Người Thái thèm bán lẻ

Người Thái thèm bán lẻ

Có nhiều yếu tố đang thúc đẩy các nhà đầu tư Thái Lan ráo riết rót vốn vào thị trường bán lẻ Việt Nam nhanh hơn.

Khoản đầu tư mới trị giá 1,45 tỉ USD của Central Retail Corporation (CRC) mới công bố thu hút nhiều sự quan tâm của thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Đây là số tiền đầu tư lớn nhất từ trước đến nay mà đại gia bán lẻ Thái này công bố vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, nỗi lo về sức mạnh của hàng hóa Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam vẫn thường trực đối với các nhà bán lẻ trong nước.

Nỗi lo về sức mạnh của hàng hóa Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam vẫn thường trực đối với các nhà bán lẻ trong nước.
Nguồn: Quý Hoà

Hoàn thiện “hệ sinh thái Thái Lan”

Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Central Retail Việt Nam, cho biết đây là khoản đầu tư trong giai đoạn 2023-2027 nhằm tăng tốc sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Trong 5 năm tới, công ty này dự kiến tăng gấp đôi số lượng đại siêu thị tại Việt Nam lên hơn 70 cùng với việc mở rộng kinh doanh trung tâm thương mại, bán hàng đa kênh...

Tham vọng của CRC nằm trong xu hướng mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan tại khu vực. Tại Việt Nam, tính riêng năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký của Thái Lan đầu tư vào Việt Nam đạt 198 triệu USD, đứng thứ 13 trên tổng số 108 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022 và đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Singapore).

Trong khu vực, thị trường bán lẻ Việt Nam có sức hút mạnh mẽ đối với các đại gia Thái Lan. Trước khi tăng tốc đầu tư, Central Group thành công mua lại chuỗi Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp) với giá trị thương vụ hơn 1 tỉ USD. Hay cuối năm 2017, ThaiBev của Thái Lan đã chi 5 tỉ USD để mua lại 53,59% cổ phần Sabeco, gián tiếp chi phối hơn 1/3 thị trường bia Việt Nam. TCC Group chi ra 655 triệu Euro, tương đương 704 triệu USD để thâu tóm chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam (nay đổi tên thành MM Mega Market)...

Riêng CRC ghi nhận tăng trưởng nhảy vọt tại thị trường Việt Nam, đạt doanh thu gần 38,6 tỉ Baht (hơn 25.000 tỉ đồng) trong vòng 10 năm qua, chiếm 22% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn. Việt Nam là thị trường ngoài Thái Lan mang lại doanh thu lớn nhất cho Tập đoàn. Doanh nghiệp này ráo riết tăng giải ngân đầu tư trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam đang hồi phục sau đại dịch.

Ngay thời điểm người Thái công bố đầu tư mới, nhà bán lẻ Nhật AEON đã động thổ xây dựng trung tâm thương mại tại Huế với vốn đầu tư gần 170 triệu USD sau khi ra mắt siêu thị AEON MaxValu với diện tích 300-500 m2, nằm trong các khu dân cư. Ông Iwamura Yasutsugu, Chủ tịch AEON Mall Nhật, cho biết trong thời gian tới, AEON Mall Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển trung tâm thương mại ở khu vực miền Trung bên cạnh khu vực miền Bắc và miền Nam.

Ông lớn bán lẻ Lotte của Hàn Quốc, vốn có thế mạnh trong việc vận hành các trung tâm mua sắm đô thị lớn, cũng có kế hoạch mở thêm Lotte Mart tại Việt Nam. Tại TP.HCM, tập đoàn này dự kiến xây dựng một khu phức hợp lớn mang tên Eco Smart City. Trong khi đó, tại quận Tây Hồ, Hà Nội, Lotte dự kiến hoàn thành việc xây dựng Lotte Mall Hà Nội vào năm 2023.

Với nhu cầu thuê ngày càng tăng, giữa lúc số lượng trung tâm thương mại chất lượng cao hạn chế, giá thuê tại đây khả năng tiếp tục tăng.
Nguồn: Quý Hòa

Trước tốc độ mở rộng này, nhiều nhà bán lẻ trong nước thể hiện sự dè dặt khi mức độ cạnh tranh trong thị trường bán lẻ ngày càng gay gắt hơn, mặc dù doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm khoảng 70-80% số điểm bán trên cả nước với hàng ngàn điểm bán như WinMart, Co.opmart, Bách Hóa Xanh... Tính ra hệ thống bán lẻ của Việt Nam cộng vào thì diện tích đã lên tới hàng triệu mét vuông và hơn gấp 2 lần so với các hệ thống phân phối có hiện diện vốn đầu tư nước ngoài.

So với các doanh nghiệp từ Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, các tập đoàn Thái Lan được đánh giá có một số ưu thế hơn do vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa. Trong hơn 10 năm qua, các doanh nghiệp Thái Lan ngày càng khẳng định vị trí tại thị trường Việt Nam, thông qua những thương vụ thâu tóm các công ty lớn của Việt Nam trong lĩnh vực tiêu dùng, năng lượng, bao bì, nông nghiệp... Có thể thấy hướng đi của các đại gia Thái Lan là tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh để đưa các thương hiệu lớn của nước này vào thị trường Việt Nam, hoàn thiện chuỗi cung ứng ở Việt Nam gồm sản xuất, phân phối, bán buôn và bán lẻ.

Tâm điểm tại trung tâm thương mại

Theo dự đoán của CRC, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt lần lượt 6,7% và 7,2% vào năm 2023 và 2024, so với mức trung bình 3,5%/năm của Thái Lan trong 2 năm tới. Các yếu tố kinh tế vĩ mô như bất ổn chính trị, nhu cầu trong nước bão hòa, chính sách xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài ráo riết hơn của chính phủ và đồng baht quá mạnh có thể khiến các tập đoàn Thái Lan đẩy vốn vào Việt Nam nhanh hơn.

