Tiếp thị tại chỗ không sợ lỗ

Người uống bia thường chỉ thích uống một vài nhãn hiệu nào đó và ít khi dùng loại bia khác ngoại trừ trường hợp bất khả kháng. Nắm bắt được tâm lý này, hầu hết các hãng bia mới đều đầu tư mạnh cho lực lượng tiếp thị sản phẩm tại nhà hàng hay quán ăn.

Đó là hình thức tiếp thị trực tiếp đến người mua hàng ngay tại điểm bán. Hình thức marketing này cũng đang trở thành xu hướng của ngành bán lẻ thế giới. Bởi lẽ, đa số các quyết định mua sắm đều được người mua đưa ra ở điểm bán. Dĩ nhiên, họ vẫn có thói quen tìm hiểu và quyết định trước ở nhà nhưng hầu hết đều cân nhắc tại điểm bán rồi quyết định mua hay không.


Walmart là nhà bán lẻ đi tiên phong trong xu hướng tiếp thị đến người mua hàng. Ảnh: stiforpsystem.com

Tiên phong trong xu hướng tiếp thị đến người mua hàng là Walmart. Nhà bán lẻ nổi tiếng của Mỹ này từ năm 1999 đã cho lắp đặt hệ thống hơn 100.000 màn hình tivi tại hơn 2.650 siêu thị rồi giao cho hãng truyền thông Premier Retail Network khai thác và quản lý.

Kết quả khảo sát do hãng tư vấn bán lẻ Miller Zell tiến hành trên 999 người mua hàng tại Mỹ năm 2009 cho thấy có đến 32% số người được hỏi cho rằng quảng cáo tại điểm bán hiệu quả hơn các quảng cáo bên ngoài cửa hàng (chỉ 27%). Và 93% các nhà sản xuất sử dụng thông điệp marketing tại điểm bán cho biết biện pháp này đã giúp họ tăng doanh số bán hàng.

Không chỉ tác động đến hành vi mua hàng, truyền thông tại điểm bán còn ảnh hưởng đến mức độ gợi nhớ thương hiệu nơi người tiêu dùng. Hãng Nielsen từng thống kê rằng có đến 65% người được hỏi cho biết đã nhớ ra những thương hiệu quen thuộc khi xem quảng cáo trên hệ thống tivi tại các siêu thị Walmart, trong khi chỉ có 23% nhớ đến thương hiệu khi xem quảng cáo trên tivi ở nhà.

Không chỉ tác động đến hành vi mua hàng, truyền thông tại điểm bán còn ảnh hưởng đến mức độ gợi nhớ thương hiệu nơi người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, sự phát triển của kênh bán lẻ hiện đại không những tác động đến hệ thống phân phối tiêu thụ của ngành mà còn làm thay đổi phương thức truyền thông tiếp thị của các doanh nghiệp. Khảo sát do Nielsen Việt Nam thực hiện năm 2009 cho thấy có 23% người xem hàng đã hỏi thông tin từ nhân viên bán hàng tại siêu thị. Cũng trong năm đó, nghiên cứu do ACT Media (Hồng Kông) thực hiện cho ngành hàng bột nêm chỉ ra rằng quảng cáo tại điểm bán giúp tăng 28% hiệu quả bán hàng. Co.opMart cũng đã cho phép công ty ACT Media tham gia khai thác quảng cáo trên hệ thống tivi trong chuỗi siêu thị của họ trên cả nước.

Ông Triệu Tôn Phong, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Phát triển thị trường MSV, tin rằng nhà sản xuất lẫn đơn vị bán lẻ trong nước đều đã nhận ra tầm quan trọng của việc tiếp thị đến người đi mua hàng. Đại diện MSV cho biết ngân sách cho hoạt động này trong các doanh nghiệp hiện có tốc độ tăng bình quân 21%/năm. Quan trọng hơn, có đến 73% nhà sản xuất và 86% các nhà bán lẻ cho rằng hình thức tiếp thị đến người mua hàng đã thực sự mang lại hiệu quả.

“Khi kinh tế còn khó khăn, đẩy mạnh tiếp thị đến người đi mua hàng ngay tại điểm bán chắc chắn là kênh có tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư cao nhất. Hoạt động này xứng đáng được các doanh nghiệp quan tâm khi lên kế hoạch năm 2014, vì nó sẽ giúp doanh nghiệp bán được hàng tốt hơn”, ông Phong nhận xét.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư