Grab lần đầu tiên có lãi sau 10 năm

Grab lần đầu tiên có lãi sau 10 năm

Hãng tin Bloomberg cho hay thương hiệu Grab mới đây đã công bố mức lợi nhuận Ebitda (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) lần đầu tiên trong lịch sử, qua đó đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình thuyết phục nhà đầu tư về khả năng sinh lời của ứng dụng gọi xe này suốt 10 năm qua.

Sau khi Grab công bố Ebitda đạt 29 triệu USD trong quý III/2023, cổ phiếu của hãng đã tăng 3,1% trên sàn giao dịch New York, mức tăng mạnh nhất kể từ phiên 23/8/2023. Con số 29 triệu USD này cao hơn mức dự đoán 9,5 triệu USD trước đó của các chuyên gia.

Ứng dụng gọi xe Grab đã liên tục mở rộng thị phần tại Đông Nam Á kể từ khi sáng lập vào năm 2012, qua đó “đốt tiền” của nhà đầu tư và liên tục báo lỗ nhằm tung ra những gói ưu đãi hấp dẫn cho cả người dùng lẫn tài xế và tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ như Sea hay Goto.

Tuy nhiên, với việc nhà đầu tư đã dần mất kiên nhẫn khi doanh nghiệp này không hề báo lãi, Grab đã giảm tốc đà phát triển của mình nhằm tập trung cho lợi nhuận, đồng thời kiểm soát chi phí.

Vào tháng 6/2023, Grab cho biết đã sa thải hơn 1.000 lao động.

Chuyên gia phân tích Mark Mahaney của Evercore ISI nhận định Grab đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện tích cực và quý IV tới đây được kỳ vọng sẽ có kết quả tốt hơn nữa.

Doanh thu của Grab trong quý III/2023 chỉ tăng 61% lên 615 triệu USD, thấp hơn đà tăng 3 chữ số cùng kỳ năm ngoái do người tiêu dùng giảm chi tiêu trước tình hình lạm phát và lãi suất tăng cao. Hiện Grab vẫn lỗ sau thuế 99 triệu USD trong quý III/2023, thấp hơn so với khoản lỗ 342 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Dẫu vậy, tổng số người dùng hàng tháng ứng dụng Grab đã tăng lên mức cao kỷ lục 36 triệu USD, cho thấy vị thế của thương hiệu này tại Đông Nam Á. Đồng thời hãng cũng điều chỉnh nâng triển vọng doanh thu năm nay từ 2,1-2,3 tỷ USD lên 2,31-2,33 tỷ USD.

Hãng tin Bloomberg nhận định lợi nhuận Ebitda dù không thể so với lãi ròng nhưng đã là một bước tiến lớn của Grab trong việc cố gắng chứng tỏ cho nhà đầu tư thấy họ có thể kiếm tiền chứ không chỉ “đốt tiền”.

Lợi nhuận Ebitda dù không thể so với lãi ròng nhưng đã là một bước tiến lớn của Grab.

Dù Grab dẫn đầu thị phần gọi xe và giao đồ ăn ở Đông Nam Á nhưng thương hiệu này vẫn chưa có lợi nhuận khi còn phải “đốt tiền” cạnh tranh cùng các đối thủ như Goto ở Indonesia.

Giám đốc Tài chính Peter Oey của Grab cho biết hãng đang đặt mục tiêu có lợi nhuận vào cuối năm 2024 khi chỉ số GMV (Gross Merchandise Value – chỉ số đo lường tổng giá trị của hàng hóa đã bán trong một khoảng thời gian nhất định) sẽ hồi phục lại như thời kỳ trước đại dịch vào cuối năm nay.

Giá cổ phiếu của Grab, vốn từng được coi là startup nóng nhất Đông Nam Á, đã giảm 2/3 kể từ khi niêm yết lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm 2021. Dẫu vậy cổ phiếu này vẫn có được sự ổn định nhờ thu hẹp dần các khoản lỗ cùng kết quả kinh doanh khả quan hơn so với các đối thủ.

Băng Băng
Nguồn CafeBiz