Fonterra đã thoát hiểm trong vụ sữa độc melamine như thế nào?

Nội dung nổi bật:

-Fonterra, hãng sữa đang dính vào vụ bê bối sữa nhiễm khuẩn độc thịt, từng nắm 43% cổ phần và có 3 đại diện trong HĐQT hãng “sữa melamine” Tam Lộc;

-Tam Lộc phá sản, Chủ tịch chịu án tù chung thân, nhưng Fonterra không những thoát hiểm mà còn tăng được thị phần tại Trung Quốc;

-Bí quyết: Gian là Tam Lộc. Thiếu trách nhiệm thôi. Thủ tướng nói giúp. Mọi sự nhanh trôi.

Chiếm khoảng 30% sản lượng sữa toàn thế giới và 90% lượng sữa xuất khẩu của New Zealand với định vị thương hiệu “100% pure green” (Tạm dịch: sữa sạch và tinh khiết 100%), Fonterra có thể coi là bộ mặt xuất khẩu của quốc gia này. Bên cạnh đó, ảnh hưởng chính trị của tập đoàn ở trong nước không thể xem thường vì Fonterra hình thành từ sự liên kết của 10.600 nông dân New Zealand.

Sữa của Fonterra có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nguyên liệu sữa của hàng loạt tập đoàn đa quốc gia lớn như Nestle, Danone, Abbot, hay Coca-Cola chính là từ Fonterra mà ra.

Tuy nhiên Fonterra lại “dính” vào khá nhiều vụ bê bối sữa lớn. Trước vụ scandal sữa nhiễm khuẩn gần đây được phanh phui, Fonterra đã dính tới nhiều vụ việc khác. Trong đó nổi tiếng nhất là vụ sữa nhiễm độc melamine tại Trung Quốc.


Cổ đông lớn trong hãng “sữa melamine” Tam Lộc

Nhắc đến vụ sữa melamine, người ta lập tức nhớ đến scandal về sữa lớn nhất từ trước đến nay với cái chết của 6 trẻ em và gần 300.000 trẻ khác bị ảnh hưởng. Trung tâm của vụ scandal này là Tam Lộc – một trong những công ty sữa lớn nhất Trung Quốc.

Hãy cùng nhớ lại thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng khủng khiếp nhất trong lịch sử ngành công nghiệp sữa. Tháng 2/2008, Tam Lộc bắt đầu nhận được những báo cáo đầu tiên về trẻ em mắc bệnh khi uống các loại sữa của hãng. Tuy nhiên ban lãnh đạo của công ty đã lờ đi, thậm chí dùng tiền để bưng bít, ngăn khách hàng gửi đơn tố cáo.

Đến tháng 3, hàng loạt các vụ việc khác liên quan đến nhiễm độc sữa của Tam Lộc xảy ra. Những nỗ lực che đậy của hãng sữa này cùng chính quyền địa phương khiến sự việc phải nửa năm sau sự việc mới bị phanh phui. Đến lúc ấy, “sữa độc” đã khiến 6 trẻ tử vong và hàng trăm ngàn trẻ khác mắc bệnh sạn thận.

Tòa án Trung Quốc đã xử tử hình 2 người trong ban lãnh đạo Tam Lộc. Bà Điền Văn Hoa, chủ tịch công ty bị xử chung thân.

Fonterra nắm 43% cổ phần của Tam Lộc, ba trên bảy thành viên HĐQT của Tam Lộc là người của Fonterra

Một điểm đáng chú ý là thời điểm đó, Fonterra đang nắm tới 43% cổ phần trong liên doanh với Tam Lộc, đóng vai trò hỗ trợ công ty sữa Trung Quốc phát triển các trang trại bò sữa, đồng thời có 3 thành viên trong Hội đồng quản trị 7 người của liên doanh.

Trong một ngành sản xuất đầy nhạy cảm như sữa, chỉ dính lứu tới một vụ scandal nhỏ cũng có thể khiến cho doanh nghiệp phá sản chứ đừng nói tới một vụ lớn như sữa nhiễm melamine.

Tuy nhiên, trong khi Tam Lộc phải tuyên bố phá sản sau đó, ban lãnh đạo lãnh án tử hình hoặc chung thân, Fonterra, đối tác chính của Tam Lộc trong liên doanh lại không thực sự bị ảnh hưởng bởi vụ scandal này.

Fonterra đã cứu lấy hình ảnh của mình thế nào?

Khi vụ sữa melamine vỡ lở ra, Fonterra đăng nắm lượng cổ phần lớn trong liên doanh, ắt phải chịu không ít ảnh hưởng. Tuy nhiên, công ty này đã thoát hiểm nhờ những phản ứng kịp thời.

Đầu tiên,Fonterra cần có một người phát ngôn uy tín lên giải thích tình hình cho dư luận, trong trường hợp này đích thân đương kim Thủ tướng New Zealand Helen Clark đã lên tiếng. Như đã giới thiệu ở trên, do lượng xuất khẩu của Fonterra quá lớn, chiếm tới 90% tổng lượng xuất khẩu sữa của New Zealand, mối quan hệ và hình ảnh giữa Fonterra và New Zealand là không thể tách rời. Mọi vụ việc liên quan đến tập đoàn này, chính phủ New Zealand đều tham gia giải quyết.

Trả lời trước công luận, bà Helen Clark cho biết hãng này đã vận động chính quyền Trung Quốc thu hồi sản phẩm từ tháng 2/2008, và chính quyền địa phương đã từ chối.

Thứ hai, CEO của Fonterra, Andrew Frerrier cũng lên tiếng khẳng định Tam Lộc đã lừa dối mình, và sai lầm của họ chỉ duy nhất ở việc đã quá tin tưởng đối tác Trung Quốc. Andrew cũng cho biết, dù có 3 thành viên trong hội đồng quản trị, nhưng Fonterra lại không có nhiều tiếng nói với hoạt động kinh doanh của công ty.

Sau vụ melamine, thị phần của Foterra tại Trung Quốc tăng lên do dân chúng không tin sữa nội và chuyển sang dùng sữa ngoại

Bằng cách này, Fonterra vẫn cho thấy mình hoàn toàn có trách nhiệm, nhưng lại hướng mũi dùi dư luận tới hãng sữa Trung Quốc. Đây cũng là thời điểm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là một mối lo lớn của chính phủ Trung Quốc, nên những lập luận của Fonterra tỏ ra khá thuyết phục.

Nhanh chóng sau đó, hãng sữa New Zealand tuyên bố rời khỏi liên doanh với Tam Lộc, rút khoản đầu tư trị giá 200 triệu USD, mặt khác, Fonterra khẳng định các sản phẩm của mình là đảm bảo chất lượng.

Song song với việc khẳng định rõ trách nhiệm, Fonterra cũng đưa ra nhiều bằng chứng về chất lượng sữa của mình. Tháng 9/2008, đã tự thiết lập một trang trại gồm 3.000 con bò sữa tại Trung Quốc và những con bò này đang cung cấp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng.

Một tháng sau, Ferrier tuyên bố tại Bắc Kinh rằng Fonterra sẽ hỗ trợ 8,4 triệu đô la New Zealand cho một quỹ chăm sóc y tế cho phụ nữ có thai và bà mẹ trẻ sơ sinh ở nông thôn.

CEO Andrew Ferrier cho biết tập đoàn cảm thấy rất “sốc” trước thảm kịch do sữa melamine gây ra và không quên nhấn mạnh: Người tiêu dùng Trung Quốc đã mất niềm tin vào Tam Lộc, chứ không phải Fonterra, và Fonterra đang dùng mọi khả năng để xây dựng lại chuỗi cung ứng sữa bò.

Ứng biến tài tình, Fonterra nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Đến tháng 4/2009, ngay khi vụ việc của Tam Lộc còn chưa kết thúc, trong chuyến thăm của tân Thủ tướng New Zealand John Key tới Bắc Kinh, Thủ tướng Ôn gia Bảo đã yêu cầu chính phủ New Zealand giúp đỡ thiết lập chuẩn thực phẩm an toàn cho Trung Quốc. Cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo nói lên rằng, mối liên hệ giữa Fonterra và cuộc khủng hoảng sữa mới chỉ một năm trước nay đã là dĩ vãng.

Đến đây thì kết quả đã rõ: Tam Lộc phá sản, 21 công ty sữa khác của Trung Quốc chịu ảnh hưởng. Còn thị phần sữa của Fonterra tại Trung Quốc sau vụ việc lại lớn mạnh dần lên khi người tiêu dùng nước này không còn tin tưởng sản phẩm nội địa và quay sang dùng các loại sữa ngoại.

Khéo mồm là chưa đủ

Khi nhìn lại sự việc, thật khó tin khi Fonterra, nắm giữ không ít cổ phần trong liên doanh với Tam Lộc, cùng 3 người trong hội đồng quản trị, lại hoàn toàn bất lực trong việc ngăn cản chính phủ Trung Quốc ém nhẹm vụ việc. Những cuộc điện thoại trao đổi giữa ban lãnh đạo Fonterra và Tam Lộc cũng bị từ chối công bố.

Điểm yếu chết người của Fonterra: Quy mô càng lớn, càng khó kiểm soát chuỗi cung ứng.

Một cuộc khủng hoảng khác mà truyền thông Fonterra cũng thể hiện sự “cao tay” đó là tháng 9/2012, khi người ta phát hiện chất dicyandiamide (DCD) trong các sản phẩm sữa của hãng. Tuy nhiên, Fonterra, hiệp hội nông dân và Chính phủ New Zealand đã nhanh chóng can thiệp, chứng minh độ an toàn và dập tắt sự việc.

Có thể thấy trong các vụ việc, Fonterra đều xử lý khủng hoảng truyền thông rất khéo léo.

Tuy nhiên, nó cũng bộ lộ ra một điểm yếu chết người của công ty. Đó là quy mô càng lớn, Fonterra càng khó kiểm soát các chuỗi cung ứng của mình. Trong báo cáo sau vụ sữa nhiễm Melamine, Fonterra cũng thừa nhận đây là một bài học đau đớn của hãng trong việc quản lý sản phẩm tại các chuỗi cung ứng.

CEO Ferirrer của hãng cũng thừa nhận, không bao giờ có thể chắc chắn 100% rằng các sản phẩm ở chuỗi cung ứng không thể bị nhiễm độc.

Và Fonterra tiếp tục phải trả giá cho cuộc khủng hoảng thứ 2 đang diễn ra …

(Còn tiếp)

Nguồn CafeBiz