Mỗi người Việt chi tiêu 2,8 triệu đồng/tháng

Mỗi người Việt chi tiêu 2,8 triệu đồng/tháng

Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 vừa công bố, cho thấy, dưới tác động của dịch COVID-19 các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các hộ sống ở khu vực thành thị.

Cụ thể, báo cáo cho biết, năm 2022 chi tiêu bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 2,8 triệu đồng, giảm 3,3 điểm % so với 2020. “Có thể thấy dưới tác động của dịch COVID-19 các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các hộ sống ở khu vực thành thị”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Năm 2022 chi tiêu bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 2,8 triệu đồng, giảm 3,3 điểm % so với 2020.
Nguồn: Hires

Chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở thành thị là 3,3 triệu đồng (giảm 13,6 điểm % so với năm 2020), ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7 điểm % so với năm 2020). Năm 2022, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp chủ yếu do giảm chi tiêu của người dân sống ở thành thị.

Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2022 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 95,5% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,3 triệu đồng và không phải ăn uống là 1,4 triệu đồng.

Sự bất bình đẳng trong chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất (nhóm 5) và nhóm nghèo nhất (nhóm 1) là 3,2 lần năm 2022, với chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 gần 4,1 triệu đồng so với gần 1,3 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1. Điểm nổi bật là chênh lệch giữa 2 nhóm giàu nhất và nghèo nhất năm 2022 có phần được cải thiện so với năm 2020 (chênh lệch năm 2020 là 5,7 lần) trong đó chủ yếu là do chi tiêu đời sống của nhóm giàu nhất giảm mạnh (5,7 triệu năm 2020 giảm còn 4,1 triệu năm 2022).

Tiêu dùng gạo và lương thực quy gạo tiếp tục giảm năm 2022, lượng gạo tiêu thụ bình quân một người một tháng giảm còn 6,9 kg, giảm 0,7 kg so với năm 2020. Thói quen ăn uống cho thấy các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình thành thị (7,7 so với 5,7 kg/người/tháng). Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm giàu nhất (7,8 so với 6,1 kg/người/tháng).

Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình.
Nguồn: Dy Khoa

Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng qua các năm, từ 2,3 kg/người/tháng năm 2020 lên 2,6 kg/người/tháng năm 2022. Tiêu thụ rau xanh tăng từ 1,7 kg/người/tháng năm 2020 lên 1,9 kg/người/tháng năm 2022.

Lượng tiêu thụ rượu bia, đồ uống khác (nước có ga, nước ngọt…) có dấu hiệu giảm trong năm 2022; rượu bia giảm từ 1,3 lít/người/tháng năm 2020 xuống 1,2 lít năm 2022 và đồ uống khác giảm từ 2,3 lít/người/tháng năm 2020 xuống 2,1 lít năm 2022.

Chi tiêu bình quân 1 người 1 tháng chia theo thành thị, nông thôn thôn từ năm 2012-2022.
Nguồn: GSO

Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 là cuộc điều tra chọn mẫu nhằm thu thập thông tin, tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về mức sống hộ dân cư để đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê trong việc đánh giá thực trạng đời sống của dân cư; đo lường nghèo và phân hóa giàu nghèo trong cộng đồng dân cư phục vụ hoạch định chính sách, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội.

Khảo sát được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng thông tin về chi tiêu chỉ đại diện đến cấp toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn và 6 vùng địa lý.

Các thông tin được thu thập trong khảo sát gồm: thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh, tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, tình hình đời sống của hộ và một số đặc điểm của xã.

Dy Khoa
Nguồn CafeBiz