Giảm giá sữa: Không chỉ dừng ở kiểm soát giá

Sữa tiếp tục là vấn đề nóng bỏng trong thời gian gần đây khi giá sữa đã không ngừng tăng với tốc độ chóng mặt và không hợp lý. Theo báo cáo của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, chỉ trong vòng 6 năm qua, giá sữa bột đã tăng 30 lần còn sữa nước tăng gấp 2 lần và theo báo Thanh Niên, giá sữa bán lẻ trong nước hiện cao đến 5 lần giá nhập, tức mức khó có thể chấp nhận trong bối cảnh sữa là một trong những mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là sữa bột cho trẻ em.

Để đối phó với tình trạng này, có người cho rằng cần đưa một số sản phẩm sữa thuộc dạng thiết yếu vào danh sách hàng hóa chịu sự kiểm soát giá, thậm chí cần xử phạt hành vi bắt tay thao túng giá nếu có của các công ty kinh doanh sữa. Nhưng nếu đánh giá một cách cẩn trọng hơn, ngoài việc dùng những công cụ mang tính hành chính này, có lẽ điều cần làm là đưa ra các cải tổ tổng thể mang tính nền tảng để tạo nên một thị trường sữa cạnh tranh, giúp sữa trở thành một loại hàng hóa phổ quát, phù hợp hơn với túi tiền của người dân.

Cung nhiều...

Về mặt lý thuyết, có thể xem thị trường sữa Việt Nam là rất cạnh tranh khi có khá nhiều ông lớn tham gia thị trường như Vinamilk, TH Milk, Hà Nội Milk, Nestle và gần 200 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu khác. Ngoài ra, với gần 500 dòng sản phẩm sữa có mặt, thị trường đã quá dư thừa.


Chỉ trong 6 năm qua, giá sữa bột đã tăng 30 lần còn sữa nước tăng gấp 2 lần Ảnh: Tuyển Phan

Thêm vào đó, với việc 2 công ty hàng đầu là Vinamilk, TH Milk liên tục khánh thành các nhà máy sản xuất sữa bột và sữa tươi với quy mô lớn, lẽ ra đã giúp hạn chế đà tăng của giá sữa. Tuy nhiên, điều đó lại không diễn ra.

Có thể một số người cho rằng cung tăng nhiều nhưng giá không giảm vì nhu cầu của thị trường cũng tăng theo. Nhưng nói như thế cũng khó thuyết phục. Nếu tính theo giá cố định, doanh thu của ngành sữa trong giai đoạn 2007-2012 chỉ tăng 4%/ năm, theo Euro Monitor, tức nhu cầu của thị trường tăng không đến mức để giá phải tăng mạnh đến thế.

... sao giá chưa giảm

Thị trường sữa ở Việt Nam là cạnh tranh nhưng không hoàn hảo và chính khiếm khuyết này đã góp phần cản trở việc hình thành một mặt bằng giá dễ chịu hơn đối với người tiêu dùng.

Tiến sĩ Jonathan Pincus, cựu Giám đốc Đào tạo của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, đã chỉ ra một số nguyên nhân cốt lõi khiến thị trường sữa chưa vận hành hiệu quả. Tuy nhiên, các khiếm khuyết này nhìn chung vẫn chưa được khắc phục. Theo ông, nguyên nhân là tình trạng bất cân xứng thông tin trên thị trường, hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại chưa phổ biến, cộng thêm vào đó là chính sách kiểm soát chi phí quảng cáo và khuyến mãi chưa hợp lý.

Với một thị trường có rất nhiều sản phẩm sữa đến từ nhiều hãng khác nhau, lẽ dĩ nhiên người tiêu dùng sẽ rất khó khăn để lựa chọn vì thiếu thông tin so sánh. Để khắc phục nhược điểm này, các công ty phải nhờ vào quảng cáo. Tuy vậy công cụ này đã ít nhiều không phát huy hiệu quả khi nguồn lực dành cho nó bị hạn chế bởi chính sách khống chế chi phí quảng cáo ở mức 10% trên tổng chi phí như hiện nay.

Thị trường sữa ở Việt Nam là cạnh tranh nhưng không hoàn hảo và chính khiếm khuyết này đã góp phần cản trở việc hình thành một mặt bằng giá dễ chịu hơn đối với người tiêu dùng.

Thêm vào đó, sữa là mặt hàng nhạy cảm. Tính an toàn là tiêu chí người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. Nhiều sự kiện như sữa nhiễm melamine, hay nguyên liệu sữa của Fonterra bị nhiễm khuẩn càng khiến người dùng thêm hoang mang, khiến họ chỉ hướng đến các sản phẩm danh tiếng dù giá không rẻ. Trong trường hợp này, nếu các công ty nhỏ hơn không có nhiều cơ hội để quảng bá cho sản phẩm của mình, có thể đến một lúc nào đó, trên thị trường sữa sẽ chỉ còn lại một vài sản phẩm và thống lĩnh thị trường; khi đó, giá lại còn cao hơn.

Thêm một lý do khiến thị trường sữa Việt Nam vẫn chưa vận hành hoàn hảo là hiệu quả chưa cao của hệ thống bán lẻ ở Việt Nam. Tính đến nay, các siêu thị hay trung tâm mua sắm lớn đã xuất hiện khá nhiều nhưng nhìn chung mạng lưới vẫn chưa vươn tới đại đa số người dân, đặc biệt là 70% dân số ở nông thôn. Hệ thống các chợ, cửa hàng nhỏ vẫn là những nơi người dân tìm đến nhiều nhất. Tất nhiên, nếu so với hệ thống bán lẻ hiện đại, số lượng sản phẩm lẫn thông tin sản phẩm được niêm yết tại các cửa hàng truyền thống này vẫn còn hạn chế.

Theo báo cáo của hãng tư vấn Business Monitor International, dù Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố để đẩy mạnh tốc độ phát triển của hệ thống bán lẻ quy mô lớn, nhưng hiện chúng chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng doanh thu bán lẻ toàn ngành, tức 85% thị trường còn lại rơi vào tay các cửa hàng nhỏ truyền thống. Và điều này sẽ khó cải thiện trong tương lai gần. Nguyên nhân tác động chủ yếu là rủi ro kinh doanh vẫn còn khá cao trong lĩnh vực này, luật lệ thiếu minh bạch, đầu tư nước ngoài bị giới hạn và hạ tầng vận tải yếu kém.

Ngoài vấn đề bất cân xứng thông tin và sự yếu kém của hệ thống phân phối, còn có một nguyên nhân khác khiến giá sữa tăng mạnh là Việt Nam đang rất phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài.

Ngay cả một công ty lớn như Vinamilk cũng phải nhập khẩu hơn 70% nguyên vật liệu sữa (theo Business Monitor International). Việc phụ thuộc như thế sẽ khiến Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá thế giới biến động mạnh. Việc VND liên tục hạ giá so với USD khi lạm phát tăng mạnh trong các năm qua cũng khiến chi phí nhập khẩu bị đội lên và cuối cùng góp phần làm giá thành phẩm trong nước tăng mạnh.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư