Con đường nào đưa Toshiba từ biểu tượng về thiết bị điện tử đến quyết định “bán mình”?

Con đường nào đưa Toshiba từ biểu tượng về thiết bị điện tử đến quyết định “bán mình”?

Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên toàn thế giới, cái tên Toshiba là sự đảm bảo cho chất lượng của những sản phẩm điện máy. Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi.

Theo hãng tin Bloomberg, tập đoàn công nghệ điện tử Toshiba của Nhật Bản đã đồng ý thỏa thuận bán mình với giá khoảng 2 nghìn tỷ Yên, tương đương 15,3 tỷ USD từ hãng Japan Industrial Partners (JIP).

Toshiba đã trải qua nhiều năm “rắc rối” và mất nhiều năm mới đi đến thỏa thuận bán mình này là do đại diện chính phủ Nhật Bản muốn giữ những công nghệ nhạy cảm khỏi nước ngoài trong khi các nhà đầu tư, cổ đông quốc tế của hãng lại chỉ muốn gia tăng lợi nhuận, qua đó dẫn đến những mâu thuẫn về việc xác định người mua phù hợp.

Toshiba – Tập đoàn khổng lồ sản xuất từ điện máy cho đến năng lượng hạt nhân

Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên toàn thế giới, cái tên Toshiba là sự đảm bảo cho chất lượng của những sản phẩm điện máy. Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi trên thế giới với chất lượng và độ bền bỉ của những cỗ máy được họ chế tạo.

Song với quá nhiều vấn đề trong việc lựa chọn phương hướng phát triển cho tập đoàn mà mới đây nhất, Toshiba cũng đã phải bán mình để tiếp tục tồn tại.

Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi trên thế giới.

Nhắc đến Toshiba là nói tới một tập đoàn khổng lồ của Nhật Bản hoạt động đa ngành nghề, trong đó có Năng lượng (bao gồm xây dựng cả các nhà máy điện hạt nhân), cơ sở hạ tầng, bán lẻ, thiết bị điện tử…

Đã từng có thời điểm, Toshiba là nhà sản xuất máy tính cá nhân và các đồ gia dụng điện tử, thiết bị y tế lớn nhất thế giới, đồng thời cũng nằm trong Top 10 công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới cho tới trước khi tách riêng bộ phận này thành công ty riêng biệt.

Bên cạnh những nhà máy sản xuất, Toshiba cũng có bộ phận R&D hùng hậu trên toàn thế giới, sở hữu 44.600 bằng sáng chế theo lĩnh vực kinh doanh. Nhờ đó, Toshiba đã từng có hàng loạt sáng chế tiên phong tại Nhật Bản như tủ lạnh và máy giặt chạy điện, TV màu cũng như bộ xử lý văn bản đầu tiên tại nước này.

Chính vì lẽ đó mà cái tên Toshiba được coi là biểu tượng về công nghệ của xứ sở mặt trời mọc trong rất nhiều năm qua.

Những sai sót bị đưa ra ánh sáng

Tuy nhiên, vấn đề của Toshiba đã tồn tại trong nhiều năm và bắt đầu bị đưa ra ánh sáng từ năm 2015, khi những sai sót lớn về mặt kế toán đã thổi phồng lợi nhuận trước thuế của tập đoàn tới 230 tỷ Yên (1,8 tỷ USD) trong vòng 7 năm.

Đồng thời cũng trong năm này, Toshiba cho thấy việc hoạt động kém hiệu quả ở các mảng TV, thiết bị gia dụng và máy tính cá nhân khi ghi nhận một khoản lỗ ròng khoảng 12,3 tỷ Yên Nhật (102 triệu USD) trong quý III.

Mảng kinh doanh TV của Toshiba dừng sản xuất cho tập đoàn mà chỉ gia công cho các đối tác, trong khi bộ phận cảm biến hình ảnh được bán lại cho Sony. Giá cổ phiếu Toshiba giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm, cho thấy sự đi xuống đáng kể của tập đoàn sau nhiều năm hoạt động.

