổ phần tại Chương Dương. Nhưng với nhiều năm kinh nghiệm làm Giám đốc Điều hành Sabeco, ông Hòa đã có những tác động gây ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược của Chương Dương, đặc biệt là về mặt nhân sự - điểm yếu của Chương Dương.

Năm 2013 Chương Dương cũng lần đầu tiên có cổ đông ngoại lớn là Mutual Fund Elite, một quỹ đầu tư của Deutsche Bank. Quỹ này đã trở thành cổ đông lớn kể từ ngày 9.12 khi nắm giữ 6,05% vốn. Vào ngày 24.1 tổ chức này cũng đã mua thêm 101.030 cổ phiếu, tăng số lượng nắm giữ lên 614.290 cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 7,25%. Rõ ràng cổ đông này khi được ngồi vào hội đồng quản trị, chắc chắn sẽ có những tư vấn thiết thực cho ban lãnh đạo của Chương Dương.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư