Ông chủ người Việt đổi tên thị trấn ở Mỹ

Ngày 29-7, thị trấn Buford (bang Wyoming, Mỹ), do ông Phạm Đình Nguyên mua cách nay một năm, đã chính thức mở cửa trở lại.

Ông Nguyên, chủ nhân và là thị trưởng của thị trấn Buford, cho biết sẽ đổi tên thị trấn và thực hiện kế hoạch kinh doanh cà phê rang xay VN tại ngay thị trấn này. Ông Nguyên nói:

- Tôi hi vọng với việc tổ chức kinh doanh cà phê thương hiệu VN ngay tại thị trường Mỹ sẽ giúp quảng bá đến tận tay người tiêu dùng Mỹ sản phẩm cà phê Việt cũng như phong cách thưởng thức cà phê VN.

Chúng tôi đã bổ nhiệm ông Don Sammons - chủ cũ của thị trấn này - làm “đồng thị trưởng”, trực tiếp điều hành thị trấn. Sau ngày 3-9, cùng với sự kiện đổi tên, thị trấn sẽ phục vụ cà phê miễn phí khách đến tham quan.

* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kế hoạch này không?

- Tôi tận dụng cửa hàng tiện lợi rộng 200m2 tại thị trấn Buford để mở quán cà phê. Tại đây, tôi sẽ pha chế và bán trực tiếp hai nhóm sản phẩm là cà phê siêu sạch và thượng hạng, có trọng lượng 250-500 gam/gói, đảm bảo nguồn nguyên liệu sử dụng hạt cà phê đúng chuẩn, tuyệt đối không sử dụng các hóa chất độc hại tạo mùi, màu...


Ông Phạm Đình Nguyên tại cây xăng ở thị trấn do mình làm thị trưởng - Ảnh: CTV

Để có thể thực hiện dự án này, chúng tôi đã trải qua một quá trình làm việc và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, do việc đưa sản phẩm thực phẩm vào thị trường Mỹ là một chuyện “trần ai khoai củ”.

Chúng tôi phải đăng ký với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) các thông tin chi tiết về công ty và sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ. Rồi quá trình sản xuất, lưu kho, cho đến vận chuyển các sản phẩm đều phải được cung cấp cho FDA... Tuy nhiên đến nay, sau quá trình nỗ lực, chúng tôi đã hoàn tất việc đưa sản phẩm cà phê vào giới thiệu và kinh doanh tại thị trấn này đúng lịch trình.

* Thương hiệu cà phê dự kiến bán tại Buford là gì và ông có kế hoạch nào để quảng bá cho thương hiệu cà phê này?

- Tôi lấy thương hiệu cà phê là PhinDeli. Chữ “Phin” là từ đầu tiên trong phin cà phê, một vật dụng pha chế quen thuộc cho thức uống gần như là “quốc hồn quốc túy” của người dân VN. Còn Deli là viết tắt của chữ “delicious” - thơm ngon.

Để quảng bá cho thương hiệu cà phê này, nói thật tôi không có nhiều tiền để thực hiện theo cách truyền thống. Bởi chi phí quảng cáo ở Mỹ rất đắt. Một trang quảng cáo trên báo The Wall Street Journal là gần 500.000 USD. Còn những spot quảng cáo trên tivi thì tính bằng trăm ngàn USD.

Do đó, chúng tôi sẽ tạo ra một câu chuyện hay, hấp dẫn báo chí, Internet, đặc biệt là các mạng xã hội. Cụ thể, chúng tôi sẽ đổi tên Buford thành thị trấn cà phê PhinDeli. Lễ công bố đổi tên thị trấn sẽ được chính thức tổ chức tại Buford vào ngày 3-9.

Thông báo đổi tên này sẽ được cho in ngay trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra, để thu hút khách lái xe xuyên bang, chúng tôi cũng sẽ dựng các panô lớn dọc xa lộ từ Cheyenne (thủ phủ bang Wyoming) đi tới PhinDeli, thay cho Buford trước đây. Tôi hi vọng sự kiện này sẽ thu hút sự quan tâm của giới truyền thông, qua đó nhiều người sẽ biết và quan tâm đến thị trấn PhinDeli.

Tháng 4-2012, ông Phạm Đình Nguyên đã bỏ ra khoảng 900.000 USD để được sở hữu thị trấn Buford thông qua một cuộc bán đấu giá trực tiếp và trở thành thị trưởng của thị trấn này. Tại thời điểm đó, thị trấn Buford chỉ có một cư dân, với hạ tầng là một cửa hàng tiện lợi, một trạm xăng, một trạm điện thoại và khoảng 1.000-2.000 lượt người ghé qua mỗi ngày.

* Ông có tự tin sẽ thành công với một sản phẩm cà phê không mấy quen thuộc với người tiêu dùng Mỹ, chưa nói đến phong cách thưởng thức cà phê cũng khác nhau?

- Làm kinh doanh thì phải tính đường dài. Kinh doanh ở Mỹ phải tính bằng năm. Mọi thứ ở Mỹ như tôi nói rất đắt đỏ. Vì vậy, chúng tôi phải đi từng bước một. Đầu tiên, chúng tôi nhắm vào người Mỹ gốc Việt, những người ít nhiều cũng đã biết đến cà phê phin. Sau đó chúng tôi từng bước mở rộng sang những nhóm người khác.

Về phân phối, trước mắt PhinDeli sẽ tập trung bán hàng qua mạng thông qua trang thương mại điện tử Amazon. Đây là trang web bán hàng trực tuyến lớn nhất hiện nay tại Mỹ. Sau đó chúng tôi sẽ xúc tiến mạnh mẽ việc đưa hàng vào các chuỗi siêu thị. Cũng bắt đầu là những chuỗi của người châu Á ở bờ Tây và bờ Đông. Sau đó chúng tôi mới tính tiếp đến các chuỗi lớn như Wal-Mart, Cosco.

Tất nhiên mọi việc không đơn giản. Nhưng tôi sẵn sàng đi đến cùng để biến giấc mơ cà phê Việt trên đất Mỹ trở thành hiện thực. Tôi cảm thấy rất hào hứng bắt đầu cuộc hành trình mới. Hào hứng như lúc tôi mua thị trấn này vậy.

Nguồn Tuổi Trẻ Online