Maritime Bank – Chiến lược khác biệt hóa

Sau 22 năm hoạt động, cho đến nay Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) đã khẳng định vị thế trong ngành ngân hàng nhờ chiến lược khác biệt hóa.

Maritime Bank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của Việt Nam. Một trong những yếu tố then chốt tạo nên diện mạo khởi sắc cho ngân hàng này chính là việc giữ vững được niềm tin đối với khách hàng cũ, đồng thời không ngừng thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Yếu tố này có vai trò như chiếc chìa khóa, mở ra cánh cửa thành công trong kinh doanh của ngân hàng này trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng tăng cao.


Mô hình kinh doanh theo định hướng chiến lược

Dựa vào việc phân tích các kết quả đạt được cùng với sự dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước trong từng giai đoạn, Maritime Bank đã triển khai các mô hình kinh doanh theo định hướng chiến lược. Từ đó, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức để tạo sự khác biệt về chất, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng thương mại cổ phần có hoạt động hiệu quả nhất, thay vì chỉ hướng vào quy mô tổng tài sản hay tăng trưởng tín dụng như những năm trước đây. Nói cách khác, chiến lược kinh doanh của ngân hàng này tập trung mạnh vào chiều sâu thay vì phát triển theo chiều rộng.

Kế hoạch cạnh tranh được hoạch định rất rõ ràng: dựa vào sự khác biệt. Cụ thể, tính từ năm 2010 Maritime Bank đã thực hiện đồng bộ việc ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới. Việc cơ cấu lại toàn bộ hệ thống được tiến hành triệt để, trong đó tập trung phát triển mạng lưới, xây dựng các kế hoạch phát triển sản phẩm, bán hàng, chăm sóc khách hàng phù hợp và chuyên nghiệp cho từng phân khúc khách hàng.

Theo ông Trịnh Xuân Quảng, Phó Tổng giám đốc Maritime Bank, mỗi mảng hoạt động của ngân hàng đều phải xác định được giá trị cốt lõi riêng, cũng như đề ra các mục tiêu kinh doanh, kế hoạch tài chính và biện pháp thực thi cụ thể. Hướng đi này giúp hoạt động kinh doanh của Maritime Bank không chỉ hiệu quả, đồng bộ và nhất quán mà còn thực sự khác biệt, thiết thực và đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Theo ông Trịnh Xuân Quảng, nhìn vào kết quả thực tế thì số lượng khách hàng giao dịch của Maritime Bank đã tăng lên đáng kể và các chỉ tiêu hoạt động cũng không ngừng tăng trưởng qua các năm. Năm 2008, Maritime Bank đạt 437 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và đến năm 2009 con số này tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng. Đà phát triển đó tiếp tục được duy trì với con số 1.518 tỷ đồng lợi nhuận năm 2010. Cho đến nay, vốn điều lệ của Maritime Bank là 8.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 110.000 tỷ đồng và mạng lưới hoạt động đạt 216 điểm trên toàn hệ thống.

Tiên phong trong mô hình ngân hàng chuyên doanh

Maritime Bank là một trong những ngân hàng thực hiện sớm nhất việc chuyên biệt hóa các phân khúc khách hàng. Theo đó, có 4 ngân hàng chuyên doanh được thành lập bao gồm: Ngân hàng Định chế Tài chính; Ngân hàng Doanh nghiệp lớn; Ngân hàng Doanh nghiệp và Ngân hàng Cá nhân. Ngoài ra, Maritime Bank cũng đã lên kế hoạch đưa vào hoạt động thí điểm mô hình Trung tâm Tài chính Cộng đồng và Ngân hàng Giao dịch. Với việc phân tách từng nhóm đối tượng khách hàng và xây dựng đội ngũ nhân viên có tính chuyên biệt cao, Maritime Bank đạt được sự chủ động hơn trong việc nghiên cứu thiết kế từng loại sản phẩm dịch vụ, tăng tính cạnh tranh thông qua sự khác biệt hóa, đồng thời linh hoạt hơn trong việc triển khai phương án kinh doanh trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó dự đoán.


Từng ngày từng giờ, Maritime Bank vẫn đang nỗ lực để tạo nên sự khác biệt

Với định hướng này, ngân hàng đã đưa ra những sản phẩm trọn gói cho từng phân khúc khách hàng với những chính sách riêng phù hợp. Chính vì vậy, mặc dù xác định mũi nhọn kinh doanh là nhóm khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, nhưng Maritime Bank cũng không hề xao nhãng và luôn có chính sách dành riêng cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp lớn và các định chế tài chính. Nhiều chương trình hỗ trợ vốn, nhiều sản phẩm tài trợ thương mại trọn gói được xây dựng phù hợp cho từng ngành nghề đặc thù, từng chu kỳ kinh doanh, như tài trợ trước và sau xuất khẩu, tài trợ trước và sau nhập khẩu đã được triển khai.

Chất lượng dịch vụ cũng là một trọng tâm lớn của Maritime Bank. Ban lãnh đạo Maritime Bank xác định, dù là với đối tượng khách hàng nào thì chất lượng dịch vụ cũng phải được đặt lên hàng đầu. Với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại hàng đầu Việt Nam, từ năm 2009 Maritime Bank đã hợp tác với đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới – McKinsey (Mỹ) để cùng hoạch định chiến lược phát triển. Một trong những tiêu chí cơ bản mà Maritime Bank hướng đến là xây dựng ngân hàng thân thiện và tiện ích, đáp ứng tối đa mọi nhu cầu của khách hàng. Với sự tư vấn của các chuyên gia đến từ McKinsey và nỗ lực của toàn bộ lãnh đạo và nhân viên ngân hàng, Maritime Bank đã thay đổi từ hệ thống nhận diện thương hiệu cho đến thiết kế và xây dựng lại hệ thống các điểm giao dịch trên toàn quốc theo mô hình hiện đại, chuyên nghiệp để tạo cảm giác tiện lợi cho khách hàng.

Quan trọng hơn, Maritime Bank đã mang đến cho khách hàng những sản phẩm với tính năng ưu việt, chất lượng dịch vụ không ngừng được hoàn thiện, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, tận tâm, cũng như quy trình nghiệp vụ an toàn, thuận tiện. Theo ông Trịnh Xuân Quảng, Maritime Bank, ngân hàng đã tối ưu hóa hệ thống ngân hàng điện tử, cho phép khách hàng tiết kiệm thời gian bằng cách thực hiện các giao dịch nhanh chóng mà an toàn thông qua Internet Banking, Mobile Banking… Hiện nay, Maritime Bank đang cung cấp các sản phẩm phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng như tài khoản M1 cho khách hàng thường xuyên chuyển tiền với mức phí ưu đãi; M-Money cho đối tượng trả lương qua M-payroll và sinh viên; các sản phẩm tiết kiệm với nhiều kỳ hạn và lãi suất linh hoạt…

Bên cạnh các sản phẩm tài chính cơ bản, khách hàng còn được tư vấn các sản phẩm dịch vụ gia tăng đi kèm như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhà ở, bảo hiểm ôtô. Đối với khách hàng doanh nghiệp, Maritime Bank đang triển khai gói sản phẩm 3M (M-Float; M-Flex và M-Reset). Nét nổi bật của gói sản phẩm này là sự linh hoạt trong kỳ hạn nhận nợ và lãi suất hấp dẫn chỉ hơn 7%/năm. Maritime Bank luôn ưu tiên cho các đối tượng khách hàng doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và các ngành nghề nông nghiệp nông thôn theo chủ trương của Chính phủ…

Với những nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua, Maritime Bank luôn được công nhận là ngân hàng thương mại có dịch vụ được hài lòng nhất, ngân hàng trực tuyến tiêu biểu và ngân hàng có tỷ lệ công điện đạt chuẩn cao.

Cốt lõi là con người và văn hóa doanh nghiệp

Trong quá trình đổi mới toàn diện của Maritime Bank, ban lãnh đạo ngân hàng xác định nhân lực là chìa khóa của thành công. Vì vậy, nhiệm vụ phát triển đội ngũ cán bộ nhân viên luôn được đặt lên hàng đầu. Maritime Bank có đội ngũ nhân viên gắn bó chặt chẽ từ ngày đầu thành lập, kết hợp với nguồn nhân lực mới trẻ trung, năng động và các nhân sự nước ngoài, đặc biệt là các bộ phận liên quan đến ngân hàng hiện đại. Với sự tích hợp này, Maritime Bank đã tích hợp được kinh nghiệm, kỹ năng quốc tế và văn hóa bản địa.

Một kế hoạch phát triển toàn diện cho các thành viên được xây dựng, biến Maritime Bank trở thành môi trường đầy hứa hẹn với những thành viên có ý chí, nhiệt huyết và sáng tạo. Nhờ đó, Maritime Bank tạo ra một lộ trình thăng tiến rõ ràng dựa trên năng lực thực sự của nhân viên. Ngay khi bắt đầu làm việc tại ngân hàng, mỗi nhân viên mới đều được tham gia khóa đào tạo để có thể hiểu rõ tầm nhìn, sứ mệnh của ngân hàng.


Trong quá trình làm việc, ngoài những khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ, ngân hàng còn tổ chức những khóa đào tạo kỹ năng mềm như bán hàng, quan hệ khách hàng, xử lý tình huống, thuyết trình, đàm phán và quản lý thời gian. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Maritime Bank cũng rất chú trọng tới việc xây dựng môi trường công sở nhân văn. Đây được coi là tài sản vô hình, góp phần làm nên thương hiệu và sự thành công của doanh nghiệp. Một nhân viên của Maritime Bank chia sẻ, khi trở thành thành viên của ngôi nhà Maritime Bank, bạn luôn luôn được cấp trên và đồng nghiệp khuyến khích nói lên suy nghĩ của mình. Những suy nghĩ đó được lắng nghe, tôn trọng và từ đó góp phần xây dựng hình ảnh một ngân hàng có môi trường văn hóa doanh nghiệp văn minh nhưng vẫn giữ được văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Sự nhân văn của một đơn vị kinh doanh tiền tệ còn được thể hiện qua tinh thần tương trợ tương ái trong các hoạt động cộng đồng. Điều đó lý giải vì sao bên cạnh những hoạt động xã hội thường xuyên như tài trợ, ủng hộ từ thiện trẻ em nghèo vượt khó, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt của ngân hàng, bản thân các nhân viên cũng tự phát động các hoạt động từ thiện với tư cách cá nhân. Năm 2012, Maritime Bank được trao tặng giải thưởng “Trái tim nhân ái tỏa sáng” nhờ những hoạt động xã hội thiết thực, chung tay giúp đỡ hàng ngàn mảnh đời bất hạnh trên cả nước. Một vị đại diện của ngân hàng này cho biết, đó chính là danh hiệu cao quý nhất dành cho mỗi cá nhân mang trong mình “dòng máu” và “hơi thở” Maritime Bank.

“Hôm nay, từng ngày từng giờ, Maritime Bank vẫn đang nỗ lực để tạo nên sự khác biệt. Không hẳn là sự đột phá về chiến lược hay quyết sách mà đôi khi chỉ là những tiểu tiết rất nhỏ. Chúng tôi quan niệm, hành động nhỏ có thể làm nên hiệu quả lớn, chỉ cần sự quyết tâm đồng lòng và thiện chí. Trên hành trình hướng tới mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam, Maritime Bank tự hào vì ngày càng được nhiều khách hàng hơn tin tưởng và lựa chọn”, Phó Tổng giám đốc Trịnh Xuân Quảng chia sẻ.

Hoạt động của Maritime Bank

Ngày 2/10/2013, Maritime Bank chính thức đưa vào hoạt động phòng giao dịch đầu tiên theo mô hình kinh doanh phục vụ cho đối tượng khách hàng thuộc cộng đồng Hoa Kiều tại TP.HCM. Mang tên China Town, phòng giao dịch mới đặt tại địa chỉ 238 Hải Thượng Lãn Ông, P.13, Q.5, TP.HCM. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chiến lược phát triển kinh doanh của Maritime Bank theo hướng chuyên biệt hóa tới từng phân khúc khách hàng. Cộng đồng người Hoa tại TP.HCM hiện có khoảng trên 500.000 người (chiếm 7% dân số thành phố), nhưng tỷ lệ doanh nghiệp người Hoa chiếm đến 30% trên tổng số doanh nghiệp có mặt tại TP.HCM.

Nguồn Doanh Nhân Online