Định nghĩa lại "sáng tạo"

Khát vọng khởi nghiệp, gây dựng cho riêng mình một doanh nghiệp (DN) hiện diện ở hầu hết những người trẻ. Tuy nhiên, số người dám dấn thân khởi nghiệp chỉ chiếm rất ít và càng ít hơn là số người trẻ khởi nghiệp thành công. Đó là quy luật loại trừ tất yếu của thương trường, nhưng để vượt thoát những sàng lọc khắc nghiệt này cũng không khó. Ba câu chuyện của VNG, đơn vị được xem là điển hình của khởi nghiệp thành công, qua chia sẻ của ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty CP VNG, giúp người đọc hiểu hơn về những cách thức vượt chướng ngại vật của thương trường.

Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều thử thách, DN lớn cũng phải vật vã vượt khó thì điều kiện tiên quyết của việc khởi nghiệp là phải có óc sáng tạo. Theo quan điểm của rất nhiều người, trong cũng như ngoài ngành game ở Việt Nam, sáng tạo phải là tạo ra điều gì đó hoàn toàn mới, chưa từng có ở bất kỳ đâu. Quan điểm này có thể không sai nhưng nếu cứ áp dụng vào bối cảnh thương trường hiện nay thì e rằng quá cứng nhắc.

Định nghĩa lại sáng tạo

Ví dụ cụ thể nhất là thành công của Apple. Rõ ràng, iPhone không phải là chiếc điện thoại cảm ứng chạm đầu tiên trên thế giới, nhưng khi Apple đưa sản phẩm này đến tay người dùng, nó đã tạo nên một trào lưu và thói quen sử dụng hoàn toàn mới. Bên cạnh đó, Facebook cũng không phải là mạng xã hội đầu tiên. Những mạng xã hội đầu tiên đã chết từ 5 - 7 năm trước khi Facebook ra đời và thành công.


Điều này cho thấy, đã đến lúc chúng ta phải định nghĩa lại sáng tạo khi bước chân vào kinh doanh. Tôi nghĩ, sáng tạo đơn giản là phải tạo ra một sản phẩm, dịch vụ có đông người dùng và hữu dụng.

Bản thân VNG suốt hành trình 9 năm khởi nghiệp luôn hành động theo giá trị sáng tạo này. Chúng tôi cố gắng tạo ra sản phẩm, dịch vụ có đông người dùng và hữu dụng. Tất nhiên, phía sau triết lý này là cả một... kho thử thách.

Ngày triển khai Võ Lâm Truyền Kỳ, tôi còn nhớ thời điểm ký hợp đồng là 11/2004. Khi đó, VNG có tổng cộng 70.000USD trong tài khoản. Bên phía đối tác Trung Quốc yêu cầu chúng tôi trả liền 50.000USD cho hợp đồng này. Với 20.000USD còn lại, VNG đứng trước thử thách phải dùng số tiền ít ỏi này như thế nào để đưa game này ra thị trường, chính thức kinh doanh.

Sau khi ký được hợp đồng, về Việt Nam, mọi người rất hào hứng nhưng bước tiếp theo phải làm sao đây khi không ai trong chúng tôi lúc bấy giờ biết về game, phát triển game, điều hành game... Tất cả chỉ là... liều. Giải pháp của VNG lúc đó là viết email gửi KingSoft ngỏ lời với họ "sắp xếp một tuần để hai bên cùng chia sẻ về phát hành game".

Mười hai người, gần như toàn bộ thành viên của VNG, đã sang Trung Quốc một tuần. Chúng tôi học mọi thứ, tất cả những gì có thể học, để phát hành, vận hành, tiếp thị, thậm chí cả học làm website...

Đến mức đội ngũ VNG đã xin ra từng tiệm internet ở Trung Quốc để xem cách bán thẻ game ở đó như thế nào. Ngay sau khi được chia sẻ kinh nghiệm, những bước VNG làm tiếp theo đã đóng góp lớn vào thành công của VNG sau này.

Một bài học rất lớn và giá trị với VNG khi đó là: Cái gì không biết thì phải học. Phải kiên nhẫn, kiên trì... Bài học ấy vẫn đi cùng chúng tôi đến tận bây giờ.

Và thất bại khó lường

Sáng tạo đơn giản là phải tạo ra một sản phẩm, dịch vụ có đông người dùng và hữu dụng.

Thừa thắng xông lên, VNG tự tin với dự án đưa game thuần Việt ra thị trường. Đó là kết quả sau một buổi họp, mọi người muốn làm một game với gần 50 tính năng, tổng hợp từ khắp nơi và các game từng chơi mà họ thấy hay. Và VNG đã mất 3 năm rưỡi để thiết kế, đồ họa... cho game này.

Kết quả sản phẩm không thành công. Câu trả lời cho thất bại này là "game không hay". Chúng tôi đã nghĩ mình chỉ cần dùng một cái lõi nào đó của đối tác rồi sáng tạo thêm là đủ và chính tư tưởng đó là giới hạn rất lớn.

Sau 2 năm rưỡi thì game chính thức đóng cửa. VNG rút ra được thêm một bài học, làm một sản phẩm phải lựa chọn độ khó và phong cách của sản phẩm sao cho phù hợp với khả năng của DN.

Nhưng, làm thế nào để khai thác tốt nhất khả năng của DN? Tôi nghĩ, nếu khả năng mình đạt mức 100, thì hãy làm 110 hay 120 thôi, đừng làm đến mức 200 hay 300 là được.

Đó là quá trình cố gắng liên tục đẩy năng lực của mình từ 100 lên 120, 150, và cứ như vậy tiếp diễn. Điều cần nhất là các bạn trẻ phải xác định được cái ngưỡng của mình ở đâu.

Trong ngành game nói riêng cũng như rất nhiều ngành nghề khác, không có gì bù lại kỹ năng và kinh nghiệm. Để có được hai yếu tố này, phải có một quá trình miệt mài phấn đấu. VNG đề cao tinh thần của những người kiên trì, đó là điều quan trọng để có cơ hội thành công sau này.

Chúng tôi tự hào về sản phẩm Zalo của mình khi vượt mức 1 triệu người dùng mỗi ngày. Nhưng để có được thành công như vậy, không ai biết đội ngũ làm nên Zalo đã trải qua biết bao nhiêu thất bại.

Chúng tôi thử nghiệm rất nhiều mô hình khác nhau, từ Youbanbe, Zing love, Zing city..., tất cả đều thất bại. Nhưng từ thất bại này đã cho Zalo rất nhiều bài học "xương máu". Tôi tin, khi đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, những yếu tố khác để đạt đến thành công chỉ là phụ.

Từ ba câu chuyện thành, bại của VNG, tôi nghĩ, giới trẻ khát khao lập nghiệp hãy cứ mạnh dạn dấn thân, cho dù bối cảnh kinh tế hiện nay không mấy sáng sủa. Nhưng nên nhớ, phải lựa chọn lĩnh vực phù hợp với khả năng và cố gắng quá sức mình một chút.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn