Ngành bán lẻ: Truyền thông xã hội đang chiếm ưu thế

Tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam đang tới đâu? Khả năng thực tế đáp ứng của thị trường tới mức nào? Cơ hội của những năm tới ra sao? Đó là những nội dung được Hiệp hội các nhà bán lẻ VN nêu ra tại hội thảo “Ngành công nghiệp bán lẻ VN vượt qua khó khăn và định vị trong thời kỳ mới” với sự góp mặt của hầu hết các tên tuổi trong làng bán lẻ VN vừa diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.

Bùng nổ bán lẻ trực tuyến

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ VN - để định vị ngành bán lẻ trong những năm tới, có 9 vấn đề lớn. Đó là vấn đề đô thị hóa, dân số trẻ, công nghệ cao, giá mặt bằng bán lẻ, hành vi người tiêu dùng, công tác quảng cáo, nhân lực, liên kết đa ngành, trách nhiệm xã hội và sự phát triển bền vững của DN bán lẻ. Trong đó, yếu tố làm thay đổi hành vi của người mua hàng được đặc biệt lưu ý.

Theo bà Loan, người tiêu dùng đã thay đổi quan niệm “trung thành” khi chỉ mua sắm tại một nơi cụ thể thành việc mua sắm ở nhiều nơi nhưng trung thành với thương hiệu cụ thể. Đòi hỏi DN bán lẻ cần kết nối cảm xúc và tăng cường công nghệ để điều chỉnh sự thay đổi này.


Thị trường bán lẻ có nhiều khởi sắc. Ảnh: Hoàng Mạnh

Nhận định về một cuộc “so găng” căng thẳng giữa các phương tiện truyền thông xã hội (mạng xã hội, Internet, mobile...) và truyền thống (chợ, siêu thị, cửa hàng), theo bà Loan, phần ưu thế đang nghiêng về đối thủ thứ nhất. Nhiều nhận định cũng cho rằng, giá cho thuê mặt bằng năm tới chắc chắn sẽ hạ nhiệt. “Từng có nơi tại TPHCM, mức cho thuê bị thổi tới 250USD/m2. Tới đây sẽ không còn như vậy” - bà Loan bổ sung.

Chia sẻ dự đoán năm 2014, Hiệp hội các nhà bán lẻ đưa ra dự đoán: Bán lẻ trực tuyến có cơ hội bùng nổ bên cạnh sự nỗ lực của bán lẻ truyền thống; xu hướng gia tăng bán lẻ phi thực phẩm (điện tử, hàng tiêu dùng) cho thấy đời sống người dân cải thiện nhiều; phát triển bán lẻ tại nông thôn...

Từ 700 triệu đến 8 tỉ USD?

Thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là xu hướng tất yếu của bán lẻ VN. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TMĐT VN - con số 700 triệu USD - doanh số thị trường bán lẻ trực tuyến VN trong năm 2012 do Bộ Công Thương công bố - là quá khiêm tốn.

Tỉ trọng bán lẻ trực tuyến sẽ tăng nhanh do VN sẽ đi theo xu hướng thị trường của nhiều nước phát triển, hành vi của người tiêu dùng sẽ phụ thuộc nhiều vào các công cụ trực tuyến.

Dẫn tiếp dự đoán của Tổ chức MasterCard toàn cầu về triển vọng tới năm 2017 của VN, ông Hưng đưa ra con số 8 tỉ USD. “Việc tăng hơn 7 tỉ USD có thể là chấp nhận được và thể hiện sự tiến hóa từng bước chứ không phải bùng nổ, nhưng nói lên cơ hội và quy mô của bán lẻ trực tuyến rất lớn” - ông Hưng đánh giá.

Phân tích cơ hội phát triển, vị Tổng Thư ký Hiệp hội DN TMĐT cho biết thêm, tỉ trọng bán lẻ trực tuyến sẽ tăng nhanh do VN sẽ đi theo xu hướng thị trường của nhiều nước phát triển, hành vi của người tiêu dùng sẽ phụ thuộc nhiều vào các công cụ trực tuyến.

Dù lạc quan, nhưng ông Hưng cũng thừa nhận con số 30% số người lựa chọn bán lẻ trực tuyến qua kết quả khảo sát mới đây cho thấy người VN luôn ý thức được tiềm năng của bán lẻ trực tuyến. “Bởi rào cản về tâm lý ưa dùng tiền mặt, sợ hàng nhái, hàng đắt hơn bán truyền thống, tính bảo mật".

Để thúc đẩy bán lẻ trực tuyến, ông Hưng cho rằng nên tăng cường công tác kho vận (logistics), giao nhận hàng hóa, mức giá hấp dẫn, tính bảo mật của thông tin khách hàng, kênh thanh toán hợp lý.

Nguồn Lao Động