Cuối năm 2016, Toshiba tiếp tục chịu một cú shock mới khi công ty con Westinghouse Electric đầu tư thất bại vào một doanh nghiệp xây dựng nhà máy điện hạt nhân, khiến tập đoàn chịu khoản lỗ hàng tỷ USD. Không lâu sau đó, Westinghouse tuyên bố phá sản và để lại khoản nợ khoảng 6 tỷ USD cho Toshiba, đẩy tập đoàn tới bờ vực phá sản.

Vì lẽ đó mà họ buộc phải bán mảng kinh doanh chip chiến lược cho một số doanh nghiệp được dẫn đầu bởi Bain Capital với giá 18 tỷ USD, mặc dù vẫn duy trì lượng lớn cổ phần tại đây.

Năm 2018, Toshiba tiếp tục bán 80,1% bộ phận giải pháp khách hàng (sau này là 100%) cho Sharp với giá 36 triệu USD và được đổi tên thành Dynabook.

Những rắc rối vẫn tiếp tục đeo đuổi Toshiba khi năm 2021, họ bị cáo buộc về việc thông đồng với Bộ thương mại Nhật Bản nhằm ngăn những nhà đầu tư nước ngoài nâng cao tầm ảnh hưởng trong cuộc họp giữa các cổ đông.

Hàng loạt vấn đề lớn, từ bê bối kế toán đến việc công ty con thua lỗ đã khiến uy tín của Toshiba giảm mạnh.
Nguồn: Wall Street Journal

Tư nhân hóa sau 150 năm hoạt động, hủy niêm yết cổ phiếu

Nhằm duy trì việc hoạt động, Toshiba đã tuyên bố sẽ tách thành 3 công ty, gồm một năng lượng, một cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực còn lại. Kế hoạch này nhanh chóng được sửa đổi khi Toshiba sẽ chỉ được tách ra làm 2 công ty riêng biệt, thay vì 3 như ban đầu.

Song kế hoạch này cũng bị phản đối và bác bỏ bởi các cổ đông của công ty vào cuộc họp bất thường tháng 3/2022. Do đó, Toshiba đã khởi động kế hoạch bán lại tập đoàn từ năm ngoái thông qua đấu giá, và nhận được 8 đề xuất mua lại cũng như 2 đề nghị liên doanh vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Sau nhiều năm biến động, vào tháng 3 năm nay, thông tin ban đầu, Toshiba đã chấp nhận bán mình cho một nhóm công ty cổ phần tư nhân do Japan Industrial Partners dẫn đầu với cái giá 15,3 tỷ USD, đưa định giá công ty vào khoảng 2.000 tỷ Yên Nhật hay 4.620 Yên/cổ phiếu, cao hơn 9,7% so với giá đóng cửa hôm thứ Năm vừa qua.

Như vậy sau gần 150 năm hoạt động, Toshiba đã được tư nhân hóa và nằm trong sự kiểm soát của các cổ đông trong nước, sau rất nhiều tai tiếng với những nhà đầu tư nước ngoài. Cổ phiếu của họ cũng sẽ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo sau rất nhiều năm có mặt tại đây.

Toshiba đã chấp nhận bán mình cho một nhóm công ty cổ phần tư nhân do Japan Industrial Partners dẫn đầu với cái giá 15,3 tỷ USD.

Như vậy, trang lịch sử hào hùng của Toshiba dưới tư cách là một tập đoàn độc lập đã được khép lại; giờ đây, họ sẽ chịu sự quản lý của nhóm công ty mua lại. Với hàng loạt scandals trong 10 năm trở lại đây cùng việc kinh doanh thiếu hiệu quả, nhóm chủ sở hữu mới được kỳ vọng sẽ vực dậy lại tên tuổi nổi tiếng một thời ở Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực này và kỳ vọng trong tương lai, họ sẽ lấy lại được phần nào vị thế của mình trên thế giới.

Tiến Đạt
Nguồn CafeBiz