Hóa mỹ phẩm thuần Việt lép vế trên các kệ hàng

Sự “bành trướng” của các tập đoàn đa quốc gia với kinh nghiệm lâu năm, như: Unilever (Anh), P&G (Mỹ), Unza, Bioré... đã khiến cấu trúc thị trường hóa mỹ phẩm Việt Nam thay đổi, các mặt hàng liên doanh và hàng ngoại nhập ngày càng phát triển, trong khi hóa mỹ phẩm thuần Việt lép vế hơn trên các kệ hàng.

Hàng đa quốc gia chiếm lĩnh

Khảo sát tại các siêu thị, các cửa hàng mỹ phẩm trên địa bàn TP.Biên Hòa cho thấy, tần suất xuất hiện của các loại hóa mỹ phẩm thuần Việt có nhãn hiệu lâu năm, như: Thorakao, E100, Clony, Cindy… ngày càng thưa thớt, chủ yếu là hàng liên doanh và hàng ngoại nhập. Chị Thu, chủ một cửa hàng mỹ phẩm trên đường Nguyễn Thị Hiền (phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa), cho biết: “Giới trẻ ngày nay thường biết đến những thương hiệu, như: Essance, L’Oréal, Clinique, Maybelline, Oriflame... và các sản phẩm bình dân hơn, như: Olay, Pond’s, Dove… mà ít quan tâm tới các sản phẩm hàng Việt, nếu có thì chủ yếu là những người trung tuổi”.

Các mặt hàng hóa mỹ phẩm của nhà sản xuất trong nước hiện nay chỉ đáp ứng cho một số bộ phận người tiêu dùng ở mức thu nhập trung bình hoặc thấp nhờ giá rẻ. Trong khi thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu chăm sóc bản thân, cuộc sống hàng ngày ngày càng tăng, thì thị trường hóa mỹ phẩm Việt Nam ngày càng bị các thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài vào khai thác và hóa mỹ phẩm Việt dần bị mất chỗ đứng.

Mặt khác, các kênh phân phối, bán hàng của những nhãn hàng, như: Omo, Tide, Colgate, Romano, Sunlight… đều rất mạnh, mức độ đầu tư quảng cáo cho truyền hình cao. Mặc dù đã chịu “dạt” về các vùng quê, nhưng thương hiệu hàng Việt vẫn khó có thể cạnh tranh nổi khi các doanh nghiệp nước ngoài luôn đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm thu hút người tiêu dùng. Tại các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ ở những vùng nông thôn, những sản phẩm dầu gội đầu, xà phòng giặt, nước rửa chén, lau nhà, kem đánh răng bây giờ cũng đều là hàng liên doanh, như: Clear, X-men, Omo, Tide, Sunlight, Colgate, P/S... mà không còn thấy xuất hiện các sản phẩm, như: kem đánh răng, bột giặt Dạ Lan, xà bông Cô Ba, dầu gội Bồ Kết... Như vậy, Việt Nam đang dần trở thành thị trường bán lẻ “chuyên nghiệp” của các tập đoàn đa quốc gia, như: Unilever, P&G….

Chưa đầu tư quảng cáo

Một trong những nguyên nhân khiến hàng Việt ngày càng hạn hẹp về thị trường, đó là việc đầu tư về thiết kế bao bì, quảng cáo các sản phẩm để người tiêu dùng hiểu và nắm được thông tin về sản phẩm, từ đó xây dựng thương hiệu vẫn còn hạn chế. Trong khi các tập đoàn đa quốc gia có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, có sự phủ sóng rộng khắp bởi các chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cùng với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, thì các thương hiệu hóa mỹ phẩm thuần Việt, như: Thorakao, E100, Cindy, Lana, Ramus, xà bông Cô Ba... lại trở nên im lìm và dần bị “lép vế”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc, chủ gian hàng mỹ phẩm ở chợ Biên Hòa (TP.Biên Hòa), nói rằng nhiều sản phẩm Việt Nam chất lượng không kém hàng ngoại nhưng thiếu sự đầu tư, chăm chút cho mẫu mã và quảng cáo nên rất khó cạnh tranh.

Chị Mai Thị Hương Lan, trưởng ngành hóa mỹ phẩm tại Siêu thị Co.op Mart (TP.Biên Hòa), cho biết: “Xu hướng của người tiêu dùng thích mua những mặt hàng được quảng cáo nhiều trên truyền thông, trong khi hàng Việt mặc dù giá rẻ nhưng ít có các chương trình khuyến mãi, tên một số nhãn hàng và sản phẩm hóa mỹ phẩm Việt còn xa lạ với nhiều người dùng vì chưa đầu tư vào quảng cáo và quảng bá thương hiệu”.

Theo chị Lan, lượng hóa mỹ phẩm thuần Việt chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số hóa mỹ phẩm tại siêu thị. Những sản phẩm có thương hiệu, như: Đại Việt Hương, Lix, Sài Gòn... có đầu tư hơn về quảng cáo nên có cạnh tranh được với các sản phẩm giá rẻ, chứ chưa thể cạnh tranh được với các sản phẩm hàng ngoại trung và cao cấp. Bên cạnh đó, hóa mỹ phẩm Việt chưa đa dạng về các chủng loại sản phẩm đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.

Hàng Việt “tìm” về nông thôn

Ông Tống Quang Hưng, quản lý bán hàng khu vực miền Đông của Công ty cổ phần bột giặt Net (TP. Biên Hòa), nói: “Trong giai đoạn áp lực cạnh tranh lớn như hiện nay, doanh nghiệp xác định nông thôn là thị trường chính, làm hậu phương để tiếp tục mở rộng sang các khu vực khác. Chính vì vậy, mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ sản xuất đến tổ chức chương trình khuyến mãi, quảng bá... đều nhắm đến khách hàng nông thôn. doanh nghiệp cũng đang đầu tư mạnh về nhân sự để củng cố và mở rộng mạng lưới bán hàng về đến tận xã, ấp”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH thương mại - dịch vụ - sản xuất Ripha (TP. Hồ Chí Minh), chuyên sản xuất mỹ phẩm, cho biết: “Hiện doanh nghiệp đang tập trung phát triển thị trường nông thôn qua nhiều hoạt động thiết thực, như: Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, phiên chợ vui công nhân... Tuy nhiên, để xây dựng được mạng lưới tiêu thụ bền vững ở thị trường này, doanh nghiệp còn phải nỗ lực nhiều.”

Nguồn Dùng hàng Việt