Từ vụ Parkson xin phá sản: Trung tâm thương mại kiểu cũ gặp khó

Từ vụ Parkson xin phá sản: Trung tâm thương mại kiểu cũ gặp khó

Các trung tâm thương mại kiểu cũ sẽ dần bị đào thải nếu không tự chuyển mình bắt kịp xu hướng.

Ngày 5/5, một tuần sau khi Công ty Parkson Retail Asia (Singapore) thông báo Chi nhánh Parkson Việt Nam đã bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện từ ngày 28/4, Trung tâm Thương mại (TTTM) Parkson Saigontourist Plaza (quận 1, TP.HCM) – khu mua sắm cuối cùng của thương hiệu này tại Việt Nam – vẫn mở cửa hoạt động nhưng chỉ lác đác khách tham quan, mua sắm ở khu vực gian hàng của 2 thương hiệu thời trang UNIQLO và Muji.

Cuộc đào thải tất yếu

Những khu còn lại bán mỹ phẩm, nước hoa, giày dép, tinh dầu… ở TTTM này hầu như không có khách dù đang treo bảng giảm giá 10%, 30% hoặc mua 1 tặng 1. Một số khách tò mò hỏi nhân viên các quầy chừng nào TTTM đóng cửa? Nhãn hàng có kế hoạch giảm giá để trả mặt bằng không?… Tất cả nhân viên, đại diện các gian hàng đều nói việc kinh doanh vẫn diễn ra bình thường và chưa nhận được thông báo nào liên quan việc dừng kinh doanh.

Tọa lạc vị trí đắc địa ở trung tâm TP.HCM, Parkson Saigontourist Plaza từng là địa chỉ mua sắm hàng hiệu hàng đầu tại thành phố từ những năm 2005. Hiện nơi đây quy tụ khoảng 20 thương hiệu lớn trong và ngoài nước như: UNIQLO, Muji, Kohnan Japan, Versace, Cross, Pucini, Ohui, Joven...

Tọa lạc vị trí đắc địa ở trung tâm TP.HCM, Parkson Saigontourist Plaza từng là địa chỉ mua sắm hàng hiệu hàng đầu tại thành phố từ những năm 2005.
Nguồn: Zing News

Quan sát tại TP.HCM, bên cạnh Parkson, một số TTTM đình đám một thời như Bitexco, Diamond Plaza, Now Zone… cũng không còn nhộn nhịp như nhiều năm trước. Điển hình như TTTM Bitexco, từ mấy tháng nay đã vắng bóng khách thuê lẫn khách mua sắm, nhiều gian hàng cửa đóng then cài. Phía Bitexco giải thích khách vắng là do phải tạm dừng hoạt động một phần khu TTTM để cải tạo, nâng cấp nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng trong thời gian tới.

Các gian hàng ở TTTM Diamond Plaza cũng thường xuyên rơi vào cảnh ngóng khách, bên trong các gian hàng thay phiên nhau khuyến mãi, giảm giá nhưng cũng không đủ sức lôi kéo khách, tìm lại thời hoàng kim đã qua.

Theo giới quan sát, việc Parkson tuyên bố phá sản là “cái chết được biết trước” bởi thương hiệu bán lẻ đến từ Malaysia này đã gặp khó khăn triền miên trong gần 10 năm nay.

Theo các chuyên gia bán lẻ, tình trạng ế ẩm, thậm chí là thua lỗ của một số TTTM có tuổi đời trên 10 năm tại TP.HCM một mặt do ảnh hưởng bởi khó khăn chung của thị trường, mặt khác là biểu hiện của quá trình đào thải tự nhiên. Mô hình TTTM cũ không còn phù hợp với nhu cầu nên dần khó tồn tại. Đơn cử, TTTM Bitexco mất sức hút vì mô hình đã cũ, diện tích nhỏ, không xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu rõ ràng.

Tương tự, Parkson chỉ vận hành một trung tâm mua sắm, tập trung các thương hiệu thời trang, làm đẹp, ngoài ra không có bất kỳ tiện ích nào khác. Cũng những thương hiệu này, khách hàng dễ dàng tìm thấy ở các TTTM kiểu mới, ở đó có cả dịch vụ ăn uống, giải trí (khu trò chơi điện tử, rạp chiếu phim), siêu thị tổng hợp để khách có thể vừa mua sắm vừa trải nghiệm vui chơi – giải trí, ăn uống ngoài gia đình.

Một số TTTM đình đám một thời như Diamond Plaza cũng không còn nhộn nhịp như nhiều năm trước.
Nguồn: Kênh Z

Mô hình bán lẻ mới lên ngôi

Giám đốc Marketing một hệ thống bán lẻ lớn phân tích người tiêu dùng có xu hướng chọn những nơi có sự đa dạng hơn cả về sản phẩm và dịch vụ theo mô hình “one stop shopping” – tất cả trong 1 – tức là khách hàng có thể trải nghiệm đa tiện ích chỉ tại một TTTM.

“Trong TTTM kiểu mới này, nhà bán lẻ phải vận hành một siêu thị của riêng mình để phục vụ nhu cầu khách hàng, cân đối nguồn thu. Đặc biệt, phải có chiến lược kéo khách trên cơ sở tiếp nhận khách hàng đúng, khách thuê đa dạng, bán hàng đa kênh”, vị Giám đốc này nêu.

Ông dẫn chứng các TTTM thường phải cho rạp phim thuê mặt bằng với giá rẻ hơn nhiều lần so với giá cho các thương hiệu thuộc ngành hàng khác thuê nhằm kéo khách. Hay như một chuỗi siêu thị tổng hợp chỉ chuyên bán sỉ và lẻ hàng hóa gần đây đã tích cực cho các thương hiệu thức ăn nhanh, nước uống… thuê mặt bằng với giá rẻ nhằm gia tăng dịch vụ, tiện ích cho khách hàng. Bên cạnh đó, TTTM còn đẩy mạnh tích hợp kênh thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới.

TTTM đẩy mạnh tích hợp kênh thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới.
Nguồn: Hà Nội mới

Còn theo công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL), hiện Việt Nam vẫn khan hiếm các TTTM chất lượng, phát triển bài bản với danh mục khách thuê phù hợp với khách hàng mục tiêu trong khu vực và có quy mô lớn (tạm gọi là TTTM kiểu mới – PV), đặc biệt là ở khu vực trung tâm thành phố. Khảo sát của JLL tại 13 TTTM kiểu mới trong tổng số khoảng 80 TTTM đang hoạt động tại TP.HCM cho thấy tỉ lệ lấp đầy lên đến 92%, trong khi các TTTM thông thường chỉ đạt khoảng 60%.

TS Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và truyền thông quốc tế, chỉ ra rằng thị trường bán lẻ Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ, doanh nghiệp (DN) buộc phải thay đổi và thích ứng để tồn tại, phát triển. Sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng có sự thay đổi trong nhu cầu mua sắm, vì vậy các DN bán lẻ cần đa dạng hóa và thay đổi cách kinh doanh.

Tính đa dạng, tiện ích của các TTTM ngày càng đóng vai trò quan trọng. Thị trường bán lẻ Việt Nam ước đạt 350 tỉ USD vào năm 2025. “Thất bại của Parkson ở mặt tích cực là đang tạo cơ hội cho những nhà bán lẻ khác. Trong cuộc đua này, DN bán lẻ trong nước cần chuyển mình nhanh và mạnh hơn nữa”, ông Sơn bày tỏ.

Tính đa dạng, tiện ích của các TTTM ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Nguồn: Vạn Hạnh Mall

Nhiều “ông lớn” tiếp tục rót vốn

Theo kết quả khảo sát các DN ngành bán lẻ do Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện mới đây, cả nước có trên 53,8% số DN bán lẻ báo cáo đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này vẫn rất lớn.

Tính từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư lớn tiếp tục rót vốn, mở thêm TTTM tại Việt Nam. Điển hình là tháng 2/2023, AEON Việt Nam đã khởi công dự án AEON Mall Huế có quy mô lớn nhất miền Trung với diện tích 8,62 ha, tổng vốn đầu tư hơn 169 triệu USD. Cũng trong tháng 2, Central Retail Corporation của Thái Lan tuyên bố đầu tư thêm 1,45 tỉ USD vào Việt Nam trong 5 năm tới. Một nhà bán lẻ khác từ Thái Lan là MM Mega Market cũng đang ráo riết tìm mặt bằng khoảng 20 ha để mở TTTM mới.

Trong nước, Tập đoàn THACO của tỉ phú Trần Bá Dương công bố mục tiêu từ nay đến năm 2026, mở hệ thống TTTM Thiso Mall trải dài từ Bắc tới Nam. Trước đó, cuối năm 2022, TTTM Thiso Mall đầu tiên của tập đoàn này đã đi vào hoạt động tại khu đô thị Sala (TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Thanh Nhân
Nguồn CafeBiz