Học gì từ Alex Ferguson? (Phần 1)

Học gì từ Alex Ferguson? (Phần 1)

Trước khi về hưu vào tháng 5.2013, ông đã trải qua 26 mùa giải với vai trò quản lý Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United (MU). Trong suốt thời gian ông tại vị, MU đã 13 lần giành chức vô địch bóng đá Anh cùng với 23 cúp trong nước và quốc tế khác. Nhưng Ferguson còn hơn cả một huấn luyện viên. Ông là linh hồn của MU. “Steve Jobs là Apple; Alex Ferguson là Manchester United”, nguyên Tổng Giám đốc Davil Gill của MU, nhận xét.

Năm 2012, Giáo sư Anita Elberse của Trường Kinh doanh Harvard đã thực hiện một cuộc nghiên cứu để tìm ra công thức đã giúp Ferguson thành công và tại vị lâu đến như vậy. Elberse đã thực hiện hàng loạt cuộc phỏng vấn sâu với Ferguson về phương pháp lãnh đạo của ông, xem cách ông hành động trong quá trình huấn luyện đội bóng, chỉ đạo trên sân đấu, cách ông nói chuyện trong các cuộc họp, giao tiếp với cầu thủ. Bà cũng đã phỏng vấn nhiều người làm việc với Ferguson từ David Gill cho đến trợ lý huấn luyện viên của MU và các cầu thủ. Elberse đã thảo luận với Ferguson và rút ra được 8 bài học lãnh đạo quan trọng nhất. Những bài học này không chỉ áp dụng trong bóng đá mà còn cả trong kinh doanh và cuộc sống.

Xây dựng lực lượng nòng cốt

Ngay khi bước vào MU vào năm 1986, Ferguson đã đặt ra mục tiêu: tạo nền tảng cho tương lai dài hạn bằng cách ươm mầm đội ngũ trẻ . “Tôi muốn xây dựng từ gốc để tạo ra sự xuyên suốt và liên lục bổ sung vào đội hình đầu tiên. Với cách làm này, các cầu thủ sẽ lớn lên cùng nhau, tạo ra một mối dây liên kết và tinh thần đồng đội mạnh mẽ”, ông nói.


Hai trong số những cầu thủ trẻ tiềm năng mà Ferguson phát hiện là David Beckham và Ryan Giggs. Giggs được ông phát hiện vào năm 1986 khi còn là một cậu bé 13 tuổi gầy khẳng khiu. Giggs đã không làm ông thất vọng. Các ngôi sao như Paul Scholes và Gary Neville cũng là những cầu thủ được Ferguson dẫn dắt từ buổi đầu. Cùng với Giggs và Beckham, họ đã tạo nên lực lượng nòng cốt cho đội MU, mang lại nhiều thành công lớn cho câu lạc bộ vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000.

“Công việc của nhà quản lý cũng giống như thầy giáo vậy, đó là khơi nguồn cảm hứng để mọi người trở nên tốt hơn. Đào tạo kỹ năng cho họ, đưa họ trở thành người chiến thắng, giúp họ trở thành người tốt hơn thì họ có thể tự tin đi bất cứ đâu. Khi cho cầu thủ trẻ một cơ hội, bạn không chỉ kéo dài tuổi thọ của đội bóng mà còn gầy dựng được lòng trung thành”, ông nói.

Luôn làm mới đội ngũ

Thậm chí khi đội bóng đang ở đỉnh cao thành công, Ferguson luôn tái thiết đội ngũ của mình. Ông ý thức rất rõ vòng đời của mỗi cầu thủ, tức giá trị mà mỗi cầu thủ mang lại cho đội bóng trong một khoảng thời gian nhất định. Quản lý quá trình phát triển nhân tài không tránh khỏi chuyện phải loại bỏ cầu thủ, thậm chí những cầu thủ kỳ cựu trung thành Ferrguson rất có tình cảm. “Ông ấy không bao giờ nhìn vào hiện tại mà luôn nhìn về tương lai. Biết rõ điều gì cần được tăng cường và điều gì cần phải làm mới. Đó là biệt tài của ông”, Ryan Giggs nhận xét.

Một số người cho Alex Ferguson là huấn luyện viên thành công nhất trong lịch sử bóng đá.

Phân tích của Giáo sư Elberse cho thấy Ferguson là một nhà quản lý danh mục đầu tư nhân tài đặc biệt hiệu quả. Cách làm của ông có tính chiến lược, rất lý trí và có tính hệ thống. Trong thập kỷ qua, giai đoạn mà United đã giành 5 giải vô địch bóng đá Anh, Câu lạc bộ đã bỏ ra chi phí chuyển nhượng ít hơn so với Chelsea, Manchester City và Liverpool. Lý do là ông luôn duy trì một đội bóng trẻ: Những cầu thủ dưới 25 tuổi chiếm một tỉ trọng cao hơn nhiều trong hàng ngũ chuyển nhượng so với các đối thủ. Và bởi vì MU sẵn sàng bán các cầu thủ vẫn còn đá tốt được vài năm, nên Câu lạc bộ kiếm được nhiều tiền hơn so với hầu hết các câu lạc bộ khác.

Cũng cần nói thêm là mặc dù Ferguson chủ yếu mua vào những cầu thủ rất trẻ có triển vọng, nhưng thỉnh thoảng ông cũng sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua những siêu sao như tiền đạo Hà Lan Robin van Persie với giá 35 triệu USD ngay lúc bắt đầu mùa giải 2012-2013 khi anh 29 tuổi.

Các cầu thủ trẻ được ông tạo điều kiện và cho cơ hội để họ thành công. Còn hầu hết các cầu thủ lớn tuổi hơn thì được chuyển nhượng lại cho các đội bóng khác. Và ông chỉ giữ lại một vài cầu thủ kỳ cựu để tạo sự xuyên suốt trong văn hóa của đội bóng. “Tôi tin rằng chu kỳ của một đội bóng thành công có thể kéo dài được 4 năm và sau đó sẽ cần phải thực hiện một số thay đổi. Vì thế, tôi luôn mường tượng ra hình ảnh của đội bóng trong 3-4 năm tiếp theo và đưa ra quyết định chuyển nhượng cầu thủ dựa trên cơ sở này”, ông nói.

Đặt ra các tiêu chuẩn cao và gắn mọi thành viên với chúng

Ferguson luôn rất tâm đắc với việc làm sao nuôi dưỡng giá trị ở mỗi cầu thủ. Không chỉ rèn cho họ kỹ thuật, ông muốn khơi nguồn cảm hứng để họ phấn đấu làm tốt hơn và không bao giờ bỏ cuộc, nói cách khác, ông muốn họ trở thành người chiến thắng.

Khát vọng chiến thắng của Ferguson một phần xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân ông. Sau khi chơi thành công ở nhiều câu lạc bộ nhỏ của Scotland, ông ký hợp đồng chơi cho đội bóng lớn Rangers nhưng khi nhà quản lý mới vào ông bị thất sủng và 3 năm sau ông rời khỏi Rangers. “Từ đó, tôi quyết định rằng mình sẽ không bao giờ bỏ cuộc”, ông nói. Ferguson cũng mong muốn điều đó ở các cầu thủ MU. “Nếu bạn đã bỏ cuộc một lần thì bạn sẽ bỏ cuộc lần thứ hai”, ông luôn nói với cầu thủ của mình như thế.

“Tất cả mọi điều chúng tôi làm là nhằm duy trì các tiêu chuẩn đặt ra cho đội bóng. Các tiêu chuẩn đó được áp dụng trong quá trình xây dựng đội bóng, trong các buổi nói chuyện về chiến thuật, chiến lược, tập huấn... Chúng tôi chưa bao giờ cho phép có một buổi tập huấn tồi. Những gì bạn thấy trên sân tập chính là những gì xuất hiện trên sân đấu. Chúng tôi không cho phép mọi người thiếu tập trung. Ai cũng phải làm việc với cường độ cao, để cho ra kết quả tốt nhất”, ông nói.

Không bao giờ được để mất quyền kiểm soát

“Bạn không bao giờ được mất kiểm soát. Nếu cầu thủ nào muốn thách thức quyền hành của tôi, tôi sẽ xử lý người đó”, ông nói. Ferguson cho biết một số câu lạc bộ bóng đá Anh thay người quản lý liên tục, dẫn đến tạo ra quyền lực cho các cầu thủ. Điều đó rất nguy hiểm. Nếu huấn luyện viên không có tiếng nói nào, ông ấy sẽ không tồn tại được lâu.


Một điều quan trọng trong việc duy trì các tiêu chuẩn cao chính là việc Ferguson luôn sẵn sàng xử lý mạnh tay khi các cầu thủ vi phạm các tiêu chuẩn đó. Nếu các cầu thủ gây rắc rối thì họ sẽ bị phạt. Và nếu hành động của họ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả của đội, Ferguson sẵn sàng để họ ra đi. Vào năm 2005, khi đội trưởng Roy Keane công khai chỉ trích các đồng đội, ông đã cắt ngay hợp đồng với Roy.

“Tôi luôn hành động rất nhanh khi thấy một cầu thủ gây ảnh hưởng xấu cho toàn đội. Một số người bảo rằng tôi bốc đồng nhưng tôi nghĩ cần phải quyết định nhanh để duy trì kỷ luật trong đội. Điều quan trọng là phải tự tin vào bản thân trong việc ra quyết định. Quản lý không phải là tìm cơ hội để chứng tỏ quyền lực mà là làm sao giữ kiểm soát và quyền hành khi có vấn đề nảy sinh”.

Ứng xử mạnh chỉ là một phần của phong cách lãnh đạo của Ferguson. Mà ứng xử nhanh trước khi tình hình trở nên khó kiểm soát cũng quan trọng không kém trong việc duy trì quyền kiểm soát.

Học gì từ Alex Ferguson? (Phần 2)

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư