Xốc lại nguồn lực 2023

Xốc lại nguồn lực 2023

Gánh hậu quả từ những cú sốc lớn trong kinh tế, mô hình quản trị nhân sự cùng chính sách phát triển lao động buộc phải thay đổi mạnh mẽ.

Năm 2023 được dự báo sẽ vẫn đầy thách thức, không chỉ cho các doanh nghiệp mà với cả người lao động. Bắt kịp các xu hướng mới trong thị trường lao động giúp doanh nghiệp và người lao động thích ứng tốt hơn với những biến động diễn ra ngày càng thường xuyên hơn.

Cú sốc của thị trường việc làm

Chị Lê Thị Thu là công nhân gắn bó rất lâu năm tại công ty Tỷ Hùng. Tuy nhiên, 2 tháng trước, chị Thu nhận quyết định cho nghỉ việc. Cùng với chị Thu là hàng ngàn công nhân của Tỷ Hùng cũng rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Theo bà Phạm Thị Út, Phó Tổng Giám đốc của Tỷ Hùng, từ sau đại dịch COVID-19, công ty gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất da giày có vốn đầu tư Đài Loan này vẫn sắp xếp công việc để công nhân tiếp tục sản xuất.

Đến giữa năm 2022, do tình hình kinh tế tác động, đặc biệt sức mua nhiều mặt hàng ở châu Âu sụt giảm mạnh, khiến đơn hàng của công ty bị cắt giảm 70-80%. Nếu trước đây, Tỷ Hùng nhận từ 200.000-250.000 đôi giày/tháng, thì nay chỉ còn 60.000-70.000 đôi/tháng.

Không thể cầm cự được, công ty buộc phải thu hẹp sản xuất, chỉ giữ lại số nhân viên hành chính, công nhân phòng mẫu và một vài dây chuyền sản xuất nhỏ. Còn lại gần 1.200 công nhân, Tỷ Hùng đành cắt giảm, chấm dứt hợp đồng. “Phải quyết định cho họ nghỉ việc là điều hết sức khó khăn”, bà Phạm Thị Út cho biết.

Trong khi đó, Tập đoàn May thêu Thuận Phương (TP.HCM) đã đến tận nhà máy và các khu trọ có công nhân của Tỷ Hùng để bổ sung nhân sự làm hàng Tết. Nhưng sau 2 lần lui tới gặp gỡ cũng như phối hợp với chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp ở quận 6, công ty vẫn chưa tuyển được người.

Ông Bùi Văn Duy, phụ trách tuyển dụng của Thuận Phương, cho biết: “Tâm lý chung của công nhân hiện nay chỉ muốn tìm việc thời vụ để vừa nhận trợ cấp thất nghiệp và chờ đủ 1 năm rút bảo hiểm xã hội một lần”. Ngoài ra, nhiều công nhân, nhất là công nhân có thâm niên kinh nghiệm không sẵn sàng đổi nghề.

Không riêng Tỷ Hùng mà PouYuen Việt Nam dự kiến cho khoảng 20.000 lao động, tức gần một nửa số nhân sự ở công ty luân phiên nghỉ việc trong 3 tháng, tính từ đầu tháng 12/2022. Vietnam Samho cũng quyết cắt giảm 1.400 lao động từ tháng 12/2022. Làn sóng mất việc lan rộng những ngày cuối năm 2022. Tính chung, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 41.000 công nhân trong ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy sản, gia công linh kiện điện tử... đã mất việc.

Đó là bức tranh đầy bấp bênh của công nhân trong những ngành thâm dụng lao động. Phía doanh nghiệp như Tỷ Hùng, PouYuen Việt Nam vẫn chưa thể vạch được lộ trình cho năm 2023 như thế nào. Các chuyên gia nhân sự cho rằng ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt, bền vững. Để các lao động mất việc, giãn việc có thể tìm kiếm việc làm ở khu vực việc làm không chính thức, sau đó, khi thị trường lao động khởi sắc, doanh nghiệp phục hồi thì lao động lại quay trở lại làm việc.

Công nhân công ty Tỷ Hùng.

Tuy nhiên, cú sốc của thị trường lao động cho thấy một bức tranh khác về tái cơ cấu nền kinh tế, kèm theo tái cơ cấu thị trường lao động sẽ diễn ra tại Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế khác. Thực tế, sa thải nhân sự hàng loạt đã xảy ra ở nhiều tập đoàn đa quốc gia. Meta, Amazon, Twitter, Microsoft, Xiaomi... đã sa thải hàng ngàn nhân viên. Google còn lập danh sách sa thải khoảng 10.000 nhân viên.