Thực tế, theo báo cáo của Euromonitor, CRC đã trở thành nhà bán lẻ chiếm thị phần cao nhất trong mảng đại siêu thị với thương hiệu Tops Market (trên 62% thị phần), đồng thời đang nhắm tới tham vọng dẫn đầu trong phân khúc trung tâm thương mại vào năm 2027. Năm 2022 CRC đã mở thêm loạt trung tâm thương mại GO! mới ở Lào Cai, Quy Nhơn, Thái Bình và nhắm đến Đồng Tháp, Bạc Liêu trong năm 2023.

GO! là mô hình trung tâm thương mại, bên trong đó sở hữu các đại siêu thị GO!. Ở mảng này, Central Retail xác định đối thủ cạnh tranh chính là Vincom Retail và AEON. Năm 2022 Vincom Retail là chủ đầu tư duy nhất mở mới 3 trung tâm thương mại bao gồm Vincom Mega Mall Smart City, Vincom Plaza Mỹ Tho, Vincom Plaza Trần Huỳnh, Bạc Liêu, nâng tổng số trung tâm thương mại sở hữu và quản lý lên 83 điểm, hiện diện tại 44 tỉnh, thành phố. Với doanh thu thuần hơn 7.300 tỉ đồng năm 2022, tăng 24% so với năm 2021, Vincom Retail đã thu về khoản lãi ròng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên hơn 2.700 tỉ đồng.

Hiện nay, các trung tâm thương mại của Vincom Retail đang là mặt bằng của chuỗi siêu thị WinMart do Masan vận hành. Việc nhanh chóng mở rộng các đại siêu thị GO! cho thấy người Thái khao khát muốn sở hữu càng nhiều trung tâm thương mại càng tốt để tạo ưu thế trong mảng đại siêu thị, trong khi các đối thủ bán lẻ nội địa có ưu thế về cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn.

Mô hình bán lẻ tại trung tâm thương mại sẽ tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, cung cấp các dịch vụ tốt hơn và đa dạng phương thức bán hàng. Thực tế, mô hình này vẫn được các nhà bán lẻ phát triển dù phải đầu tư lớn.

Theo bà Trang Đỗ, Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ Colliers (Việt Nam), miếng bánh thị phần trung tâm thương mại ngày càng hấp dẫn nhưng khốc liệt hơn khi một số thương hiệu bán lẻ đến từ Nga, Mỹ, châu Âu cũng nôn nóng có mặt tại Việt Nam. “Chúng tôi đã có dịp trao đổi với đại diện các thương hiệu này và họ rất quan tâm đến thị trường bán lẻ trong nước. Khó khăn lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài là tìm kiếm mặt bằng và theo đuổi thủ tục pháp lý”, bà Trang Đỗ cho biết.

Theo đánh giá của ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Savills, thị trường Việt Nam đang có lợi thế để bật cao hơn so với những thị trường lớn trong Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan.

Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng quốc tế đều đã có mặt tại những thị trường này. Từ các hãng bình dân như H&M, Zara đến những nhãn hàng cao cấp như Louis Vuitton, Dior đều đã có 5-6 cửa hàng tại Singapore và Bangkok. Trong khi đó, các thương hiệu này chỉ mới mở khoảng 1-2 cửa hàng tại các thành phố lớn của Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho các nhãn hãng, thương hiệu đến Việt Nam và mở rộng thị trường.

Hiện nay, tổng nguồn cung bán lẻ đang hoạt động ở TP.HCM đạt 1,052 triệu m2, dự kiến có 4 dự án trung tâm thương mại sẽ ra mắt vào năm 2023 là Central Premium Plaza, Vincom Mega Mall Grand Park, Sunrise City Central và Emart 2, đóng góp hơn 116.000 m2 diện tích bán lẻ mới.

Hiện nay, tổng nguồn cung bán lẻ đang hoạt động ở TP.HCM đạt 1,052 triệu m2, và dự kiến có 4 dự án trung tâm thương mại sẽ ra mắt vào năm 2023.
Nguồn: Resviet

Báo cáo của JLL nhận định, nhìn chung Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng thu hút các thương hiệu bán lẻ quốc tế với gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia có tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh. Thị trường bán lẻ Việt Nam ước tính trị giá 49,7 tỉ USD mỗi năm và đang tăng trưởng với tốc độ 10-12%/năm.

Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đạt 5,2 triệu tỉ đồng doanh thu, tương ứng với mức tăng trên 20,5% về chỉ số tăng trưởng so với cùng kỳ. Sức hút không chỉ từ nhu cầu mua sắm nội địa mà còn từ việc hoạt động du lịch sôi nổi trở lại sau đại dịch với lượng du khách quốc tế gia tăng, tác động đến hoạt động bán lẻ, tiêu dùng của thị trường.

Với nhu cầu thuê ngày càng tăng, giữa lúc số lượng trung tâm thương mại chất lượng cao hạn chế, giá thuê tại đây khả năng tiếp tục tăng. “Dự kiến đến cuối năm 2023, các trung tâm thương mại được cải tạo ở khu vực trung tâm sẽ tăng giá thuê thêm 21,1% so với cuối năm 2021. Đồng thời, khu vực ngoài trung tâm cũng sẽ có giá thuê tăng cao do nhu cầu của các khách thuê F&B và thời trang nhanh quốc tế”, bà Trang Đỗ nói.

“Nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng bất chấp các tín hiệu không chắc chắn của thế giới. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á”, ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Central Retail Việt Nam, nói với The Bangkok Post khi công bố khoản đầu tư 1,45 tỉ USD vào Việt Nam.

Minh Đức
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư