Phát triển nhãn hàng riêng: Xu hướng tốt

Kinh tế khó khăn, việc chi tiêu tiết kiệm rất quan trọng nên sản phẩm từ nhãn hàng riêng giá rẻ đang trở thành xu hướng lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng.

“Người tiêu dùng đang chuyển dần sang mua các sản phẩm nhãn hàng riêng của các nhà bán lẻ do giá rẻ hơn sản phẩm cùng loại từ 5% đến 30%. Nhãn hàng riêng của các nhà bán lẻ các năm gần đây đang lớn mạnh”. Đó là nhận định trong báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel.

Lợi thế giá rẻ

Chúng tôi gặp chị Trần Thị Thanh ở quận Gò Vấp (TP.HCM) đang xem kỹ giá sản phẩm mì trứng cao cấp Safoco giá 25.700 đồng (500 g) trên kệ hàng một siêu thị, gần đó là sản phẩm nhãn hàng riêng của siêu thị giá 22.700 đồng nhưng giảm còn 19.900 đồng. “Cái này rẻ hơn nên tôi mua!” - chị cười khoe.

Kén chọn không kém là chị T. ở quận Phú Nhuận. Trên tay cầm chai dầu ăn đậu nành 1 lít giá 42.900 đồng, chị tới quầy kế bên lựa xem chai dầu đậu nành Delio giá 54.400 đồng, rồi chai Neptune giá 43.900 đồng. Sau khi xem kỹ chị chọn sản phẩm 42.900 đồng thuộc nhãn hàng riêng của siêu thị.


Nhãn hàng riêng là xu hướng phát triển tất yếu của kênh bán lẻ hiện đại, giúp nhà bán lẻ tăng doanh số. Ảnh: TÚ UYÊN

Kantar Worldpanel cho biết vào năm 2008, nhãn hàng riêng chiếm chưa đến 1% tổng lượng hàng tiêu dùng nhanh ở các kênh mua sắm hiện đại, hơn 10 hộ gia đình thành thị mới có một hộ mua nhãn hàng riêng. Hiện nay, nhãn hàng riêng đã đến được với 2/5 hộ gia đình thành thị, chiếm khoảng 3%. Đáng chú ý là trong khi thị trường chung của hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng chậm ở mức 12%/năm thì nhãn hàng riêng tăng trưởng tốt ở mức 27% (số liệu cho năm gần nhất tính đến tháng 6-2013).

Chuyên gia marketing Phạm Trọng Chinh phân tích, người tiêu dùng dường như không lo lắm về chất lượng sản phẩm từ nhãn hàng riêng vì nghĩ một khi nhà bán lẻ đưa sản phẩm lên kệ hàng thì đã kiểm soát rồi. Cộng thêm yếu tố quan tâm hàng đầu là giá rẻ càng giúp cho nhãn hàng riêng phát triển nhanh hơn.

Đôi bên cùng có lợi

Ngoài việc giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn, các nhà bán lẻ cho rằng nhãn hàng riêng còn góp phần giải quyết đầu ra lâu dài cho doanh nghiệp (DN) nội địa, có năng lực sản xuất nhưng chưa xây dựng được thương hiệu. Chẳng hạn để trở thành đối tác gia công nhãn hàng riêng của Siêu thị Co.opmart, nhà sản xuất phải là DN nội địa, sản phẩm phải phù hợp và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Xuyên suốt quá trình khép kín từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào đến khâu phân phối đều được sản xuất và kiểm tra chặt chẽ theo các tiêu chuẩn HACCP, ISO…

Các nhà bán lẻ chú trọng đến nhãn hàng riêng vì tỉ suất lợi nhuận cao hơn các hàng bình thường khác từ 5% đến 10%.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Food, chia sẻ tốc độ tăng trưởng bình quân của hoạt động gia công nhãn hàng riêng cho nhà bán lẻ là 20%, chiếm 30% tổng doanh thu thị trường nội địa của DN. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, nói hiện đơn hàng nhận từ siêu thị tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Cái lợi của nhà sản xuất trong việc gia công nhãn hàng riêng là tăng doanh số, từ đó DN có thể đầu tư mở rộng sản xuất.

Một số DN không muốn nêu tên cho biết họ cũng sống khỏe nhờ gia công nhãn hàng riêng, nâng công suất nhà máy, tăng sản lượng, giảm giá thành. Việc tìm đầu ra rất khó nhưng giờ có người đứng ra cam kết đảm bảo sản lượng ổn định thì quá tốt! Một cái lợi nữa là siêu thị chăm chút nhãn hàng riêng rất kỹ, DN không tốn chi phí quảng bá, còn được trưng bày ở vị trí đẹp và người tiêu dùng cũng khá tin tưởng nhờ thương hiệu của siêu thị. Họ cũng phải nghiên cứu, khảo sát kỹ thị trường mới đặt hàng DN gia công.

Đề phòng tự hại?

Tuy nhiên, có những DN đang gia công cho các siêu thị, doanh số vẫn tăng nhưng lại bảo “đó là điều không ai muốn”. Bản thân họ bị thiệt thòi vì phải cạnh tranh với chính hàng của mình.


Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng nhận định bản chất của nhãn hàng riêng là nhà cung cấp làm sản phẩm theo tiêu chuẩn của nhà bán lẻ, sau đó nhà bán lẻ áp nhãn hàng của mình lên. Điều này có thể mang lợi ích tức thời khi nhà bán lẻ ưu tiên bày bán sản phẩm nhãn hàng riêng của mình ở những vị trí đắc địa, từ đó thúc đẩy doanh số. Việc này đồng thời tác động tích cực lên DN sản xuất bởi khi doanh số nhà bán lẻ tăng thì đơn hàng nhiều lên. Thế nhưng về dài hạn, thương hiệu riêng của các nhà bán lẻ lại tác động tiêu cực lên nhãn hàng của nhà cung cấp do khi đó nhà bán lẻ gần như “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Việc ưu tiên vị trí tốt nhất cho nhãn hàng riêng của nhà bán lẻ sẽ làm sụt giảm doanh số nhãn hàng của nhà cung cấp.

Thế nhưng đặt trong bối cảnh kinh tế hiện nay, rõ ràng nhãn hàng riêng của nhà bán lẻ đang giúp cho các DN nội địa duy trì sản xuất, thậm chí tăng doanh thu và điều thiết thực nhất là giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu mà vẫn an tâm về sản phẩm.

Đến nay, Co.opmart đã có trên 200 mặt hàng thuộc nhãn hàng riêng tập trung vào nhóm hàng thiết yếu từ trứng gia cầm, gạo, trà, bún gạo, nước mắm, nước suối, mì tôm, hàng đông lạnh đến đồ dùng gia đình như nồi, chảo... Trong khi đó Vinatex-Mart có bốn nhãn hàng riêng thuộc ngành hàng thời trang nữ, thời trang nam, phụ kiện thời trang… Theo Co.opmart và Vinatex-Mart, bảy tháng qua doanh số từ nhãn hàng riêng tăng khoảng 9%-30%.

Các nhà bán lẻ chú trọng đến nhãn hàng riêng vì tỉ suất lợi nhuận cao hơn các hàng bình thường khác từ 5% đến 10%. Dù giá bán ra cho người tiêu dùng thấp nhưng nhà bán lẻ lại tiết kiệm được hàng loạt chi phí khác như một phần chi phí sản xuất, tiếp thị, kho vận… Vì vậy nhãn hàng riêng sẽ là nguồn tăng trưởng doanh thu chính của nhà bán lẻ.

Nguồn Dùng hàng Việt