5 quy tắc SEO bạn cần phải nắm vững

Trong những năm gần đây, có thể bạn cũng thấy người ta nhắc nhiều về thuật toán SEO, về trách nhiệm của người làm SEO, vai trò của họ thay đổi theo thời gian tương ứng với những thay đổi không ngừng của các thuật toán tìm kiếm như thế nào. Điều đó khiến nhiều công ty và những người làm SEO luôn phải tự hỏi: họ nên làm gì và tập trung cho hoạt động nào? Hay nói cách khác, người ta muốn biết điều gì sẽ tạo nên một chiến lược SEO chất lượng, cũng như yếu tố nào mới thực sự quan trọng trong cả quá trình SEO.

Để trả lời cho câu hỏi trên, tôi sẽ chia sẻ với bạn 5 quy tắc SEO tôi thường sử dụng. Nếu bạn tuân theo các quy tắc này, bạn sẽ có được các kết quả tốt đẹp trong thế giới SEO. Sau đây là các quy tắc giúp tôi nâng hạng cho website của mình:


Quy tắc SEO 1: Nâng cao tỉ lệ chia sẻ xã hội

Có lẽ bạn đang thắc mắc tại sao tôi lại bắt đầu quy tắc thứ nhất với truyền thông xã hội. Đó dường như không phải là việc phải làm của dân SEO. Hay đúng thật như thế? Tôi cho rằng, đó là trách nhiệm của chúng ta vì tầm ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến kết quả tìm kiếm vẫn đang tăng lên trong thời gian gần đây. Và đây là những việc bạn cần làm. Tạo một checklist với những mục tiêu xã hội cho gói SEO của bạn. Chẳng hạn như:

  • Đếm lượt chia sẻ của từng platform xã hội tương ứng với 50 bài post.
  • Tính lượt chia sẻ trung bình bằng cách chia tổng số đó cho 50. Đây là mức chuẩn dùng để đánh giá độ thành công của các post khác trong tương lai.
  • Xác định mục tiêu nhận lượt chia sẻ hợp lí cho từng post. Không nhất thiết từng post phải có sức lan truyền mạnh (viral), nhưng việc đánh giá từng post sẽ giúp bạn hiểu rõ tại sao các post này có hiệu ứng lan tỏa còn những post khác thì không.

Tạo nội dung và sau đó, trước khi nhấp nút publish, hãy trả lời các câu hỏi sau:

  • Đó có phải tiêu đề hấp dẫn nhất tôi có thể viết?
  • Đã nhờ ít nhất hai chuyên gia khác đánh giá tiêu đề chưa?
  • Đã viết lại tiêu đề sao cho phù hợp với Twitter, Facebook và Google+ chưa?

Sau khi post bài khoảng vài ngày, tiếp tục trả lời những câu hỏi sau:

  • Tôi có đạt được số lượng chia sẻ như đã đề ra hay không?
  • Làm sao để tôi viết lại nội dung một cách hấp dẫn hơn để hấp dẫn và được chia sẻ nhiều hơn?
  • Bài học nào được rút ra từ các post thất bại khác?

Dù bạn có thích hay không, nâng cao lượng chia sẻ trên mạng xã hội đã trở thành một trong những nhiệm vụ mới của người làm SEO. Nói cách khác, nếu bạn muốn trở thành một chuyên gia lĩnh vực SEO, bạn cần xem việc nâng cao lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Đó là một quy tắc bất di bất dịch.

Quy tắc SEO 2: Xây dựng một website uy tín

Một website uy tín cần có nội dung đặc sắc, danh tiếng, và có thâm niên cao. Cùng đi sâu vào phân tích chi tiết nào:

