Khi quảng cáo không thật tâm

Sẽ không ngoa khi nói rằng, đoạn quảng cáo của sản phẩm mỳ Gấu đỏ đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả khi chứng kiến cảnh cậu bé ung thư tên Tuấn chào tạm biệt bác sĩ để xuất viện vì gia đình không có tiền chạy chữa cho em, thế nhưng sự thực câu chuyện này có đúng như vậy? Phải chăng khán giả đã bị lừa một cách… trắng trợn?

Quảng cáo đánh "thẳng" vào tâm lý khách hàng nhằm mục đích gì?

Clip dài 30 giây xuất hiện hình ảnh cậu bé Tuấn, một bệnh nhân ung thư với nụ cười hồn nhiên, mở cánh cửa BV chào tạm biệt mọi người để về nhà đã khiến hàng triệu con tim độc giả rung động. "Đó là ký ức câu chuyện của bệnh nhân tên Long, về nụ cười ấm áp của cô y tá Mai, sự ân cần, hóm hỉnh của bác sĩ Quang. Tuy nhiên, với bố mẹ Tuấn, ngày ra viện lại là ký ức buồn vì họ không đủ kinh phí để tiếp tục điều trị cho con", trích nội dung quảng cáo. Lần đầu xem quảng cáo trên, chị H. ở Nguyễn Du (Hà Nội) đã bật khóc. "Cậu bé hồn nhiên, không biết mình rời cánh cửa BV để về nhà chờ chết vì gia đình không đủ tiền chạy chữa. Dù không quen biết, tôi vẫn thấy có trách nhiệm làm gì đó để giúp Tuấn", chị tâm sự. Không chút đắn đo, chị H. ra cửa hàng gần nhà mua ngay một thùng mỳ Gấu đỏ, với hy vọng, đóng góp nhỏ bé của mình có thể đến được với những em nhỏ đang mắc căn bệnh như Tuấn. Thế nhưng mấy ngày gần đây, đọc tin tức trên báo rồi vào diễn đàn mạng, chị bất ngờ khi biết nhân vật Tuấn không có thật. "Khi tôi xem lại và nhìn kỹ hơn thì thấy dòng chữ "hình ảnh mang tính minh họa" ở góc phải màn hình và tôi thực sự buồn", chị L. nói. Chị Xuân Lan, giáo viên ở Hà Nội cũng cảm giác bị lạm dụng lòng thương khi biết điều đó. Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mỳ gói, chị chọn Gấu đỏ ban đầu vì muốn giúp đỡ trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. "Đúng là khi dùng, gia đình tôi rất thích, nhưng lý do đến với sản phẩm là từ quảng cáo thương tâm đó", chị Lan nói.

Nhiều người từng mua mỳ Gấu đỏ ủng hộ chương trình "Gắn kết yêu thương" sau phút ngỡ ngàng đã đem bức xúc bày tỏ trên các diễn đàn và lập tức tạo lên hiệu ứng không mấy tích cực về clip quảng cáo. Trên Facebook cũng xuất hiện những lời phàn nàn về clip đánh vào tâm lý khách hàng của đơn vị thực hiện - Cty Thực phẩm Á Châu. Nhiều ý kiến phản đối khi cho rằng, nhà sản xuất mỳ gói đã lợi dụng lòng trắc ẩn để kích cầu tiêu thụ. Số khác cho rằng, cũng là cách bán hàng nhưng DN biết trích lợi nhuận để chia sẻ cộng đồng cũng là điều đáng ghi nhận. Một độc giả chia sẻ, kinh tế khó khăn, nhiều Cty rơi vào tình cảnh phá sản nên việc doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho xã hội là đáng quý. "Khi ăn bát phở giá vài chục nghìn đồng, ít người nhớ đến việc bỏ bạc lẻ làm từ thiện. Tôi xúc động khi xem clip này và thấy việc dùng hình ảnh đóng thế là hợp lý", độc giả này nhấn mạnh.

"Quảng cáo hiện nay chỉ mang lại cho người ta cái bực bội. Quảng cáo nhiều người xem nhất vẫn là quảng cáo trên ti vi. Mặc dù quy định thời lượng quảng cáo không quá 5% nhưng họ nghĩ không có ai kiểm soát nên họ tha hồ làm. Hay họ nghĩ 5% của 24h. Có những chương trình thời lượng quảng cáo chiếm đến 50%. Nhà tôi, lúc nào đến quảng cáo là tắt đi xem kênh khác chứ không xem quảng cáo. Quảng cáo cứ lặp đi lặp lại mãi. Nội dung và hình ảnh trong các quảng cáo hầu như là nói vống lên, kiểu như nói dối khách hàng, nhưng tệ hại ở chỗ là nếu nói dối nhiều người sẽ tin...", một luật gia chia sẻ.

