Xây dựng thương hiệu “không thể chối từ”

Peter Drucker, người được xem là "cha đẻ" của quản trị kinh doanh hiện đại đã từng nói: "Mục tiêu cuối cùng của mọi hoạt động kinh doanh là tạo ra khách hàng.

Và chỉ có hai chức năng trong doanh nghiệp có thể làm được điều này, đó là Marketing và Sáng tạo (Innovation)".

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, khả năng chi trả của người dân ít đi dẫn đến sức mua giảm, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào những giải pháp tiếp thị, quảng cáo đơn thuần mà cần rà soát lại mô hình kinh doanh, thực hiện marketing sáng tạo để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, qua đó đánh thức nhu cầu tiêu dùng mới.

Quảng cáo ấn tượng - kích thích bán hàng và gợi mở nhu cầu mới

Nhiệm vụ của marketing là tạo ra khách hàng mới bằng cách "đánh thức" những nhu cầu mới nằm ngay trong tiềm thức của khách hàng. Quảng cáo là một mắt xích trong tiến trình marketing và là công cụ thiết yếu để truyền đạt thông điệp, đồng thời phổ biến hình ảnh sản phẩm, dịch vụ và định vị thương hiệu.


Khi thương hiệu đã được nhiều người biết đến, hình ảnh thương hiệu được định vị rõ ràng. Tuy nhiên, việc duy trì quảng cáo và cải thiện hình ảnh thương hiệu vẫn rất cần thiết. Người tiêu dùng sẽ cảm thấy nhàm chán khi xem một thông điệp quảng cáo cứ lặp đi lặp lại.

Do vậy, doanh nghiệp phải luôn sáng tạo, tìm ra sự khác biệt và thú vị trong sản phẩm và dịch vụ của mình, sử dụng làm thông điệp chủ đạo để truyền tải đến khách hàng của mình thông qua những quảng cáo có ý nghĩa. Điều này có nghĩa là cùng một thông điệp, nhưng mẫu quảng cáo được diễn tả và thể hiện bằng những nội dung khác nhau để hình ảnh thương hiệu luôn luôn mới trong mắt người tiêu dùng.

Có nhiều tiêu chí để đánh giá một quảng cáo là ấn tượng và sáng tạo. Tiêu chí đầu tiên, đó là mẫu quảng cáo có thể làm cho người ta S.M.I.L.E (smile có nghĩa là mỉm cười) - làm người ta muốn mua hàng/sử dụng dịch vụ. Công thức S.M.I.L.E là: S - simple (đơn giản), M - memorable (dễ nhớ), I - interesting (gây chú ý - có ngầm hiểu), L - linked to the brand (gắn kết tốt với nhãn), E - emotional (gây xúc cảm và thú vị).

Trên lý thuyết, 80% giá trị của quảng cáo là duy trì nhận thức thương hiệu đối với khách hàng hiện hữu và 20% kích thích khách hàng mới dùng thử sản phẩm. Điều đó cũng có nghĩa 80% chi phí quảng cáo của doanh nghiệp sẽ phải tập trung vào 20% lượng khách hàng trung thành có khả năng mang lại 80% giá trị cho doanh nghiệp. Khi đã xác định và xây dựng những "giá trị phù hợp" hấp dẫn thì việc truyền thông một cách ấn tượng và sáng tạo tới khách hàng hiện hữu để bảo vệ thị phần và tăng tần suất sử dụng sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng ổn định với chi phí thấp hơn nhiều so với việc chuyển đổi khách hàng của đối thủ cạnh tranh.

Bên cạnh quảng cáo ấn tượng và sáng tạo, doanh nghiệp cũng cần phải tạo dựng các cơ hội để báo chí dẫn dắt thông điệp của doanh nghiệp một cách tình nguyện như Trung Nguyên, Phở 24...

Để được PR "miễn phí", doanh nghiệp phải có ý tưởng hay, mô hình kinh doanh độc đáo, chương trình giàu tính cộng đồng hay giải pháp sản phẩm, dịch vụ có tính đột phá mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng và xã hội. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải tự thân nỗ lực thay đổi từ bên trong. Con người tài năng, tư duy sáng tạo lúc này là yếu tố quyết định chứ không hẳn là công nghệ hay tài chính.

Nhiệm vụ của marketing là tạo ra khách hàng mới bằng cách "đánh thức" những nhu cầu mới nằm ngay trong tiềm thức của khách hàng. Quảng cáo là một mắt xích trong tiến trình marketing và là công cụ thiết yếu để truyền đạt thông điệp, đồng thời phổ biến hình ảnh sản phẩm, dịch vụ và định vị thương hiệu.

Marketing sáng tạo – sự lựa chọn thành công trong định vị thương hiệu

Có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mẫu quảng cáo "tra tấn" người xem hằng ngày với đủ thứ hình thức, từ ngôn từ đến hình ảnh đa sắc. Vậy, làm thế nào để thông điệp của doanh nghiệp thu hút và ghi dấu trong lòng khách hàng trong thời gian ngắn nhất? Tất nhiên, ngoài việc nắm bắt những yếu tố cấu thành thông điệp quảng cáo, người làm marketing cũng cần hiểu rõ mục đích thực hiện và cân đối nguồn ngân sách mà doanh nghiệp dành cho quảng cáo.

Doanh nghiệp hãy tìm ra câu trả lời "Ai thực sự là người trả tiền cho thương hiệu" và "những giá trị nào họ cần chúng ta cung cấp", để từ đó biết được chính xác thị trường và đối tượng khách hàng cần hướng tới. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên ưu tiên tập trung nguồn lực tiếp cận và thuyết phục khách hàng tại chính thời điểm họ lựa chọn mua sắm. Doanh nghiệp cần nắm bắt "đường ra thị trường" của sản phẩm một cách tốt nhất thông qua việc xây dựng bản đồ kênh phân phối, hợp tác và liên kết với những thương hiệu "cùng nhóm theo kênh" để giảm thiểu chi phí tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm nhóm để nâng cao doanh số. (Ví dụ: Omo kết hợp với Comfort để bán sản phẩm bột giặt thơm mát).

Ngoài ra, quảng cáo trực tuyến, blog... là những kênh quảng cáo hiệu quả cần phải được quan tâm. Với quảng cáo trực tuyến, nội dung quyết định tính hấp dẫn người xem. Doanh nghiệp cần phải sáng tạo nhiều hơn nữa để tạo ra những câu chuyện thương hiệu độc đáo có tạo sức lan tỏa rộng khắp và đọng lại ấn tượng cũng như đánh vào tâm lý muốn mua hàng của người tiêu dùng. Những video clip hay, bài viết chia sẻ có giá trị tác động tích cực tới cộng đồng luôn được chào đón và chia sẻ trên Internet, nhờ đó thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp cũng được cải thiện đáng kể.

Nguồn Chiến lược Marketing