Chuyển website nhưng giữ nguyên giá trị SEO và lượng truy cập

Khi phải chuyển một website mà có thể thay đổi URL của các trang web, bạn cần đảm bảo công cụ tìm kiếm và khách truy cập website có thể đi theo các URL cũ để đến các URL mới, nếu không:

- Lượng truy cập đến website của bạn qua bookmark hoặc qua liên kết trên các website khác, sẽ tìm thấy các liên kết gãy và có thể rời khỏi website.

- Hệ thống các liên kết được xây dựng nhằm củng cố cho thứ hạng của bạn sẽ bị gãy và sụt giảm giá trị của chúng; và

- Các trang web này sẽ đánh mất thứ hạng hiện tại trên công cụ tìm kiếm.

Có rất nhiều cách thức và lý do để người ta dịch chuyển một website:

- Nếu chỉ đơn thuần chuyển website đến một host mới mà vẫn giữ nguyên tên miền & website như định dạng ban đầu và không thay đổi URL, bạn không nên thay đổi bất kì điều gì trong URL, cũng như không gây ra bất kì vấn đề gì cho các trang web được đánh chỉ mục bởi công cụ tìm kiếm, hoặc được bookmark bởi khách truy cập. Để duy trì thứ hạng trên công cụ tìm kiếm, hãy đảm bảo rằng không có bất kì trở ngại nào cho các spider khi chúng truy cập hosting mới.

- Nếu chuyển đến một hệ thống quản lý nội dung mới (CMS), thường thì website được phát triển lại sẽ có cấu trúc đặt tên URL khác. Đây chính là lúc bạn phải hành động để tránh trường hợp thứ hạng bị sụt giảm, hoặc khách truy cập gặp phải trang lỗi 404 (Không tìm thấy).

- Nếu làm mới thương hiệu và thay đổi tên miền cho website, tất nhiên bạn cần chuyển hướng các trang web cũ đến tên miền mới.

- Có thể bạn có ý định chỉnh sửa URL của trang web thành một URL thân thiện với người dùng và công cụ tìm kiếm – cụ thể là, chuyển www.yourwebsite.com/pages1.html sang www.yourwebsite.com/move-a-website.html. Cái tên mới này có lẽ thân thiện với công cụ tìm kiếm hơn, nhưng bạn cần đảm bảo công cụ tìm kiếm có thể đi theo url cũ đến url mới để duy trì thứ hạng hiện tại và tránh tạo ra các liên kết chết.

Hầu hết các chủ website đều không xem xét các vấn đề trên khi quyết định dịch chuyển website của họ, trong khi không ít các chuyên viên phát triển web khác cũng không biết cách giảm thiểu tác động.

Bạn không bao giờ có thể đoan chắc liệu hành động “chuyển nhà” này có tác động đến thứ hạng tìm kiếm của website hay không, nhưng bạn có thể làm nhiều việc khác nhau để đảm bảo kết quả tốt nhất:


- Dù sử dụng platform hay CMS mới cho website, hãy cố gắng giữ các URL y như cũ. Đây là một vấn đề bạn cần cân nhắc kĩ trước khi lựa chọn platform mới cho website của bạn. Trong WordPress, bạn có thể dùng “Permalinks” để chỉ ra bạn muốn các URL được định hình như thế nào. Cấu trúc bình thường của một trang web là www.yoursite.com/?p=64, nhưng trong phần cài đặt Permalinks, bạn có thể chỉnh sửa nó thành một cấu trúc thân thiện với công cụ tìm kiếm hơn, như www.yoursite.com/move-a website/. Bạn cũng có thể dùng plugin chèn thêm “.html” vào url (www.yoursite.com/move-a-website.html) để tạo ra các URL khớp với website tĩnh. Nếu website của bạn có quá nhiều trang trong, có lẽ bạn nên thuê một chuyên viên phát triển web viết chương trình để giải quyết các vấn đề này cho bạn, nhưng vẫn có những yếu tố khác bạn phải nhập liệu bằng thao tác tay.

Chèn “chuyển hướng 301” cho tệp tin .htaccess. Tệp tin .htaccess nằm trong thư mục gốc của website, cung cấp cho server thông tin trên website của bạn, như các mật mã và cách xử lý các yêu cầu hiển thị tệp tin. Trong tệp tin này, bạn có thể chỉ ra tệp tin nào nên được chuyển hướng đến tệp tin khác, và tệp tin đó có được xóa bỏ vĩnh viễn hay không. “Chuyển hướng 301” nhằm thông báo một url đã được vĩnh viễn chuyển website đến một url mới khác.

* Nếu bạn đang sử dụng một CMS như WordPress, chắc chắn có một plug-in hay add-on nào đó có thể giúp bạn thực hiện điều này. Tôi dùng plugin Redirection cho các website WordPress của mình, không cần dùng thao tác tay để nhập mã cho tệp tin .htaccess như trước đây nữa. Hãy nhấp vào đây để xem hướng dẫn chi tiết cách tạo chuyển hướng 301 nhé.

* Khi sử dụng các chuyển hướng 301, hãy thực hiện vài lần để đảm bảo website không bị chuyển hướng đến một chỗ sai, hoặc rơi vào một vòng chuyển hướng lẩn quẩn không bao giờ có kết thúc.

* Sau khi website được chuyển, dùng Google Webmaster Tools và Google Analytics để kiểm tra xem khách hàng có truy cập vào các trang lỗi hay không để điều chỉnh lại các chuyển hướng cho hợp lý.

* Nếu website hiện tại có các URL chiếm được thứ hạng tốt trên Google, các chuyển hướng hợp lý sẽ giúp truyền tải một phần giá trị đó cho URL mới. Chúng ta không biết chắc bao nhiêu phần trăm giá trị đó được truyền cho URL mới, nhưng rõ ràng việc thiết lập các chuyển hướng là một hành động rất có lợi.

* Không cố gắng chuyển hướng tất cả các trang trong của website cũ sang trang chủ của website mới. Sẽ hữu ích hơn cho khách truy cập và công cụ tìm kiếm nếu bạn chuyển hướng các trang web này đến các trang tương quan khác trên website mới. Nếu website cũ không sử dụng các URL thân thiện với công cụ tìm kiếm, hãy tận dụng cơ hội này để tạo ra các URL thân thiện cho website mới.

- Hiển thị “Lỗi 404 Trang Không Tìm Thấy” trong trường hợp khách truy cập vẫn sử dụng URL cũ. Hãy xin lỗi khách hàng và giải thích rằng bạn đang trong quá trình di chuyển website. Bổ sung khung tìm kiếm và/hoặc liên kết dẫn đến sitemap của bạn để khách truy cập dễ dàng tìm thấy những gì mà họ muốn tìm hơn. Bạn cũng có thể dùng trang web này để hiển thị các liên kết trỏ đến trang bán hàng của website nhằm cải thiện tỉ lệ chuyển đổi.

- Dùng “Change of Address” của Google Webmaster Tools khi bạn chuyển từ một tên miền này sang tên miền khác. Bạn nên thực hiện thêm thao tác này ngoài việc sử dụng chuyển hướng 301 nhằm đem lại kết quả tốt nhất. Cần định sẵn website mới và xác minh quyền sở hữu, trước khi bạn có thể thực hiện điều này. Nhấp vào đây để tìm hiểu thêm về Google Webmaster Tools.

- Liên hệ với tất cả các website có trỏ liên kết cũ đến website của bạn, thông báo cho họ về các thay đổi này và yêu cầu họ cập nhật liên kết cho website của bạn. Trong quá trình thực hiện, hãy kiểm tra xem liệu đoạn văn liên kết được sử dụng có đem lại hiệu quả cho bạn không – cụ thể là, “Online Marketing bởi Ann Donnelly” và “www.annonline.com” – và nếu không, hãy hỏi xem liệu họ có thể cập nhật đoạn văn liên kết sao cho tương quan hơn trong khi vẫn tiến hành cập nhật không.

- Quảng bá và Quảng cáo cho tên miền mới thông qua các kênh marketing của bạn – trực tuyến lẫn ngoại tuyến – để đảm bảo mọi người đều biết về sự thay đổi này. Hãy dùng nó như một cơ hội PR.

Cần lưu ý rằng bạn nên thực hiện TẤT CẢ các thao tác trên cùng một lúc để nhận được kết quả khả quan nhất. Sẽ không hoàn hảo nếu bạn chỉ thực hiện một trong số đó.

Không gỡ bỏ website cũ cho đến khi các URL cũ không còn hiển thị trên internet. Công cụ tìm kiếm có thể mất hàng tháng trời để cập nhật triệt để các thay đổi này – thu thập các URL mới và xóa bỏ các URL cũ – do đó hãy lập kế hoạch phát triển theo họ.

Nguồn Làm Marketing