Khốc liệt thị trường bia, nước giải khát

Việc giảm thuế nhập khẩu từ 45% đối với bia, 30% đối với nước giải khát có gas xuống 0% khi Việt Nam gia nhập TPP đang đặt ngành bia, nước giải khát trong nước trước cuộc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt.

Mất phân khúc cao cấp cho nước ngoài

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, 4 công ty bia lớn nhất VN tính tới thời điểm này là Sabeco (bia Sài Gòn, bia 333), Habeco (bia Hà Nội), VBL (Heineken, Tiger...) và Carlsberg. Trong đó, năng lực sản xuất của Sabeco và các công ty con, công ty liên kết là 1,7 tỉ lít/năm. Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International năm 2011 ước khoảng 80% thị phần bia Việt Nam đang nằm trong tay 3 hãng Sabeco, Habeco và VBL. Một lãnh đạo Hiệp hội Bia rượu - nước giải khát VN (VBA) cũng lạc quan cho rằng: “Thị trường bia VN đã ổn định ở thế chân vạc với 3 đối thủ chính là bia Sài Gòn, bia Hà Nội và VBL”.

Nhưng thực tế, mọi việc không đơn giản như vậy. Hiện có khoảng 30 thương hiệu bia quốc tế đang có mặt tại VN. Đó là chưa kể sự xuất hiện rầm rộ của bia Sapporo đến từ Nhật trong thời gian qua và sự âm thầm mở rộng thị phần của Carlsberg tại thị trường VN trong mấy năm gần đây. Cuối năm 2011, hãng bia Carlsberg (Đan Mạch) chính thức sở hữu toàn bộ Huda Beer. Carlsberg cũng đang sở hữu 55% nhà máy bia tại Bà Rịa-Vũng Tàu có công suất 50 triệu lít/năm trong liên doanh với Habeco. Trong liên doanh Nhà máy bia Đông Nam Á (Halida) với Công ty bia Việt Hà, Carlsberg sở hữu 60 và 30% trong liên doanh với Công ty bia Hạ Long. Với Habeco, Carlsberg đang sở hữu 17,23% vốn điều lệ nhưng đang "đánh tiếng" tăng phần vốn nắm giữ trong Habeco lên 30%.


Các loại bia - nước giải khát cạnh tranh ngày càng khốc liệt - Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Điều đáng nói là ngay từ đầu, việc quá chú trọng định vị dòng bia bình dân cho sản phẩm của mình, các doanh nghiệp (DN) bia nội đã để phân khúc bia cao cấp rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Trong khi đây chính là dòng sản phẩm mang lại giá trị lợi nhuận cao. Thực tế cho thấy, tuy sản lượng chỉ b một nửa so với Sabeco, song lợi nhuận mà Heineken thu về lại không kém Sabeco là mấy, khoảng trên 2.000 tỉ đồng mỗi năm.

Tương tự trong lĩnh vực nước giải khát, nhiều công ty ngoại tranh thủ mua vào các công ty nội địa đã có thương hiệu hoặc đã xây dựng thành công hệ thống phân phối để thâm nhập thị trường nhanh hơn. Uni-President đã thâu tóm thành công Tribico và hiện nắm giữ Nhà máy Tribico Bình Dương với công suất 40 triệu thùng/năm. Kirin Holdings của Nhật Bản đã thâu tóm Intefoods, công ty sở hữu thương hiệu trà bí đao Wonderfarm ở Việt Nam, thành công.

Ngoài Tân Hiệp Phát nổi đình nổi đám với trà xanh không độ, hầu hết DN nước giải khát nội ngay từ đầu cũng đã định vị cho mình ở phân khúc bình dân. Bidrico là một ví dụ. Sản phẩm nước giải khát đóng chai và lon của Bidrico (Công ty TNHH Tân Hoàng Minh) đã từng đóng đô ở thị trường nông thôn 20 năm. Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Giám đốc Bidrico, 70% doanh số của công ty là từ thị trường nông thôn.

Thách thức trên sân nhà

Như vậy có thể thấy, dù đang chiếm ưu thế (ở phân khúc bình dân) nhưng cạnh tranh tại thị trường nội địa trên lĩnh vực bia, nước giải khát hiện tại đã khá gay gắt. Vì vậy việc giảm thuế xuống 0% khi VN tham gia TPP đang gây nên những lo ngại thực sự cho các DN ngành này.


PGS-TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thừa nhận: "Đương nhiên là sẽ cạnh tranh khốc liệt. Tôi vẫn kêu gọi mọi người trong công ty chia sẻ vì hơn ai hết họ hiểu rõ thực tế này”. Ông Nguyễn Đặng Hiến phân tích: “Bia và nước giải khát trong nước đã có cơ hội cọ xát với các thương hiệu ngoại từ lâu rồi. Nên nói để có một cơn sốc cho DN nội sau TPP là không đúng. Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị với tinh thần có cạnh tranh lành mạnh, chiến lược linh hoạt, rất dễ thua ngay trên sân nhà khi thuế nhập khẩu về 0%”.

Về chiến lược thay đổi sản phẩm để đón TPP, ông Hiến cho biết định vị phân khúc của công ty được thay đổi qua từng giai đoạn. "Từ thị trường nông thôn, chúng tôi chuyển sang làm marketing tốt hơn để bán ở thành thị. Rồi từ thành thị chúng tôi làm xuất khẩu. Đến nay, sản phẩm của Bidrico có mặt tại 15 quốc gia, xuất khẩu bằng thương hiệu của công ty chứ không làm gia công”.

Sabeco ban đầu đã định vị và đang dẫn đầu thị trường dòng bia phổ thông. Song tại đại hội đồng cổ đông thường niên của DN này vừa được tổ chức vào tháng 3.2013 tại TP.HCM, một trong 6 kế hoạch được lãnh đạo Sabeco triển khai là quốc tế hóa thương hiệu bia Sài Gòn. Cụ thể, công ty này tung 2 sản phẩm bia lon mới là Sài Gòn Special và Sài Gòn Lager với gam màu xanh lá cây, khá gần với màu sắc của nhãn hàng Heineken. Đây cũng là chiến lược được coi là “bịt lỗ hổng” phân khúc cao cấp nhằm cạnh tranh trước mắt là bia Heineken của Sabeco. Tuy nhiên, còn quá sớm để đưa ra dự báo cho tương lai của dòng sản phẩm quốc tế hóa này.

Mức tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200% trong 10 năm qua và hiện đã vượt mức 3 tỉ lít/năm. Lợi thế của các công ty bia - nước giải khát nội là sự có mặt lâu đời và đã đi vào tiềm thức của người dân. Nhưng nhu cầu tiêu dùng ở phân khúc cao ngày càng lớn và tâm lý "sính ngoại" là không thể phủ nhận, nhất là trong lĩnh vực đồ uống, cùng với việc thuế giảm về 0% là một thách thức lớn cho DN nội trên chính sân nhà khi VN tham gia TTP.

Hiện bia - nước giải khát nhập khẩu đang chịu các loại thuế: thuế tiêu thụ đặc biệt 50%, thuế nhập khẩu 45%, GTGT 10%.

"Bia và nước giải khát trong nước đã có cơ hội cọ xát với các thương hiệu ngoại từ lâu rồi. Nên nói để có một cơn sốc cho DN nội sau TPP là không đúng. Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị với tinh thần có cạnh tranh lành mạnh, chiến lược linh hoạt, rất dễ thua ngay trên sân nhà khi thuế nhập khẩu về 0%"

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Giám đốc Bidrico

Nguồn Dùng hàng Việt