Hành trình đổi mới của giấy Vĩnh Tiến

“Hồi đó, khi vấp phải khó khăn rồi tôi mới lo thay đổi, nhưng giờ tư duy phải khác: mình phải đi trước, đổi mới để đón đầu xu thế, chứ không sẽ bị đào thải ra khỏi thị trường”. Đó là những chia sẻ chân tình của ông Lâm An Dậu – Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Tiến sau 33 năm kinh doanh trong ngành tập vở.

Những bước đi đầu tiên

Gia đình tôi vốn có nghề truyền thống làm giấy vàng mã. Cái hồi lúc mới sau giải phóng, ít người làm ăn kinh doanh, không có cạnh tranh nên làm ăn dễ lắm. Rồi đến năm 1979 khi Campuchia giải phóng, giấy, hóa chất bên đó về Việt Nam nhiều lắm. Lúc đó, tôi bắt đầu chuyển sang buôn giấy, sau đó đi bỏ mối hóa chất. Cũng trong năm đó, bắt đầu gia công tập vở cho công ty giấy miền Nam, thời điểm đó, tôi mới 15 tuổi nên phải nhờ anh trai đứng tên DN. Lúc đó, ai cũng nói tôi còn quá trẻ sẽ không làm được gì. Nhưng tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là mình làm nghề sản xuất tập học sinh lúc nào cũng tăng trưởng ít nhất 10 %/ năm. Tôi tin rằng mình sẽ thành công.

Năm 1986 bước vào cơ chế thị trường, không gia công nữa, công ty bắt đầu sản xuất tập vở, lúc đó giấy chỉ là loại giấy cuộn thuốc lào màu trắng. Sau khi sản xuất xong, tôi mời mấy người trong lĩnh vực giáo dục tới xưởng, tặng cho mỗi người một giỏ xách toàn vở về dùng thử. Mấy vị khách thấy mình làm vậy thì ngạc nhiên lắm. Sau đó, Công ty Sách thiết bị trường học Đà Nẵng đặt Vĩnh Tiến 2 xe tải tập. Lúc đó, làm phát đạt nhiều nên nhiều cơ sở gia công lại cho Vĩnh Tiến.


Ông Lâm An Dậu – Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Tiến. Ảnh: Internet.

Xuất phát từ việc tập không kẻ ô ly khi viết trẻ phải gò rất là khó. Tôi nghĩ tới việc in offset. Nhưng thời đó, việc in offset rất là khó. Lúc đó, tôi có một công ty bán máy in offset, dư máy, chưa tiêu thụ được nên Tôi đã chủ động đề nghị hợp tác. Và những đường kẻ trên tập cũng bắt đầu từ những chiếc máy đó.

Nhưng làm ăn đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ, cũng trong giai đoạn đó, tôi nhập 3000 tấn giấy màu trắng sữa từ Mỹ. Nhưng thị trường lúc đó lại chuộng màu trắng xanh nên tập vở sản xuất ra không ai mua. Lúc đó, nản lắm chứ, tôi bèn nghĩ ra cách đưa câu “giấy trắng sữa không gây hại mất” vào tập. Thế là dần dà số lượng đó cũng bán hết.

Năm 2000 là thời điểm phát triển đỉnh cao của Vĩnh Tiến vì nhờ chiến dịch truyền thông mạnh năm 1999. Nhiều người biết tới thương hiệu Vĩnh Tiến hơn. Cũng trong năm đó, tôi nghĩ phải cải cách mới cạnh tranh được. Ý tưởng tại sao mình không làm một quyển tập có nhiều màu như trắng nhạt, trắng xanh, trắng hồng, trắng tím… để học sinh dễ viết và sắp xếp các mục như chương I, chương II… Từ suy nghĩ đó, tôi bay sang Nhật, Úc, Mỹ, một số nước châu Âu để tìm hiểu xem họ có làm tập như vậy chưa để mình học hỏi, nhưng chưa nước nào sản xuất một quyển tập có nhiều màu như vậy ngoại trừ các loại sổ lưu bút.

Nhưng với suy nghĩ táo bạo là thay đổi quan điểm của ngành giấy: giấy cho học sinh không chỉ có màu trắng đơn thuần. Công ty tôi vẫn tiến hành làm, nghiên cứu quang phổ và độ trắng sáng của giấy. Sau đó nhập khoảng 2000 tấn giấy chỉ để chuyên sản xuất tập có nhiều màu khác nhau. Nhưng không phải sự đổi mới nào cũng thành công và được thị trường đón nhận, lần đó chúng tôi thất bại hoàn toàn.

Thay đổi tư duy, nắm bắt cơ hội

“Phải suy nghĩ cho to, làm thật nhỏ, khi có cơ hội làm thật nhanh thì mới thành công được. Quay tới, quay lui là hết cơ hội, và vẫn còn sống là vẫn còn chiến đấu”.

Sau 33 năm, gắn bó với nghề và để tạo được niềm tin trong lòng người tiêu dùng tôi nghiệm ra rằng: “Hồi đó, khi vấp phải khó khăn rồi tôi mới lo thay đổi, nhưng giờ tư duy phải khác: mình phải đi trước, đổi mới để đón đầu xu thế, chứ không sẽ bị đào thải ra khỏi thị trường”.

Tôi muốn truyền tâm hồn Việt qua quyển tập, từ những cái nhỏ nhất như trang lót bìa, tôi thiết nghĩ không nhất thiết phải đi dịch những câu chuyện từ nước ngoài mà ngay trong chính lịch sử dân tộc mình cũng có những câu chuyện dạy làm người rất hay. Bây giờ, trẻ con tiếp xúc nhiều với các thiết bị hiện đại như smartphone, máy tính bảng, các em cũng có thể đọc trên đó, nhưng chưa chắc đã nhớ lâu và sâu bằng những câu chuyện trên quyển tập mà các em viết hàng ngày.

Mặt khác, theo tôi có 2 hướng đổi mới, thứ nhất định hướng là bắt nguồn từ nhà sản xuất: doanh nghiệp đưa ra sản phẩm mới, sau đó người tiêu dùng góp ý, DN tiếp tục cải tiến, đổi mới. Hai là làm ngành này phải nhạy bén với thị trường, với thị hiếu của khách hàng, luôn lắng nghe những điều khách hàng muốn, chăm chút ý kiến khách hàng nhằm đưa ra những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất, giá cả cạnh tranh nhất. Sự phát triển của DN phải gắn liền với người tiêu dùng.

Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, nếu DN phát triển theo kiểu bộc phát, đại trà thì mình chết. Tôi hay nôm na nói với nhân viên của mình “phải suy nghĩ cho to, làm thật nhỏ, khi có cơ hội làm thật nhanh thì mới thành công được. Quay tới, quay lui là hết cơ hội, và vẫn còn sống là vẫn còn chiến đấu”.

Nguồn Dùng hàng Việt