Tim Cook đến và đi

Tim Cook đến và đi

Sau những kỳ vọng cao về tương lai, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam vẫn phải nhìn ra những rào cản trước mắt.

Việt Nam liên tiếp trở thành điểm đến của những nhân vật hàng đầu trong thế giới công nghệ. Tỷ phú, người sáng lập Microsoft Bill Gates bất ngờ xuất hiện tại Đà Nẵng trong một chuyến đi nghỉ. CEO Tim Cook của Apple lại tới Việt Nam để tìm thêm cơ hội mở rộng kinh doanh.

Chuyến thăm Việt Nam của Tim Cook thu hút dư luận hơn cả khi ông có nhiều cuộc gặp ngoài lề với ca sĩ Mỹ LinhMỹ Anh, đạo diễn trẻ Phương Vũ, người chuyên đánh giá các sản phẩm công nghệ Duy Thẩm... Tuy nhiên, tâm điểm vẫn là cuộc làm việc chính thức với Thủ Tướng Việt Nam. Tại đây, lãnh đạo Apple đưa ra cam kết mua nhiều hơn linh phụ kiện do các đối tác sản xuất tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Chuyến thăm Việt Nam cũng như các cam kết mới của giới lãnh đạo Apple diễn ra chỉ vài tháng sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, trong đó xác định hợp tác về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việt Nam trong những năm gần đây đã trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng của Apple khi tập đoàn này tìm cách đa dạng hóa việc lắp ráp sản phẩm bên ngoài Trung Quốc. Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp tăng công suất cho gần như tất cả các sản phẩm của mình từ AirPods, MacBook đến Apple Watch và iPad tại Việt Nam.

Lãnh đạo Apple đưa ra cam kết mua nhiều hơn linh phụ kiện do các đối tác sản xuất tại Việt Nam.
Nguồn: Lê Toàn

Ngoài sức hút của thị trường tiêu thụ 100 triệu dân, Apple chọn Việt Nam là điểm đến sản xuất khi Chính phủ Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghệ cao, trong đó có cả những ưu đãi về thuế và giá thuê đất... Đặc biệt, Việt Nam đang thúc đẩy chiến lược sản xuất chip bán dẫn trong mối liên kết với tập đoàn công nghệ lớn của thế giới.

Đây cũng là sức hút Việt Nam đã tạo ra đối với nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu trong nhiều năm qua như Samsung, Intel, LG, Panasonic, Sony, Synopsys... Những khoản đầu tư từ các tập đoàn lớn này đã tạo ra những đột phá trong việc đưa Việt Nam có tên trên bản đồ sản xuất công nghệ toàn cầu. Kết quả là ngành điện tử của Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ khi chiếm tỷ trọng hơn 30% trong kim ngạch xuất khẩu, cao gấp đôi so với thập kỷ trước. Về mặt kinh tế, đây là động lực tăng trưởng quá tiềm năng mà không quốc gia nào có thể bỏ qua. Với Việt Nam, đây còn là cơ hội của mọi cơ hội khi đặt ra mục tiêu phát triển nền kinh tế số, tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, ngay sau chuyến thăm Việt Nam, Tim Cook cũng đã đến Indonesia và cũng có những trao đổi tương tự như với Việt Nam. Thậm chí, phía Indonesia tiết lộ mục đích của chuyến thăm là để khánh thành trung tâm Apple Academy (Học viện nhà phát triển Apple) ở Bali và không giấu ý định kêu gọi lãnh đạo của Apple thiết lập cơ sở sản xuất tại nước này.

Điều đó cho thấy, mọi thứ không dễ dàng đến với Việt Nam khi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ nhiều đối thủ trong khu vực. Cần phải nhìn vào thực tế, dù có mặt nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang phát triển mất cân đối, chủ yếu dựa vào mảng sản xuất điện thoại chiếm tới 70%; nhập khẩu tới 88% linh kiện điện thoại từ Trung Quốc...

Ngành công nghiệp điện tử, chế biến chế tạo Việt Nam thâm dụng lao động lớn do chủ yếu tập trung vào khâu hạ nguồn. Mới chỉ ở cuối “đồ thị nụ cười”, lao động Việt Nam còn xa các hoạt động có giá trị cao như thiết kế, R&D.

Trong khi đó, quy mô doanh nghiệp điện tử của Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, đặt ra thách thức cho ngành. Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (thuộc Bộ Công Thương), tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn khá thấp, đơn cử ngành điện tử chỉ từ 5-10%. Chưa kể, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đổ bộ của các công ty Trung Quốc với quy mô cực lớn. Họ hình thành các chuỗi sản xuất cụm chi tiết xuất sang Châu Âu, Bắc Mỹ để tránh hàng rào thuế quan của Mỹ khi đầu tư ở Việt Nam.

Vì thế, không nên vội mừng khi doanh nghiệp trong nước vẫn chỉ gia công, giá trị gia tăng trong sản phẩm chưa cao. Sau sự ồn ào và hào nhoáng của các CEO hàng đầu thì ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam vẫn phải nhìn ra những rào cản của mình. Đó là nhanh chóng vượt qua các hạn chế về nguồn nhân lực chưa theo kịp sự phát triển ngành điện tử, đặc biệt trong việc tiếp thu và chuyển giao công nghệ. Đó là cần kiểm soát về chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối và hỗ trợ từ các đối tác để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của họ. Bên cạnh đó, nhanh chóng thúc đẩy sản xuất xanh và phát triển bền vững cũng như tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng.

Đây là con đường dài phải đi trước khi Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng tân tiến trên thế giới.

Nguyễn Thanh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư