Kantar Worldpanel: Tiêu dùng vẫn chưa hồi phục

Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel vừa công bố báo cáo tiêu dùng nhanh quí 2-2013 với nhận định tiêu dùng vẫn chưa hồi phục khi thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vẫn tăng trưởng chậm ở cả thành thị và nông thôn.

Theo báo cáo này, tăng trưởng giá trị ở thành thị không tăng so với cùng kỳ năm trước trong khi ở nông thôn chỉ tăng rất nhẹ về khối lượng với 9% còn giá trị vẫn xoay quanh con số 11%.

Các sản phẩm sữa và thức uống đang dẫn đầu thị trường, trong khi thực phẩm đóng gói gần như không tăng trưởng ở khu vực nông thôn, và thậm chí là suy giảm 3% ở khu vực thành thị.

Tăng trưởng hàng tiêu dùng vẫn giẫm chân tại chỗ. Nguồn: Kantar Worldpanel.

Tăng trưởng hàng tiêu dùng vẫn giẫm chân tại chỗ.

Báo cáo ghi nhận tiệm tạp hóa vẫn giữ vững mức tăng trưởng tốt trong khi các kênh mua sắm chính đang tăng trưởng chậm lại.

Đáng chú ý, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi tiếp tục phát triển mạnh do nắm bắt được nhu cầu về sự tiện lợi của người thành thị cùng với việc khai trương thêm cửa hàng mới.

Trong suốt quí vừa qua, các chuyên gia của Kantar Worldpanel nhận thấy sự tăng trưởng ngoạn mục của mặt hàng thức uống lúa mạch vị sô-cô-la* ở thành thị và nước khoáng ở nông thôn.

Ở khu vực thành thị, thức uống lúa mạch vị sô-cô-la tăng trưởng 31% về mặt khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng 19% khối lượng tiêu thụ trung bình của mỗi hộ và thu hút được thêm 51.000 hộ tiêu dùng mới.

Ở nông thôn, mặt hàng tương ớt tăng trưởng 38%, thu hút thêm hơn 600.000 hộ tiêu dùng mới và tăng khối lượng tiêu dùng trung bình thêm 9% mỗi hộ.

Mức chi tiêu trùng bình cho FMCG của hộ gia đình. Nguồn: Kantar Worldpanel.

Mức chi tiêu trùng bình cho FMCG của hộ gia đình.

Quan sát của Kantar Worldpanel gần đây cho thấy tiêu dùng vẫn chưa hồi phục. Các nhóm thu nhập thấp ở cả thành thị và ở nông thôn là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất và thậm chí phải cắt giảm chi tiêu cho hàng FMCG trong quý vừa qua.

Tổng giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam David Anjoubault nhận định, trong điều kiện hiện nay, một chiến lược phân tầng hiệu quả đối với các nhóm thu nhập khác nhau sẽ giúp nhà sản xuất nắm bắt được cơ hội từ những sự dịch chuyển trong nhu cầu tiêu dùng.

“Các nhóm thu nhập thấp và trung bình sẽ tiếp tục tìm đến các sản phẩm giá tốt. Vì thế, việc điều chỉnh chiến lược cho phù hợp là cực kỳ quan trọng nhằm duy trì tăng trưởng ở phân khúc này. Trong khi đó, nhóm người tiêu dùng thu nhập cao sẽ vẫn tiếp tục là tầng lớp tiên phong trong các xu hướng tiêu dùng mới mà nổi bật nhất là hướng về sức khỏe, sự tiện lợi và các giá trị cao cấp hơn, đòi hỏi nhà sản xuất phải đón đầu những nhu cầu này với mức giá hợp lý”, ông Anjoubault nói.

Nguồn Dùng hàng Việt