Học gì từ Alex Ferguson? (Phần 2)

Học gì từ Alex Ferguson? (Phần 2)

Tháng 8.2012, Manchester United (MU) đã lên sàn chứng khoán New York với mức vốn hóa thị trường 2,3 tỉ USD, đưa MU trở thành câu lạc bộ có giá nhất thế giới. Công thần của MU là Alex Ferguson, người đã trải qua hơn 25 năm dẫn dắt câu lạc bộ này. Phong cách lãnh đạo của ông đã được Giáo sư Anita Elberse, Trường Kinh doanh Harvard, phát triển thành một trường hợp nghiên cứu đặc biệt. Theo bà, cách ông dẫn dắt MU đi đến thành công là những bài học lãnh đạo quý giá, không chỉ cho bóng đá mà còn cả cho kinh doanh và cuộc sống. Kỳ này, NCĐT đề cập đến 4 bài học lãnh đạo khác Giáo sư Elberse đã rút ra được từ Ferguson.

Chuyển tải thông điệp đúng lúc

Đối với một huấn luyện viên có tiếng là cứng rắn và đòi hỏi cao, quả là ngạc nhiên khi biết Ferguson cũng rất tế nhị và mềm mỏng.

Chẳng hạn, nếu không cho một cầu thủ ra sân thi đấu như dự kiến, ông luôn nói một cách tế nhị: “Tôi có thể sai khi quyết định không đưa anh ra thi đấu nhưng tôi nghĩ đây là đội hình tốt nhất cho trận ngày hôm nay”. Ông cho biết mình luôn bảo với họ rằng đây chỉ là một chiến thuật và vẫn còn nhiều trận đấu lớn hơn ở phía trước.

“Nếu bạn thua và ông Alex tin là bạn đã làm tốt nhất có thể thì chẳng có vấn đề gì. Nhưng nếu thua một cách không đáng thì coi chừng lỗ tai của bạn”

Mặc dù giới truyền thông thường “kể tội” rằng Ferguson hay quát tháo nhất là vào giữa giờ thi đấu và sau khi trận đấu kết thúc, nhưng thực tế, ông luôn thay đổi cách nói chuyện cho phù hợp với từng thời điểm. Andy Cole, một cựu cầu thủ MU, nhận xét: “Nếu bạn thua và ông Alex tin là bạn đã làm tốt nhất có thể thì chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng nếu bạn thua một cách không đáng thì hãy coi chừng lỗ tai của bạn”.

Theo Ferguson, không ai thích bị chỉ trích. Có rất ít người nhờ bị chỉ trích mà trở nên tốt hơn; hầu hết đều tốt hơn do được khích lệ. Vì thế, ông luôn khích lệ cầu thủ bất cứ khi nào có thể. “Không có gì là mát tai hơn khi được khen mình đã chơi một cách xuất sắc”, ông cho biết.

“Tuy nhiên, khi ở phòng thay đồ của cầu thủ, bạn cần phải chỉ ra lỗi của họ. Khiển trách lúc đó là thích hợp nhất. Tôi khiển trách họ ngay sau trận đấu chứ không chờ đến thứ Hai. Khiển trách rồi là xong, để chuẩn bị cho trận đấu kế tiếp”, ông nói.

Trong suốt quá trình huấn luyện đội bóng MU, Ferguson đã rút ra được một bài học là không phải lúc nào giận dữ cũng có tác dụng. “Là nhà quản lý, bạn phải đóng nhiều vai ở những thời điểm khác nhau. Đôi khi bạn phải là một bác sĩ, hoặc một người thầy, hoặc một người cha”, ông nói.

Chuẩn bị để chiến thắng

Đội bóng của Ferguson có một biệt tài là lội ngược dòng giành chiến thắng vào những phút cuối của trận đấu. Phân tích của Trường Harvard đối với các kết quả trận đấu cho thấy, trong 10 mùa giải gần đây, khi chỉ còn 15 phút nữa là kết thúc trận đấu, MU đã chơi tốt hơn bất kỳ đội bóng nào trong giải bóng đá Anh. Những cuộc nói chuyện lúc giải lao hiệp 1 để lấy lại tinh thần cho toàn đội và việc thay đổi chiến thuật hợp lý trong suốt trận đấu là lý do cho chiến thắng của United. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện.


Thông thường, khi đội bóng bị đối thủ dẫn trước, một số nhà quản lý sẽ chỉ đạo cầu thủ tăng cường tấn công để nhanh chóng ghi bàn. Còn cách làm của Ferguson lại khác thường: chuẩn bị để giành chiến thắng. Ông thường xuyên huấn luyện cho các cầu thủ cách chơi để ghi bàn khi chỉ còn lại 10 phút, 5 phút hoặc 3 phút. “Chúng tôi tập cách xử trí trong những tình huống khó khăn. Vì thế, chúng tôi biết làm gì để có thể thành công trong những tình huống ấy”, một trong những trợ lý huấn luyện viên của United cho biết.