  • Thâm niên – Thành tố chính yếu nhất của uy tín là thời gian. Website của bạn đã được xây dựng bao lâu? Tên miền đã bao nhiêu tuổi? Đây là một trong những cách giúp Dan Savage đánh bại Rick Santorum trong cuộc chiến SEO trong cuộc bầu cử tổng thống. Savage ra mắt website năm 2003. Website bầu cử tổng thống của Santorum có “số tuổi” ít hơn nhiều… vì thế, khi bạn tìm kiếm với từ “Santorum”, website của Savage xếp hạng nhất.
  • Danh tiếng – Khi bạn tuân theo các quy tắc hướng dẫn của Google và Bing, bạn sẽ xây dựng được danh tiếng tốt cho website. Nếu bạn khuyến khích người dùng chia sẻ và người dùng cũng cảm thấy thoải mái khi chia sẻ nội dung của bạn, bạn đã tạo được danh tiếng tốt. Còn nếu bạn sử dụng những thủ thuật “SEO mũ đen”, danh tiếng của bạn sẽ bị tổn hại nghiêm trọng một khi bị phát giác.
  • Nội dung đặc sắc – Việc bổ sung các tài liệu hướng dẫn, các bài viết có hiệu ứng lan truyền cao, cung cấp các nội dung cơ bản và xây dựng cộng đồng xã hội không chỉ giúp bạn cải thiện uy tín cho website, chúng còn giúp bạn nâng cao hình ảnh thương hiệu và gia tăng số lượng người theo dõi trung thành với website.

Nếu website chưa có tuổi, bạn có thể vớt vát cho trường hợp này bằng cách thu hút thật nhiều liên kết từ các website uy tín khác. Tuy nhiên, giá trị liên kết đến từ các website này không giống nhau. Một website có quá nhiều liên kết trỏ đến các website khác sẽ không uy tín bằng điều ngược lại. Hơn nữa, liên kết đến từ website tương quan sẽ hữu ích hơn liên kết đến từ website “lạc quẻ”. Vì thế, đây là những việc bạn cần làm nếu muốn xây dựng một website uy tín:


  • Trung thành với các thủ thuật “SEO mũ trắng” – Để ghi điểm với công cụ tìm kiếm không khó: chỉ cần đọc, thấu hiểu, và tuân theo các quy tắc hướng dẫn của họ. Công cụ tìm kiếm sẽ tôn trọng bạn, nếu bạn sử dụng kĩ thuật “SEO mũ trắng” và sẽ thưởng cho website của bạn một kết quả xếp hạng xứng đáng.
  • Thường xuyên cung cấp nội dung đặc sắc – Độ tươi mới, cũng giống như chất lượng nội dung, đều là các yếu tố quan trọng giúp bạn đạt thứ hạng cao. Nội dung mới được cung cấp theo một thời gian biểu thường xuyên và đều đặn là dấu hiệu chứng tỏ với công cụ tìm kiếm rằng, website của bạn rất tương quan và luôn bắt nhịp theo xu hướng thế giới.
  • Tạo nội dung đa dạng – Google sẽ rất thích nếu website chia sẻ nhiều loại nội dung khác nhau, như văn bản,video, hình ảnh và slide show. Nhìn vào một website uy tín, bạn sẽ thấy họ xuất bản nội dung theo nhiều hình thức rất đa dạng. Hơn nữa, người theo dõi ở các website uy tín cao cũng rất thích nội dung đa dạng. Có thể họ không thích bài viết dông dài của bạn, nhưng bù lại họ rất thích các video hướng dẫn.
  • Kiên nhẫn theo nghề – Hãy giữ tên miền đó tồn tại nhiều năm liền. Chỉ đơn giản như vậy thôi.

Quy tắc SEO 3: Thu hút các liên kết đáng tin cậy

Xây dựng liên kết là một thủ thuật SEO rất quan trọng vì chúng là một trong những dấu hiệu cốt lõi để Google xây dựng bộ máy tìm kiếm của họ. Tuy các inbound link rất hữu ích, nhưng liên kết đến từ các website uy tín cao thậm chí còn hữu ích hơn. Dưới đây là 5 phương pháp bất khả chiến bại giúp bạn thu hút các liên kết này:

