Thi trường sữa: Cờ đến tay sữa nội!

Hàng loạt loại sữa có nguồn gốc nhập ngoài vào VN đang phải thu hồi vì nghi nhiễm khuẩn những ngày vừa qua như: sữa Dumex, Abbott, Karicare... Nhiều người tiêu dùng từ chỗ "sính hàng ngoại" đang dần quay lại với sữa nội.

Theo thống kê của VCCI, mỗi năm trung bình có 2 đến 3 đợt tăng giá sữa. Chỉ tính riêng giai đoạn từ 2007 – 2010, giá sữa "nhảy múa" tới 16 lần.

Giá sữa nhảy múa

Còn trong năm 2013, mới 6 tháng đầu năm, sữa đã tăng giá đến 3 lần, mỗi lần tăng từ 5-10% giá bán. Thậm chí, một số loại sữa còn tăng 13-14%.

Một sự ngạc nhiên đến khó tin là với hơn 200 DN nhập khẩu sữa tại VN, thị trường đáng ra phải tạo nên một sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá cả và chất lượng. Tuy nhiên, trớ trêu thay, họ cùng nhau "bắt tay" với các hãng sữa ngoại xây dựng bảng biểu tăng giá chóng mặt. Các DN phân phối sữa ngoại đã dùng nhiều chiêu để qua mặt cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ đổi tên sữa thành "sản phẩm dinh dưỡng" hay "thực phẩm bổ sung"... để không phải giải trình lý do tăng giá với Bộ Tài chính. Nhiều vụ chi hoa hồng, biếu xén cho nhân viên y tế ở bệnh viện để họ "tận tình" giới thiệu hoặc mua thông tin các phụ sản đã bị báo chí phanh phui thời gian qua.


Một nguyên nhân khác khiến giá sữa không quản lý nổi bởi mỗi nhãn hiệu sữa lại đăng ký kê khai giá ở một nơi khác nhau. Theo quy định hiện hành, giá sữa được đăng kí tại sở tài chính nào thì sở đó mới có thẩm quyền quản lý, điều chỉnh giá. Đây là điều kiện để các hãng sữa có thể lách luật để tăng giá.

Thị trường sữa VN đã trở nên quá "dễ tính" với sữa ngoại. Ví dụ sau hàng loạt vấn đề về sữa ngoại trong thời gian qua, vậy mà ngay chính sản phẩm của Abbott (một hãng đang thu hồi sản phẩm tại VN vì nghi nhiễm khuẩn) cũng vẫn "đánh tiếng" tiếp tục lộ trình tăng giá trong tháng 8 và tháng 9. Đây có phải là chiêu "làm hàng mới" của hãng sữa hay người tiêu dùng Việt quá dễ bị "dắt mũi".

Trong khi đó, tại Trung Quốc, với chính sách thẳng tay "bảo hộ" nhà sản xuất trong nước, các cơ quan chức năng đã có chương trình điều tra giá sữa. Ngay lập tức, Abbott thông báo sẽ giảm 12% giá sữa công thức cho trẻ, hãng Danone và Nestle cũng giảm giá 20%. Kéo theo một số hãng sữa ngoại khác cũng thông báo đang điều chỉnh giá bán như Cty liên doanh Nestle SA hay hãng sản xuất Royal FrieslandCampina NV.

Với cách đối xử rất khác nhau giữa các thị trường của các hãng sữa, khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng. Từ cơ quan quản lý thị trường đến những ông bố, bà mẹ là người tiêu dùng của VN đang phải xem xét lại một cách sòng phẳng hơn đối với sản phẩm nội địa. Từ việc công bố chất lượng, hàm lượng khoáng chất đến cách quản lý tiếp thị, quảng cáo hay lách luật của các hãng sữa ngoại. Theo TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng VN, kết quả phân tích thành phần của các loại sữa nhập ngoại và sữa nội cho thấy, sữa nội không thua kém về chất lượng so với sữa ngoại, nhất là các thành phần chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất.

Sữa nội tìm lại chỗ đứng

Nhiều DN sản xuất sữa nội cũng đang chú trọng việc mở rộng quy mô, đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ máy móc hiện đại.

Tại nhiều diễn đàn trên mạng xã hội đã cho thấy, trong sự hoang mang về sữa ngoại mấy ngày qua, nhiều ông bố bà mẹ đã quyết định chọn sữa nội cho con uống, vì họ cũng đã được cập nhật đầy đủ thông tin và biết được rằng, sữa nội và sữa ngoại chất lượng không quá khác nhau nhưng giá thì "một trời một vực". Thị trường sữa VN mấy ngày qua có dấu hiệu chuyển biến tích cực, càng ngày người tiêu dùng càng nhận ra việc chạy theo sữa ngoại của mình đôi khi cũng chỉ là sự phù phiếm.


Các hãng sữa nội cũng đang tự chứng minh về chất lượng sản phẩm của mình. Bà Bùi Thị Hương - giám đốc đối ngoại Vinamilk cho biết, Vinamilk đã gửi email yêu cầu tập đoàn Fonterra phải trả lời chính thức bằng văn bản xác nhận việc không bán sản phẩm có nguyên liệu whey protein nhiễm khuẩn cũng như nhiều năm nay không bán sữa whey protein cho Vinamilk. Không những vậy, Vinamilk đã gửi văn bản yêu cầu Cục An toàn thực phẩm đề nghị các cơ quan hải quan – nơi tiếp nhận hàng hoá nhập khẩu phối hợp, rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ nhập khẩu của từng DN trong ngành sữa. Ngoài ra, trong văn bản gửi đi, Vinamilk cũng yêu cầu cục phải sớm công bố thông tin DN nào có liên quan để người tiêu dùng biết, qua đó đưa ra lựa chọn chính xác nên mua sản phẩm nào cho an toàn.

Nhiều DN sản xuất sữa nội cũng đang chú trọng việc mở rộng quy mô, đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ máy móc hiện đại. Đơn cử, thương hiệu sữa TH True Milk, vừa khánh thành nhà máy sản xuất, chế biến sữa hiện đại có công suất giai đoạn 1 là 200.000 tấn/năm, đến năm 2017 có quy mô hiện đại bậc nhất Đông Nam Á và sẽ nâng công suất toàn hệ thống lên 500.000 tấn/năm. Trước đó, Vinamilk cũng đã chính thức đưa vào vận hành nhà máy sữa bột trẻ em hiện đại nhất Châu Á. Trong chiến lược kinh doanh sắp tới, Vinamilk sẽ tiếp tục khánh thành "siêu nhà máy" sữa nước hiện đại với công suất giai đoạn I là 1,2 triệu lít sữa/ngày, giai đoạn II nâng lên 2,4 triệu lít sữa/ngày, tương đương tổng công suất 9 nhà máy hiện nay của Vinamilk. Với những chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, các DN sữa nội đang dần lấy lại thị phần từ tay các hãng sữa ngoại.

Nguồn Chiến lược Marketing