Spotify và nghệ thuật phân tích dữ liệu

Spotify và nghệ thuật phân tích dữ liệu

Nền tảng phát nhạc trực tuyến Spotify hiện đang dẫn đầu thị trường với 100 triệu bản nhạc và 456 triệu người dùng. Nhưng điều khiến Spotify khác biệt là chiến lược hoạt động dựa trên những thấu hiểu từ phân tích dữ liệu.

Nghệ thuật đề xuất

Được thành lập vào năm 2008 tại Stockholm, Spotify là câu trả lời của Daniel Elk khi chứng kiến một thị trường âm nhạc bị “xài lậu” mất kiểm soát. Nhà sáng lập Daniel mong muốn mang tới cho người dùng một nền tảng phát trực tuyến tốt nhất, đồng thời hỗ trợ công sức sáng tạo của nhạc sĩ trên toàn thế giới.

Phân tích dữ liệu là nền tảng cho mọi quyết định của Spotify, Khartoon Weiss, Giám đốc Phát triển Spotify cho hay: “Phân tích dữ liệu là cách hiệu quả nhất để chúng tôi tìm hiểu thêm về người dùng và phục vụ họ tốt hơn”.

Một trong những ứng dụng phân tích dữ liệu chính của Spotify là hệ thống đề xuất bài hát. Sử dụng một hệ thống học sâu (deep learning) Spotify có khả năng phân tích dữ liệu âm thanh của từng bài hát, từ nhịp điệu, giai điệu, âm lượng… để phân loại và nhóm chúng lại với nhau.

Tiếp theo đó, Spotify tiến hành phân tích hành vi người dùng qua các hoạt động như bỏ qua một bài hát, khoảng thời gian người dùng nghe một bản nhạc cụ thể và thời điểm họ nghe nhạc… để xây dựng hồ sơ người dùng và đưa ra quyết định về đề xuất nội dung.

Có thể nói, Spotify thấu hiểu từng nhóm bài hát mà người dùng tận hưởng và sắp xếp chúng thành một danh sách phát phù hợp. Cách tiếp cận này giúp Spotify duy trì nhiều album khiến người dùng thỏa mãn và không thể dừng nghe.

Vào năm 2021, hơn 44% tổng số lượt nghe trên Spotify đến từ các danh sách phát được cá nhân hóa như Daily Mix, Discover Weekly và Release Radar, cho thấy mức độ hiệu quả của quá trình phân tích dữ liệu.

Nguồn: Amplifier

Tiến đến phân tích tâm trạng người dùng

Vào đầu năm 2021, Spotify đã được cấp bằng sáng chế cho công nghệ truy xuất dữ liệu giọng nói và tiếng ồn xung quanh để xác định tâm trạng người dùng. Kho tàng dữ liệu này sẽ giúp Spotify xác định tuổi, giới tính, vùng miền… từ đó kết luận trạng thái cảm xúc. Bước tiếp theo là phân loại trạng thái cảm xúc để đưa ra những đề xuất phù hợp nhất trong thời gian thực.

Theo nhiều chuyên gia, các thông tin về ngữ điệu, trọng âm, nhịp điệu, sẽ giúp đưa ra kết luận về tâm trạng như: Vui vẻ, Tức giận, Sợ hãi, Buồn bã hoặc Trung tính.

Nghiên cứu kỹ hơn bằng sáng chế của Spotify cho thấy sau khi dữ liệu được trích xuất và phân tích, kết hợp với lịch sử nghe, xếp hạng của người dùng và bạn bè, một loạt nội dung mới sẽ được đề xuất cho người dùng.

Công nghệ truy xuất dữ liệu giọng nói và tiếng ồn xung quanh giúp Spotify xác định tuổi, giới tính, vùng miền… từ đó kết luận trạng thái cảm xúc của người dùng.
Nguồn: Life Wire

Những chiến lược dựa trên dữ liệu

Ngoài việc tối ưu hóa nội dung, Spotify cũng phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định mang tính chiến lược, chẳng hạn như xu hướng tiêu thụ âm nhạc, sở thích của người dùng cũng như tiềm năng thị trường mới.

Cách tiếp cận dựa trên dữ liệu giúp Spotify đưa ra các quyết định sáng suốt về hướng phát triển và cách gia tăng số lượng người dùng, trong đó nổi bật là khả năng xác định nghệ sĩ và thể loại có tiềm năng trở thành “xu hướng mới”.

Một ví dụ điển hình vào năm 2019 khi bài hát “Old Town Road” của Lil Nas X bắt đầu lên xu hướng TikTok, Spotify đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng, đưa bài hát đó lên trang chủ và một loạt danh sách phát.

Kết quả là “Old Town Road” trở thành một trong những hit lớn nhất trong năm, đứng đầu bảng xếp hạng Spotify trong 17 tuần liên tục, mang về 80 triệu lượt nghe chỉ trong tuần đầu tiên và phá nhiều kỷ lục của nền tảng phát trực tuyến này.

Spotify đã phân tích dữ liệu và xác định rằng hầu hết người dùng có xu hướng bỏ qua bài hát trong 30 giây đầu tiên nếu bản nhạc đó không hấp dẫn. Thông tin này đã giúp Spotify tạo ra các bản nhạc ngắn hơn với phần mở đầu hấp dẫn hơn, giảm thời lượng bản nhạc trung bình trên Spotify từ khoảng 3,5 phút vào năm 2014 xuống chỉ còn dưới 3 phút vào năm 2020, theo dữ liệu từ The Economist.

Spotify cũng chủ động phân bổ quảng cáo dựa trên phân tích nhân khẩu học, lịch sử nghe và các hành vi khác. Đối với các đối tác quảng cáo, Spotify sẽ đưa ra nhiều gói hợp tác dựa trên độ tuổi, giới tính, vị trí, thiết bị và thậm chí cả thời gian trong ngày.

Gần đây nhất, Spotify đã nhận ra podcast đang ngày càng phổ biến trên thị trường, dẫn đến sự ra đời của dịch vụ podcasting và hiện đã trở thành một trong những tính năng thu hút chính của nền tảng. Vào năm 2020, Spotify công bố số giờ podcast được phát trực tuyến đã tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu toàn cầu của Spotify từ 2015-2022 (triệu Euro).
Nguồn: Statista

Số người dùng Spotify premium toàn cầu từ quý I/2015 đến quý IV/2022 (triệu người).
Nguồn: Statista

Tóm lại, bằng cách sử dụng nhiều phân tích khác nhau để cá nhân hóa dịch vụ, nâng cao trải nghiệm người dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, Spotify đã trở thành một trong những nền tảng phát nhạc trực tuyến phổ biến nhất trên toàn cầu. Với sự phát triển liên tục của kỹ thuật phân tích dữ liệu, chúng ta có thể kỳ vọng Spotify sẽ tận dụng công cụ này để tiếp tục mang lại trải nghiệm đặc biệt cho người dùng và duy trì vị trí dẫn đầu trong ngành.

Thanh Sang
Nguồn CafeBiz