  • Viết nội dung thu hút các “liên kết trong nội dung” – Phương pháp cơ bản nhất để thu hút liên kết là viết nội dung sao cho người dùng viết về chúng nhiều nhất và liên kết đến chúng. Hay nói cách khác, hãy viết nội dung sao cho người đọc không thể không phản hồi.
  • Đề nghị thay thế các liên kết chết – Hãy phân tích một website có độ uy tín cao để tìm kiếm các liên kết chết trên website, và đề nghị được viết nội dung để thay thế liên kết đó.
  • Viết guest post – Cung cấp cho blogger một bài viết thật tốt cho website của họ, bổ sung giá trị cho người đọc. Họ sẽ cho bạn những backlink thật tự nhiên.
  • Hoàn tất những phần thiếu sót cho các bài viết khác – Phân tích một blog có profile uy tín nhằm tìm kiếm các khoảng trống trong nội dung của họ. Hãy báo cho blogger biết phần dữ liệu còn thiếu, cũng như đề nghị bạn sẽ viết bài bổ sung.
  • Thu nhận liên kết từ các website của chính phủ – Viết nội dung cho một sự kiện nào đó của thành phố hay vì mục đích từ thiện. Nếu đủ khả năng, bạn có thể mở một văn phòng hay tổ chức một sự kiện. Sau đó, báo tin cho một website của một cơ quan phù hợp biết về nội dung của bạn để họ tạo liên kết đến nó.


Vấn đề mấu chốt là, sẽ không bao giờ lãng phí thời gian nếu bạn đầu tư vào hoạt động thu hút liên kết có uy tín cao.

Quy tắc SEO 4: Luôn hướng về người đọc

Đây không còn là điều xa lạ nữa, nhưng vẫn chưa có nhiều người làm được. Lý do đơn giả là Google muốn thỏa mãn người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm. Nếu họ cho phép hiển thị những website có thiết kế sơ sài với cấu trúc điều hướng khó khăn, tốc độ tải trang chậm cùng tỉ lệ bounce rate cao, người dùng của họ sẽ không còn tin tưởng vào Google nữa. Đó là lí do tại sao cấu trúc thiết kế, điều hướng, tốc độ tải trang và tỉ lệ bounce rate là những yếu tố mà người làm SEO cần lưu ý. Dưới đây là cách giúp bạn điểm danh và nâng cấp các yếu tố này:

  • Tạo hub page – Một hub page sẽ thu thập nhiều liên kết và sắp xếp chúng theo cùng đề tài. Hãy xem chúng như bảng mục lục thu nhỏ các trang blog của bạn. Người ta rất thích hub page vì họ có thể truy cập nội dung tốt nhất của bạn một cách nhanh chóng. Một hub page cũng giúp đem lại sự sống mới cho các nội dung cũ hơn… (giúp chúng thêm một lần nữa trở nên tương quan).
  • Giới hạn không gian quảng cáo – Nếu bạn phụ thuộc thu nhập vào quảng cáo, cố gắng hiển thị chỉ vài mẩu quảng cáo trên phần đầu trang. Cũng như hạn chế tối đa hiển thị quảng cáo bên “trên nếp gấp” (tức là phần website hiển thị trên màn hình mà chưa phải cuộn xuống). Quá nhiều quảng cáo nằm trên nếp gấp sẽ bị đánh giá là spam hoặc chất lượng kém.
  • Cải thiện tốc độ tải của trang – Khi xét đến tính tương quan, tốc độ không phải yếu tố đáng kể, nhưng cũng giống như các yếu tố trực tuyến khác, nếu tốc độ chậm, người dùng phải chờ đợi thì họ sẽ sang trang của đối thủ khác với tốc độ tải nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn… vì thế, bạn cần cải thiện tốc độ càng nhiều càng tốt.
  • Dùng breadcrumb – Một phương pháp nghe có vẻ lỗi thời, nhưng người dùng và công cụ tìm kiếm rất thích breadcrumb. Người dùng thích breadcumb vì chúng giúp họ xác định vị trí hiện tại trên website, đặc biệt là khi họ không truy cập từ trang chủ. Công cụ tìm kiếm thích breadcrumb vì chúng giúp tổ chức nội dung rất tốt.
  • Thiết kế một website đẹp – Hiển nhiên là một website xấu sẽ không được người dùng tiếp tục truy cập trong những lần tìm kiếm tiếp theo, điều này giúp cho Google có thêm lý do để đánh rớt thứ hạng của bạn.


Nói tóm lại, nếu bạn có thể thỏa mãn nhu cầu của người đọc, một cách tự nhiên thôi, bạn sẽ thỏa mãn yêu cầu của công cụ tìm kiếm.

Quy tắc SEO 5: Suy nghĩ dài hạn

Nếu bạn đặt câu hỏi này, hầu hết các chuyên viên SEO sẽ trả lời, “Dĩ nhiên chúng tôi luôn suy nghĩ dài hạn khi làm SEO”. Nhưng có một cách rất hay giúp bạn nhanh chóng phát hiện sự thật, đó là bạn hãy hỏi:

Bạn có chạy theo các thuật toán không?

Nếu trả lời có, họ chỉ đang suy nghĩ ngắn hạn mà thôi.

Đây là những gì một SEO ngắn hạn thường làm khi thuật toán thay đổi: lưu lượng truy cập đến website của khách hàng giảm sút, khách hàng than phiền và chuyên viên SEO sẽ giúp họ xác định vấn đề cũng như tìm cách nhanh chóng cải thiện thứ hạng.

Đây là phương pháp SEO đầy cám dỗ vì khách hàng sẽ rất vui mừng nếu bạn giúp website của họ tăng hạng chỉ trong thời gian ngắn, họ sẽ sẵn sang tiếp tục chi tiền cho bạn. Tuy nhiên, sẽ không ai nhận được lợi ích nếu chạy theo thuật toán. Khách hàng cũng không, công cụ tìm kiếm cũng không, và người tìm kiếm cũng không.

Mặt khác, các SEO dài hạn sẽ gắn bó với những yếu tố không bao giờ thay đổi… có thể nói đó là những quy tắc SEO bất di bất dịch, như những quy tắc tôi đang chia sẻ cho bạn trong bài viết này.

Nếu bạn tuân theo các quy tắc SEO trên, khi đó, các thay đổi thuật toán sẽ hỗ trợ cho bạn, công cụ tìm kiếm không hề phạt bạn. Nhưng nếu bạn dính penalty, dưới đây là các bước giúp bạn xử lí tình huống:

  • Xác định các thay đổi thuật toán:
  1. Google hiếm khi thông báo các thay đổi trước khi áp dụng, trừ phi đó là các thay đổi lớn như Penguin hoặc Panda.
  2. Trong trường hợp đó, hãy kiểm tra search blog của Google để tìm hiểu các bản cập nhật mới nhất.
  • Xác định liệu hình phạt penalty của bạn có hợp lí hay không:
  1. Nếu hình phạt penalty này là đúng và bạn đã làm điều gì đó khiến thuật toán mới không thích, hãy thay đổi và báo cho Google biết về điều đó. Họ sẽ đánh giá cao tính chân thật và hiệu quả làm việc của bạn.
  2. Nếu hình phạt penalty này không hợp lí, bạn có thể đăng nộp yêu cầu đề nghị xem xét lại website. Đôi khi Google cũng phạt sai đối tượng. Khi điều đó xảy ra, Google sẽ phục hồi lại thứ hạng cũ của bạn.

Một lí do khác khiến việc chạy theo thuật toán bị xem là chiến lược tồi đó là: bạn chẳng thể nào theo kịp họ. Người ta ước đoán rằng, Google thay đổi thuật toán cứ mỗi 17.5 giờ. Liệu bạn có theo kịp sự thay đổi của họ theo vận tốc giờ như vậy? Vì vậy, hãy trung thành với các thủ thuật truyền thống, bạn sẽ “bình yên”.

Kết Luận

Tuy bức tranh SEO không ngừng biến động, nhưng cần nhận thức rằng bạn vẫn có thể “sống sót và sống tốt” dựa vào một số thủ thuật đã được kiểm chứng theo thời gian, vì chúng giúp nâng cao thứ hạng website theo từng ngày.

Và một điều nữa tôi muốn bổ sung thêm là: hãy kiên nhẫn.

Nếu bạn có thể rèn luyện cho mình tính kiên nhẫn cũng như có thể chờ đợi kết quả đến dần một cách tự nhiên theo thời gian, bạn có thể tránh đưa ra các quyết định lợi bất cập hại. Bạn thấy đấy, kẻ chạy nhanh nhất không phải lúc nào cũng chiến thắng cuộc thi.

Nguồn Làm Marketing