Masan làm ăn ra sao sau 4 năm nhập cuộc thị trường thịt heo “tỷ đô”?

Masan làm ăn ra sao sau 4 năm nhập cuộc thị trường thịt heo “tỷ đô”?

2022 là năm đặc biệt khó khăn với bán lẻ nói chung và thị trường thịt nói riêng. Nhu cầu sụt giảm, trong khi áp lực chi phí đầu tư lớn (gia tăng mạnh điểm bán) khiến công ty lỗ lớn trong năm qua.

Tiên phong nhảy vào thị trường thịt thương hiệu, Masan MEATLife (MML) sau 4 năm vẫn đang chịu lỗ với mảng thịt. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 cho thấy, mảng thịt của MML cứ thu về 10 đồng doanh thu, thì lỗ khoảng 2 đồng.

Thu về 10 đồng doanh thu, lỗ 2 đồng

Cụ thể, năm 2022, MML đạt 2.795,5 tỷ doanh thu, tăng so với năm 2021. Nguyên nhân theo MML do chiến lược thu hẹp khoảng cách về giá giữa thịt mát MEATDeli và thịt tại chợ truyền thống từ mức 40% vào đầu năm 2022 xuống chỉ còn 20% từ tháng 5/2022. Nhờ đó, sản lượng thịt mát tiêu thụ của công ty tính đến tháng 12/2022 đã gia tăng gần 40% so với tháng 5/2022.

Dù vậy, khấu trừ chi phí, công ty lỗ 618 tỷ tại mảng thịt, trong khi năm ngoái lỗ khoảng 251 tỷ đồng.

2022 là năm đặc biệt khó khăn với bán lẻ nói chung và thị trường thịt nói riêng. Nhu cầu sụt giảm, trong khi áp lực chi phí đầu tư lớn (gia tăng mạnh điểm bán) khiến công ty lỗ lớn trong năm qua.

Sang năm 2023, MML dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng từ 8.500 tỷ đến 9.000 tỷ đồng, tăng mạnh 78-88%. Việc có mức giá cả tốt hơn là cơ sở cho mức tăng trưởng mạnh của MML trong năm nay.

Nằm trong hệ sinh thái Tập đoàn Masan, thương hiệu thịt của MML tận dụng được kênh phân phối hiện hữu là hệ thống Wincommerce. Năm 2022, Masan đã mở mới 730 siêu thị mini WinMart+, WIN.

Tập đoàn cũng đang hướng đến xây dựng nền tảng số O2O, đơn cử việc ra mắt chương trình Hội viên WIN, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và không dùng thẻ mới (TPay) tại 266 cửa hàng WIN và WinMart+…

Ghi nhận, giá thịt mát MML đang ngày càng cạnh tranh qua việc giảm giá bán và tích hợp vào chương trình giá ưu đãi dành riêng cho các thành viên WIN. Trong đó, khách hàng là hội viên WIN được mua thịt mát MEATDeli với giá giảm 20%, áp dụng xuyên suốt trong năm tại các siêu thị và cửa hàng thuộc WinCommerce.

Tham vọng dẫn đầu thị trường thịt mát đang tăng trưởng

Về MML, năm 2018 công ty chính thức ra mắt thịt mát có thương hiệu MEATDeli với nhà máy ở Hà Nam, đến năm 2020 mở rộng thêm với tổ hợp MEATDeli Sài Gòn với số vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng.

Theo MML, thị trường thịt heo đang có giá trị hơn 15 tỷ USD là mảng lớn nhất trong ngành F&B. Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, đây là thị trường chưa được chuẩn hóa khi hơn 90% sản phẩm thịt lợn trên thị trường không có thương hiệu. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc.

Ngày nay, các sản phẩm thịt có giá trị gia tăng và thịt chế biến đóng góp dưới 1% vào thị trường thịt tại Việt Nam.
Nguồn: Masan MEATLife

Bên cạnh việc kinh doanh thịt tươi, MML cũng thấy có nhiều cơ hội để tham gia vào lĩnh vực thịt chế biến. Ngày nay, các sản phẩm thịt có giá trị gia tăng và thịt chế biến đóng góp dưới 1% vào thị trường thịt tại Việt Nam. Các sản phẩm đột phá sẽ góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn – nơi có hơn 70% dân số sinh sống.

Đây cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ thịt ở Trung Quốc. Theo báo cáo của công ty chứng khoán DBS Vickers Hong Kong, trong giai đoạn 2008 đến 2015, tỷ lệ tiêu thụ thịt mát tại Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần từ mức 8% lên 34%. Mức tăng trưởng nhanh này phản ánh những thay đổi trong xu hướng tiêu thụ thịt lợn của người dân: chuyển từ thịt nóng (thịt được giết mổ trong điều kiện nhiệt độ thường và đưa ra thị trường tiêu thụ ngay sau khi giết mổ) sang thịt mát. Đến cuối năm 2015, dù tỷ lệ tiêu thụ thịt nóng vẫn chiếm tỷ trọng lớn tại Trung Quốc (55%) nhưng đã giảm đáng kể so với năm 2008 (82%).

Đặc biệt, bức tranh tiêu dùng thịt lợn mát tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ lặp lại tương tự ở thị trường Việt Nam.

Hiện nay GDP bình quân đầu người tại Việt Nam là 3.700 USD, xấp xỉ mức GDP/đầu người tại Trung Quốc vào năm 2008 là 3.500 USD. Đến năm 2027, GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự báo sẽ bằng mức GDP/đầu người năm 2012 của Trung Quốc, ước tính vào khoảng 6.000 USD. Với thu nhập khả dụng cao hơn, mức sống của người Việt Nam sẽ được cải thiện tương ứng, dẫn đến xu hướng tiêu thụ thực phẩm có thương hiệu và đảm bảo chất lượng. Do đó, thịt mát được dự báo sẽ là xu hướng được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.

Trong kế hoạch phát triển của mình, MML từng chia sẻ mục tiêu sẽ chiếm lĩnh 10% thị phần mảng thịt heo của Việt Nam trước năm 2025. Dù vậy, trong cuộc chơi với nhiều “đối thủ” nặng ký nội ngoại, hành trình tiếp theo của MML dự còn nhiều thử thách.

Tri Túc
Nguồn CafeF