Với quảng cáo mỳ Gấu đỏ, ông Phú (Hà Đông) cho rằng, nội dung quảng cáo không ăn khớp gì với thực tế. Quảng cáo mỳ gói lại dựng lên cảnh những trẻ em bị ung thư. Nói một thôi một hồi hóa ra quảng cáo mì Gấu đỏ. Trong khi đó, NTD rất cần là thông điệp về dinh dưỡng cũng như nguồn gốc của sản phẩm thì bặt tăm không thấy nói gì đến. Ông Phú cũng nhấn mạnh "Cách làm này rất dở. Có thể mì Gấu đỏ hứa với quỹ gì đó bán được gói mì sẽ trích ra 10 đồng/gói để hỗ trợ quỹ đó. Nhưng thực ra mỳ Gấu đỏ mất một đồng nhưng lãi nhiều đồng. Nếu là lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của những bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những bệnh nhi đang ngày đêm chống chọi lại với căn bệnh này để làm hình ảnh quảng cáo tăng doanh thu cho mình, thực ra tôi thấy nó chẳng hiệu quả gì chỉ thấy phản cảm".

Làm gì thì làm, cũng phải thật tâm…

Chương trình "Gắn kết yêu thương" được Cty Thực phẩm Á Châu triển khai từ cuối năm ngoái với mong muốn đem lại cái Tết no ấm cho trẻ em nghèo. Tại thời điểm xây dựng ý tưởng truyền thông cho chương trình, trong nội bộ Cty cũng xuất hiện các ý kiến khác nhau. Người cho rằng, nên sử dụng hình ảnh thật, nhưng đa số ý kiến nói rằng, cần lựa chọn nhân vật đóng thế. Lý do đơn giản lúc ấy là: Các em bệnh nhân đều đang trong tình trạng nguy kịch nếu để các em tham gia clip sẽ là hành động tàn nhẫn. "Nếu không có chương trình này, chúng tôi chỉ có thể giúp vài chục triệu đồng hay vài trăm triệu đồng cho một số trường hợp. Trong khi, thông qua chương trình Gấu đỏ “Gắn kết yêu thương", với sự chung tay của hàng triệu NTD và các nhà hảo tâm, số tiền đóng góp lên đến hơn 1,6 tỷ đồng và kịp thời hỗ trợ 19 trường hợp bệnh nhi cần chữa bệnh khẩn cấp. 6 em đã xuất viện, trở lại với gia đình", ông Trần Bảo Minh, Phó TGĐ Cty Thực phẩm Á Châu nói. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khu Thị Khánh Dung - Phó GĐ BV Nhi Trung ương xác nhận, đã có 11 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo được chương trình "Gắn kết yêu thương" hỗ trợ. Các em này đều là những bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả viện phí. Theo ông Minh, sự quan tâm của cộng đồng đối với chương trình sẽ giúp Cty có động lực để làm nhiều việc hơn nữa vì trẻ em nghèo, tạo sự gắn kết cho cộng đồng, xã hội. "Chúng tôi không thể vì những ý kiến chỉ trích mà dừng việc hỗ trợ lại, như vậy thì các bệnh nhân nghèo sẽ thiệt thòi", ông Minh cho biết thêm.



Giới chuyên gia cho rằng, câu chuyện quảng cáo mỳ Gấu đỏ có thể là bài học kinh nghiệm cho các Cty khi marketing cho sản phẩm. Hiện có hai cách phổ biến nhất để kích doanh thu là: Khuyến mãi sản phẩm - đánh vào lòng tham khi đưa ra cơ hội trúng nhà, trúng xe, kim cương hay vàng, bạc. Cách thức thứ 2 mạo hiểm hơn nhưng không kém hiệu quả là đánh vào tình thương. Xét về một khía cạnh nào đó, cách làm của mỳ Gấu đỏ đã thành công trong việc định vị thương hiệu trong tâm trí NTD, đặc biệt khi thị trường Việt Nam đã có quá nhiều nhãn hiệu mỳ ăn liền. Trong khi đối thủ cạnh tranh thường nhấn mạnh vào đặc tính hay lợi ích sản phẩm như ăn không bị nóng, có lợi cho sức khỏe..., thì thông điệp của mỳ Gấu đỏ "Gắn kết yêu thương" đánh vào lòng trắc ẩn của khách hàng.

Ý tưởng đó không có gì sai khi phát huy truyền thống tương thân tương ái của người Việt. Tuy nhiên, cái dở của clip là đã đi hơi quá khi khơi dậy lòng trắc ẩn. Thông điệp "từ thiện" vốn nhạy cảm khi thể hiện trong một quảng cáo thương mại nên dễ gây ra cảm giác khó chịu cho người tiếp nhận. Việc nhân vật Tuấn là diễn viên đóng thế không quan trọng, cốt lõi nằm ở chỗ thông điệp kêu gọi cộng đồng hành động vì trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. Bởi lẽ sẽ không nhân vật thật nào đồng ý để đưa hình chạy quảng cáo, lấy lòng trắc ẩn của mọi người. Từ câu chuyện quảng cáo của mỳ Gấu đỏ mới thấy rằng, DN muốn làm gì thì làm, cũng phải thật tâm, đó mới thực sự là điều khách hàng cần.

Nguồn Pháp luật Xã hội