Ferguson nói rằng ông là người dám đánh cược, dám chấp nhận rủi ro. “Bạn có thể thấy điều đó trong cách chúng tôi chơi ở gần cuối mỗi trận đấu. Nếu khi hết hiệp 1 mà bị dẫn trước, chúng tôi không hề hoảng sợ. Chỉ cần tập trung làm tốt nhiệm vụ là được. Nếu đang bị dẫn trước với tỉ số 1:2 và chỉ còn 15 phút là kết thúc trận đấu, tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro bằng cách tấn công.

Dựa vào quan sát

Ferguson bắt đầu sự nghiệp huấn luyện viên tại East Stirlingshire, một câu lạc bộ nhỏ của Scotland, vào năm 1974 khi ông 32 tuổi. Sau đó, ông chuyển sang làm huấn luyện viên cho St. Mirren và Aberdeen tại Scotland. Sau một sự nghiệp thành công tại Aberdeen, ông về làm quản lý đội Manchester United. Trong suốt quá trình đó, ông dần dần giao các buổi tập huấn cho các trợ lý phụ trách. Nhưng ông luôn có mặt tại các buổi tập. Ông đến đó chỉ để quan sát.

“Khi huấn luyện trên sân bóng, bạn sẽ không thể thấy hết mọi thứ. Nhưng khi đứng ngoài quan sát, tôi có thể thấy được sự thay đổi trong thói quen của cầu thủ hoặc đột nhiên một cầu thủ chơi xuống sức. Tôi thậm chí còn có thể biết được một cầu thủ đang bị thương khi người đó nghĩ rằng mình vẫn ổn. Những gì tôi quan sát được thực sự có giá trị và giúp nâng cao được kết quả của toàn đội”, ông cho biết.

Vấn đề là làm sao tin tưởng và giao phó việc huấn luyện trực tiếp cho những người khác, có như vậy nhà quản lý mới có thể đứng ngoài yên tâm quan sát. “Việc giao cho người khác huấn luyện không hề lấy đi quyền kiểm soát của tôi. Vì tôi vẫn luôn có mặt và giám sát đấy thôi”, ông nói.

Ông nhấn mạnh nhiều người không thực sự hiểu hết được giá trị của sự quan sát. “Tôi xem quan sát là một phần cực kỳ quan trọng trong kỹ năng quản lý. Kỹ năng đó cho chúng ta thấy được vấn đề, nói cụ thể hơn là thấy được những điều chúng ta không nghĩ rằng mình sẽ thấy”.

Không bao giờ ngừng thích ứng

Thế giới bóng đá luôn thay đổi không ngừng, từ rủi ro tài chính cho đến những hỗ trợ công nghệ giúp cầu thủ chơi tốt hơn. Thích ứng với thay đổi không bao giờ là chuyện dễ dàng và thậm chí còn khó hơn khi một đội bóng ở vị trí đỉnh cao quá lâu. Tuy nhiên, “Ferguson là biểu tượng cho khả năng thích ứng mạnh mẽ khi luật chơi thay đổi”, David Gill, cựu Tổng Giám đốc MU, nhận xét.

“Quan sát là một phần cực kỳ quan trọng trong kỹ năng quản lý. Kỹ năng đó cho chúng ta thấy được vấn đề, nói cụ thể hơn là thấy được những điều chúng ta không nghĩ rằng mình sẽ thấy”

Chẳng hạn, Ferguson chỉ định một nhóm các nhà khoa học thể thao hỗ trợ cho các trợ lý huấn luyện viên. Theo đề nghị của họ, ông đã lắp đặt các khoang vitamin D trong phòng thay đồ của cầu thủ để bù cho việc thiếu ánh nắng mặt trời. Ông còn cho dùng áo gi-lê có gắn cảm biến GPS, phân tích kết quả sau 20 phút tập huấn.

Ferguson cũng là huấn luyện viên đầu tiên thuê chuyên gia đo thị lực cho cầu thủ, thuê người dạy yoga cho họ 2 lần/tuần. Gần đây, United còn tiết lộ đã đầu tư một cơ sở y tế hiện đại ngay tại nơi huấn luyện để có thể xử lý tại chỗ các trường hợp chấn thương hay có vấn đề về sức khỏe của cầu thủ (trừ phi cần phải phẫu thuật). Điều này một phần là nhằm tránh việc tình trạng sức khỏe của một cầu thủ bị rò rỉ ra ngoài báo giới.

“Tôi tin rằng bạn có thể kiểm soát được sự thay đổi bằng cách chấp nhận nó. Điều đó có nghĩa là tin tưởng những người bạn tuyển dụng làm tốt công việc được giao”, ông nói. “Cách duy nhất có thể giữ chân các cầu thủ ở United là nhờ chúng tôi có môi trường đào tạo tốt nhất châu Âu”.

Học gì từ Alex Ferguson? (Phần 1)

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư