Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ rõ sức mạnh của người tiêu dùng Việt

“Ý thức của người tiêu dùng hay nếu nói nâng tầm là ý thức dân tộc, lòng yêu nước của người dân... nếu biết khơi dậy và phát huy đúng lúc, đúng chỗ sẽ là ưu thế vượt trội của các doanh nghiệp Việt”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên cho biết

Trong buổi tọa đàm với chủ đề "Sáng tạo và Phát triển" tổ chức tại VCCI mới đây, với vai trò là diễn giả, ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên trăn trở: Tại sao có người thành công - kẻ thất bại? Tại sao có nước giàu - nước nghèo? Tại sao Việt Nam lại mãi nghèo? Làm thế nào để trở thành quốc gia vĩ đại, hùng cường, ảnh hưởng?...

Từ đó diễn giả Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng tất cả câu hỏi đó cô đặc lại 3 tinh thần đặc trưng gồm: Chiến binh, doanh nhân và sáng tạo; đồng hành với hoài bão về dân tộc vĩ đại; và tư duy toàn biên - toàn diện - toàn cầu. Trong đó, tinh thần sáng tạo là tinh thần luôn tư duy xé rào, tiếp cận khôn ngoan và đặc biệt là tinh thần sáng tạo có trách niệm.

Trung Nguyên

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên trăn trở: Tại sao có người thành công - kẻ thất bại? Tại sao có nước giàu - nước nghèo? Tại sao Việt Nam lại mãi nghèo? Làm thế nào để trở thành quốc gia vĩ đại, hùng cường, ảnh hưởng?...

Theo ông Vũ, thời đại ngày nay, chúng ta không những cần phát triển, mà còn là phát triển bền vững. Sáng tạo có trách nhiệm làm nên phát triển bền vững những gì không sáng tạo, sẽ được thay thế bởi máy móc. Những gì không bền vững, thiếu trách nhiệm, sẽ bị nhân loại và thiên nhiên loại bỏ.

Đưa ra 3 yêu cầu sáng tạo có trách nhiệm gồm: Tích hợp, bền vững và duy nhất, theo vị “thuyền trưởng” của Trung Nguyên: Kinh tế không phải là công thức khô khan mà nói vẫn là loại hình sáng tạo trung tâm, mọi lĩnh vực đều được tích hợp lại, xoay quanh, phục vụ kinh tế và từ kinh tế tạo ra các ảnh hưởng khác. Mỗi sản phẩm sáng tạo đều phải khác biệt, và trở nên duy nhất, trở thành số 1 và độc nhất cho một giải pháp, một thị trường nào đó. Tốc độ vận động và biến đổi ngày càng nhanh chóng và mạnh mẽ.

Do vậy, sự sáng tạo phải được đặc trên nền tảng định vị chiến lược rõ ràng, trọng tâm, và nhất quán.

Các nguyên lý bền vững theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ bao gồm: Bền vững bên trong mỗi cá nhân biểu hiện ở sự phát triển hài hòa của của cả thân thể, tâm hồn, trí tuệ; bền vững và hài hòa trong cộng đồng, dân tộc, quốc gia, khu vực; và bền vững với tự nhiên.

Trong bài diễn thuyết của mình, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên cũng nêu ra bản chất và ý nghĩa của cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt và các tập đoàn đa quốc gia. Đó là một cuộc chiến sống còn về kinh tế, là một cuộc cạnh tranh tự chủ của quốc gia và là cuộc cạnh tranh bản sắc của các nền văn hóa.

Sự sáng tạo phải được đặc trên nền tảng định vị chiến lược rõ ràng, trọng tâm, và nhất quán.

“Ý thức của người tiêu dùng, hay nếu nói nâng tầm là ý thức dân tộc, lòng yêu nước của người dân - nếu biết khơi dậy và phát huy đúng lúc, đúng chỗ sẽ là ưu thế vượt trội của các doanh nghiệp Việt” – Ông Vũ nhấn mạnh.

“Trong thời gian kinh tế gặp khó khăn hiện nay, các CEO của chúng ta nên phát huy vai trò và tầm quan trọng của mình để vực dậy doanh nghiệp vượt bão. Đây cũng là cơ hội để CEO chứng tỏ khả năng của mình trong vai trò quản lý doanh nghiệp, đóng vai trò hình mẫu trong đổi mới, xây dựng đội ngũ lãnh đạo mạnh và có tính cam kết” – ông Vũ cho hay.

Trước câu hỏi ở Việt Nam thì làm thế nào để phát huy tối đa sáng tạo? CEO Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng: Điều đầu tiên trong sáng tạo là phải phát triển tự do. Dân tộc sáng tạo là dân tộc đó phải tôn vinh tri thức và tôn vinh cái đẹp.

Ông Vũ cho biết, chưa bao giờ Việt Nam trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc lại có sự kết nối toàn bộ tinh thần trên toàn thế giới đến như vậy. Nếu chúng ta đã giải phóng dân tộc thì phải giải phóng triệt để con người, xây dựng ý thức công dân, phát triển tri thức để thực hiện cuộc cách mạng Sáng tạo.

Đưa ra nhận định riêng của mình về khát vọng chung của Việt Nam và những mục tiêu mà dân tộc Việt Nam hướng tới, chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng, Việt Nam đang có nền văn minh hài hoà và đầy đủ các điều kiện trở thành nền văn minh mới. Chưa bao giờ thế của Việt Nam được dựng lên như bây giờ.

“Nếu định vị, Việt Nam phải là một mô hình phát triển bền vững của thế giới. Chúng ta có thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển từ một quân trên bàn cờ thành người chơi cờ. Hãy quyết liệt vì mục tiêu chung ngay từ bây giờ” – Ông Vũ tin tưởng.

VCCI

Ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch VCCI, Trưởng ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia.

Trong khi đó tham gia diễn thuyết với chủ đề “Sáng tạo Khởi nghiệp”, ông Phạm Gia Túc - Phó chủ tịch VCCI cho rằng, nội dung buổi tọa đàm này rất quan trọng, thể hiện đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam để xây dựng tổ quốc cũng như góp phần phát triển đất nước.

Theo ông Túc, sáng tạo chính là cách để dân tộc Việt Nam phát triển, trong lịch sử đấu tranh giữ gìn độc lập dân tộc nhờ sáng tạo mà quân và dân ta đã chiến thắng nhiều đế quốc sừng sỏ.

“Sáng tạo cũng thể hiện trong việc nước ta đạt được nhiều thành tựu kinh tế sau khi tiến hành công cuộc đổi mới từ kinh tế từ tập trung sang kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Sáng tạo và đổi mới là một xu hướng trong hoạt động kinh doanh toàn cầu, trong đó khả năng sinh lời của tiền vốn, máy móc hay cơ bắp là hữu hạn, nhưng giá trị của trí tuệ, sáng tạo là vô cùng to lớn, góp phần tạo sự đột phá và quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp” – Ông Túc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Túc trong cuộc đổi mới sáng tạo thế hệ trẻ phải là người đi đầu, “Chính các bạn trẻ thông qua các hoạt động của mình là động lực để chúng tôi tổ chức các chương trình. Các bạn biết vận dụng kiến thức được học cộng với đổi mới sáng tạo thì chắc chắn sẽ trở thành những DN rất thành công” – Ông Túc nhận định.

FPTCũng trong buổi tọa đàm, nói về vai trò của Sáng tạo đối với sự phát triển của đất nước, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc Chiến lược FPT, Phó Giám đốc Chiến lược Trung tâm Khoa học Tư duy cho rằng: “Sáng tạo là con đường gần như duy nhất để thoát khỏi ‘chiếc áo gia công nô dịch’ mà người Việt Nam đang khoác hơn trăm năm qua. Chừng nào, chúng ta chưa có được những sản phẩm của mình, còn nhập siêu công nghệ cao cho phát triển đất nước thì chừng đó người Việt Nam vẫn còn loay hoay trong những phân khúc rất thấp của thế giới”.

Cũng theo ông Hòa, giá trị niềm tin là vấn đề đáng lo ngại nhất. Tư duy sáng tạo bắt đầu từ Hành trình tìm kiếm Niềm tin. Điều đầu tiên đó là Giấc mơ chất lượng “made in Vietnam”.

Trả lời cho câu hỏi: Gốc của sáng tạo là gì? Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cho biết: Gốc của sáng tạo là sự 'cởi trói'. "Với tôi, việc từ bỏ mức lương 2 nghìn đô để trở về Việt Nam bắt đầu con đường của mình, đó là một sự 'cởi trói'".

Còn theo TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển, sáng tạo là một cái gì mới, là của mình. Một công trình khoa học và trong công trình đó phải có một cái gì đó là của mình. Từ trước đến nay chúng ta nói rất nhiều về sự lãng phí và sự lãng phí nhất chính là thời gian. Các bạn đừng bao giờ nghĩ là mình còn trẻ, phải nghĩ là mình phải làm hơn những gì mình đã có, và phải nỗ lực để vươn lên.

Nguồn Báo Giáo Dục