Tái tạo ngành quảng cáo

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đang mang đến các thay đổi lớn cho ngành công nghiệp quảng cáo. Một thương hiệu sẽ chiếm được cảm tình của người tiêu dùng nếu biết cách tái tạo hình thức quảng cáo. Ông Dick Van Motman, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của công ty Dentsu Network Asia, đã trao đổi với NCĐT về vấn đề này.

Tại sao chúng ta phải tái tạo quảng cáo?

Thực ra ngành quảng cáo luôn cần sự tái tạo. Hiện tại, ngành quảng cáo đã có những thay đổi lớn nhờ sự phát triển của công nghệ và cách hành xử của người tiêu dùng. Ngày nay, doanh nghiệp không chỉ phải thay đổi cách thức với các đại lý, mà còn phải thay đổi cả cách thức giao tiếp với khách hàng.

Một vấn đề nữa là cơ hội cho các công ty quảng cáo cũng đã thay đổi. Theo tôi, về mặt quảng cáo, các công ty không nên tập trung vào các kênh truyền hình thương mại, mà nên tạo ra sự liên lạc, trao đổi liên tục giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người có thể tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, chúng ta cần biết cách tổ chức lại chính mình. Thực ra trò chơi không thay đổi, chỉ có điều chúng ta phải chơi theo cách khác.

Vậy chìa khóa cho sự tái tạo quảng cáo hiện nay là gì?

Một phần rất lớn của quảng cáo ngày nay là công nghệ và cách thức của người tiêu dùng. Bạn không thể chỉ nói về giờ quảng cáo cao điểm trên truyền hình nữa. Giờ đây, giờ cao điểm được xác định bởi người tiêu dùng.

Bây giờ khách hàng là người quyết định khi nào họ muốn xem, khi nào họ muốn lấy thông tin quảng cáo và khi nào họ muốn có sự tương tác.

Trong quá khứ, chúng ta thiết lập các chương trình theo thời điểm nhất định. Điều đó là tốt. Nhưng bây giờ khách hàng là người quyết định khi nào họ muốn xem, khi nào họ muốn lấy thông tin quảng cáo và khi nào họ muốn có sự tương tác. Điều đó một lần nữa đòi hỏi phải có cách làm khác nhau đối với cả khách hàng lẫn người làm quảng cáo


Ông có thể đưa ra một ví dụ về cách thức mới mà Dentsu Network đã làm?

Một trong những khách hàng của Dentsu là Orion. Khi tiếp nhận hợp đồng, chúng tôi nghĩ là phải tạo ra một thương hiệu có tính xã hội. Vì vậy, chúng tôi đã tìm hiểu vai trò của bánh quy đối với người tiêu dùng. Ở nhiều quốc gia, bánh quy luôn được ưa chuộng và vì vậy trong quảng cáo, chúng tôi đã đưa bánh quy vào thành một phần của sự đối thoại. Nó đã tạo ra được sự liên kết với người tiêu dùng.

Bằng cách này hay cách khác chúng tôi phải luôn tạo ra những cơ hội mà ở đó các thương hiệu có thể được quảng bá. Và đây là cơ hội lớn hơn cả quảng cáo trên truyền hình hay báo in.

Ở Việt Nam, chúng tôi vừa giới thiệu bộ phim Người Cộng Sự, nói về sự cộng tác giữa Việt Nam và Nhật. Đây là một cách khác để chúng tôi có thể đưa các sản phẩm vào trong phim và mang lại lợi ích cho khách hàng. Và vào tháng tới, Dentsu sẽ hỗ trợ Myanmar tổ chức SEA Games. Bằng cách này hay cách khác chúng tôi phải luôn tạo ra những cơ hội mà ở đó các thương hiệu có thể được quảng bá. Và đây là cơ hội lớn hơn cả quảng cáo trên truyền hình hay báo in.


Theo ông, sự thay đổi xu hướng quảng cáo ở Việt Nam sẽ diễn ra thế nào?

Việt Nam sẽ không tách rời khỏi xu hướng thế giới. Tôi nghĩ quảng cáo trực tuyến sẽ phát triển mạnh, không phải do tác động của truyền thông mà do cách sống của chúng ta đã thay đổi. Ở Việt Nam, mọi người đang sử dụng điện thoại thông minh. Vì vậy, tôi nghĩ, quảng cáo kỹ thuật số sẽ ngày càng quan trọng ở thị trường này.


Quảng cáo truyền thống như truyền hình hay báo in vẫn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng hơn quảng cáo kỹ thuật số. Vậy tại sao các doanh nghiệp không nên tập trung nhiều vào kênh quảng cáo truyền thống nữa?

Thế giới đang thay đổi, bạn không thể chọn cái này hoặc cái kia, bạn không thể chọn quảng cáo truyền hình hoặc quảng cáo kỹ thuật số, mà phải biết kết hợp chúng với nhau. Tôi cho rằng đối với các thương hiệu chưa quảng bá trên kênh internet hoặc điện thoại, họ đang mất đi cơ hội tương tác với khách hàng. Các nhà quản lý thương hiệu nên tiếp tục nghĩ về điều đó và tìm hiểu cách thực hiện.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư