Digital Marketing - Đừng ngộ nhận và ảo tưởng (Phần 2)

Có 1 thực tế là đa phần những người làm Digital marketing thời kì đầu đều không xuất thân từ Marketing. Họ xuất phát từ Web Design, Coder, SEO, Admin forum…. hoặc do yêu thích Internet, Blog, Social networks. Tôi không nói đến xuất xứ, vì tôi cũng từng đi lên từ 1 Coder. Tuy nhiên việc không được học bài bản về Marketing rồi phát triển quá nhanh theo thời thế khiến nhiều người tự phụ hoặc nhìn nhận Marketing hết sức hạn hẹp, lệch lạc.

Một sai lầm phổ biến là các bạn đánh đồng Digital marketing với SEO, SEM, Web design, Social, Email marketing….Hoặc các bạn không phân biệt được Chiến lược với Chiến thuật, giữa Sáng tạo với Câu khách – hoặc không biết sự khác biệt giữa Marketing với Advertising, Communication. Các bạn cứ say sưa nói về những thứ cao siêu: Content marketing, Social media marketing, Mobile marketing, Affiliate marketing, Viral marketing…. mà không hiểu bản chất là gì. Nghịch lí là trong khi các ngành khác rơi vào tình cảnh “thừa thầy thiếu thợ”, Digital lại ngược lại – quá nhiều thợ thủ công nhưng thiếu những người lãnh đạo giỏi (giỏi làm chứ không phải giỏi chém gió).

Có 1 số lời khuyên dành cho các bạn. Tôi tạm phân chia làm từng cấp độ để dễ gọi:

- Trainee ( bạn là SV hoặc mới chập chững đi làm ) : Chọn cho mình 1 khoá học kĩ năng, chọn 1 cty tốt để học việc, chọn 1 đàn anh giỏi để dẫn dắt, chọn các Group chất để thảo luận. Giỏi 1 thứ và không cần quan tâm đến những thứ khác là quá đủ để bạn được trọng vọng trong bất kì môi trường nào

- Junior ( bạn đã khá một kĩ năng trong Digital marketing ):

+ Rèn luyện thêm những thứ khác, chúng liên hệ mật thiết với nhau. Ví dụ SEO và SEM, SEM và Display ads, SEO và Social, Social và PR, Display ads và Affiliate …..Biết được nhiều thứ sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn và biết phối hợp nhiều công cụ để tạo ra được hiệu quả.

+ Rèn luyện kĩ năng mềm. English, Presentation, Communication, Networking – những kĩ năng này không thể thiếu nếu bạn muốn bước lên tầm cao hơn. Dù bạn giỏi đến đâu mà yếu những điều này thì vẫn là 1 trở ngại lớn.

+ Thoát ra khỏi những công việc tay chân, dành thời gian làm quen với việc quản lí, lập kế hoạch và huấn luyện nhân viên. Có nhiều bạn làm SEO hoặc Fan page cực giỏi nhưng không hề biết phải làm kế hoạch như thế nào – một điều vô cùng đáng tiếc.

- Senior (bạn biết làm plan, biết quản lí project, biết cách tư vấn và thuyết trình).

Đừng giam mình trong những công cụ Digital marketing chật hẹp. Hãy tìm hiểu bản chất của Marketing. 4P, 7P là gì ? Above the line, Below the line ? Event, Activation ? Marketing khác với PR, Communication, Advertising thế nào ? Business Objective, Marketing Objective, Communication Objective là gì ? Thế nào là Strategy, Creative ? Thế nào là Message ? Làm sao để tìm ra được Consumer Insights ? Functional hay Emotional touch ? Đâu là Key selling points ?


Bạn nên đọc những cuốn sách kinh điển về Marketing & Branding của P.Kotlers, AlRies, Jack Trout…. Hãy tìm hiểu về David Ogilvy, LeoBurnett. Xem TVC về Cannes Lion, Young Lions….Cả một bầu trời mở ra vô tận và không bao giờ có điểm dừng. Khi đấy những thứ bạn đang làm sẽ cực kì nhỏ bé.

Hãy kết thân với những người làm Brand Manager, Marketing manager, Account Management, Creative… trong những công ty lớn để hiểu tầm nhìn, trình độ, cách họ làm marketing ở đẳng cấp cao ra sao. Khi đấy các bạn mới thấy những thứ mình làm thật sự chỉ là thủ thuật.

- Master ( bạn đã quá giỏi – giỏi hơn tôi).

Không có góp ý gì nhiều vì bạn giỏi hơn tôi mất rồi. Đôi điều chia sẻ rằng lúc này nên làm Business. Bạn sẽ thấy Marketing không hẳn đã là tất cả. Có những business thành công đến nỗi họ chẳng cần website, CIP hay marketing gì cả. Và bạn sẽ thấy sau tất cả những thứ cao siêu, tiền vẫn là điều quan trọng nhất để đo lường hiệu quả.

Tôi được may mắn đi lên từ những cấp bậc thấp nhất cho đến vị trí như bây giờ. Từ Coder, Web administrator chuyển sang Social media, Paid media, Account, Planner, Management và đến bây giờ là Business Head. Tôi cũng may mắn được chơi với rất nhiều người “thợ cả” giỏi chuyên môn, đến những người “kiến trúc sư” giỏi chiến lược. Những điều chia sẻ ở đây là quá trình đúc kết hơn 6 năm làm Digital marketing – tôi tin rằng nó rất hữu ích cho những ai đã và đang đam mê dấn thân vào ngành này.

Digital Marketing - Đừng ngộ nhận và ảo tưởng (Phần 1)

Nguồn Lê Anh Tuấn