Kinh doanh khó khăn và tái cấu trúc hoạt động là 2 lý do chính để các công ty này mạnh tay cắt giảm nhân sự. Ngoài ra, theo dự đoán của Fitch Ratings, dưới tác động của các biện pháp thắt chặt tiền tệ, nhu cầu lao động sẽ giảm đáng kể trong năm 2023. Trước đó, theo World Robotics, đã có hơn nửa triệu chiếc máy móc công nghiệp mới được đưa vào môi trường làm việc. Hệ thống máy móc này xử lý nhiều công việc khác nhau và đã lấy mất phần việc của không ít người.

Thích ứng trong biến động

Ở phía người lao động, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người nhìn nhận lại giá trị cuộc sống. The Great Resignation (trào lưu ồ ạt bỏ việc) đã trở thành xu hướng trong năm 2021 và tiếp tục kéo dài. Các báo cáo cho thấy khoảng 36% người lao động Mỹ dự định nghỉ việc trong năm 2023. Đây được đánh giá là một trong những thay đổi lớn nhất đến thị trường lao động và xu hướng này sẽ còn tiếp tục.

Trào lưu ồ ạt nghỉ việc buộc nhà quản lý phải đưa ra những điều kiện làm việc tốt hơn khi nhiều lao động đòi hỏi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống sau đại dịch. Khảo sát từ công ty kiểm toán E&Y chỉ ra, cứ 3 người được hỏi thì 1 người cho rằng, chế độ hậu đãi cho nhân viên mới là chiến lược nhân sự hiệu quả của năm 2023.

Không chỉ quan tâm đến lương thưởng, theo nghiên cứu của CareerFoundry, nhân viên còn muốn được công ty hỗ trợ sức khỏe tinh thần. Họ muốn được làm việc trong môi trường tích cực, được khích lệ ghi nhận, có sự gắn kết giữa nhà quản lý và nhân viên...

Theo ông Aleksandr Ptitsyn, Giám đốc Nhân sự Ví điện tử MoMo, phần thưởng có thể là tiền hay những yếu tố thiên về cảm xúc như sự công nhận, nâng cao kỹ năng, thương hiệu cá nhân. Doanh nghiệp có thể áp dụng những hình thức thưởng dài hạn như cổ phiếu ESOP, chăm sóc sức khỏe hoặc ngắn hạn bao gồm thưởng năm, tăng lương, giáo dục, phòng gym hay các ưu đãi giảm giá.

Nhân viên cũng có cơ hội được nhận các khoản phúc lợi tiền mặt đảm bảo hợp pháp như nhà ở, phương tiện đi lại hay trang thiết bị thông tin liên lạc. Để tránh phải tuyển lao động mới cũng như để giữ chân nhân tài, theo khảo sát từ Aon (Anh), các nước châu Á đã điều chỉnh tăng lương. Nghiên cứu của Mercer dự báo xu hướng tăng lương ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với mức tăng bình quân cho năm 2023 khoảng 4,8%.

Các công ty còn tăng cường trao quyền cho lao động và dành ngân sách để hỗ trợ nhân viên làm việc từ xa. Bởi vì, như nghiên cứu từ CodeSubmit, 75% lao động trên thế giới tin rằng, làm việc từ xa, làm việc kết hợp (hybrid) vẫn là xu thế.

Tại Việt Nam, khảo sát nhân sự của Anphabe với các giám đốc nhân sự cũng dự báo mức tăng lương trung bình cho năm 2023 là 12%. Bên cạnh thu nhập từ lương, năm 2022 các doanh nghiệp đã cố gắng để 9/10 người lao động được nhận khoản thưởng cho thành tích của năm 2021, trong đó gần 70% được nhận mức thưởng như dự kiến hoặc cao hơn, trung bình là 1,4 tháng lương.

Trong bối cảnh mới, không chỉ doanh nghiệp cần thay đổi cách thức vận hành mà nhân viên cũng phải gia tăng kỹ năng để cạnh tranh toàn cầu và thích nghi với điều kiện làm việc mới. Bản thân người lao động đã ngày càng nhận ra, kỹ năng quan trọng hơn vai trò. Đây được xem là xu hướng sẽ bùng nổ trong năm 2023.

Ở Việt Nam, bức tranh việc làm tuy có biến động nhưng vẫn tốt hơn nhiều nước. Fitch Solutions dự báo, tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam năm 2023 khoảng 2,2%, cải thiện hơn so với mức 2,3% của năm 2022. Đặc biệt, trong khi thế giới sa thải hàng loạt nhân viên công nghệ, thì ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, khẳng định: “Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư công nghệ ở Việt Nam vẫn rất nhiều và FPT có mục tiêu đến năm 2035 đào tạo 1 triệu kỹ sư công nghệ”.

Dù vậy, để cải thiện hiệu suất và năng lực nhân sự, gần 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát tại hội thảo “Chiến lược chuyển hóa tổ chức và hệ thống nhân sự năm 2023” (do Base và Crestcom Vietnam tổ chức) cho biết sẽ tăng cường đào tạo. Các công ty mong muốn tạo ra đội ngũ có khả năng đa nhiệm, sẵn sàng cải tiến, không ngại thay đổi và gắn kết cao với tổ chức. Tuy nhiên, xu hướng “nghỉ việc trong im lặng” cho thấy nhân sự có những mong muốn cao hơn.

Ông Nguyễn Anh Hùng, Giám đốc Cao cấp Nguồn nhân lực tại PNJ, nhấn mạnh đến tính linh hoạt. “Chiến lược quản trị nhân lực kéo dài 3-5 năm sẽ không còn hiệu quả khi sự biến động của thị trường gắn liền với sự biến đổi trong chiến lược vận hành của tổ chức”, ông nói. Trong môi trường khắc nghiệt, doanh nghiệp có thể tỉa tán tỉa cành (tinh gọn chiến lược), nhưng phải giữ được gốc rễ (con người), củng cố thân cây (quy trình và công cụ) để có thể đứng vững và hồi sinh sau mọi cơn bão”.

Thành bại nhờ vốn nhân lực

Hiện rất khó dự báo thị trường lao động trong năm 2023 diễn biến như thế nào, bởi khi xem xét về xu thế của thị trường lao động cần xem xu thế của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới. Tuy nhiên, có thể một số ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến gỗ... vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng đầu năm 2023, bởi vì sự phục hồi và nhu cầu của thế giới đối với những ngành này chắc chắn chưa thể tăng ngay được.

Nhiều dự báo cho rằng sẽ xảy ra suy giảm kinh tế toàn cầu trong năm 2023, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam khi mà độ mở của nền kinh tế rất cao.

Ngành dệt may đang tái cơ cấu nhân lực để hoạt động hiệu quả hơn.
Nguồn: Quý Hoà

Người lao động bị mất việc làm hoặc giảm việc làm để lại hệ lụy rất lớn, đó là sự giảm sút về năng suất lao động, giảm sút về tổng sản phẩm, về giá trị kinh tế và kéo theo là ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh nỗ lực bản thân, các doanh nghiệp mong nhận được sự trợ lực về mặt chính sách để sớm vượt qua khó khăn.

Ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách cải cách để Việt Nam tiếp tục củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn. Cụ thể, Việt Nam cần thúc đẩy sử dụng hiệu quả hơn các tài sản chính của Việt Nam gồm vốn sản xuất, vốn nhân lực và vốn tự nhiên.

Theo Economica Việt Nam, tổng nguồn vốn khu vực tư nhân đã tăng mạnh mẽ trong thập niên vừa qua, cho thấy sự lớn mạnh về nguồn lực của khu vực này. Nếu năm 2010 khu vực kinh tế nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP, cho thấy khu vực tư nhân sử dụng vốn hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, mặc dù tốc độ tăng trưởng vốn như vậy nhưng tốc độ tăng năng suất lao động liên tục giảm, sự đóng góp của năng suất vào GDP cũng giảm theo. Đây là điều cần phải đảo ngược, thay đổi để giúp doanh nghiệp vượt sóng.

“Thời kỳ dựa vào tăng trưởng nguồn vốn để tăng năng suất đã qua rồi. Khu vực kinh tế tư nhân cần tìm kiếm các động lực khác để đóng góp cho gia tăng sản lượng, gia tăng tăng trưởng như công nghệ và nguồn nhân lực, để có thể tiếp tục phục hồi và phát triển trong năm 2023”, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, nhận định.

Ngành chế biến gỗ là ví dụ tiêu biểu trong những năm qua về chuyển đổi số, gia tăng năng suất. Chẳng hạn, tại công ty Scansia Pacific, chuyên sản xuất và xuất khẩu đồ nội thất, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp kiểm soát sự đồng bộ nhanh chóng, chính xác nhất, đồng thời kiểm soát chi phí trong sản xuất.

Nhờ chuyển đổi số, ngày trước công ty có 1.200 công nhân, doanh số 15.000-20.000 USD/tháng, thì giờ lượng công nhân tăng lên 1.700 người nhưng doanh số tăng 3 lần. Thực tế, theo “Báo cáo thực trạng chuyển đổi số ngành gỗ 2022” được thực hiện bởi Novaon Tech, Hiệp hội Internet Việt Nam cùng sự tham gia của Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA), chuyển đổi số giúp doanh nghiệp ngành gỗ tăng 20% doanh thu.

Kinh nghiệm của các ngành thâm dụng lao động như chế biến gỗ, dệt may và da giày cho thấy, tăng năng suất lao động là phải thay đổi căn bản mô hình sản xuất. Tức là phải chuyển từ khâu sản xuất giá trị thấp sang khâu sản xuất giá trị gia tăng cao hơn. Theo đó, doanh nghiệp, nền kinh tế phải đưa công nghệ mới vào sản xuất, kéo theo đó là sự thay đổi lớn trong thị trường lao động.

Bởi vì, với dây chuyền sản xuất theo công nghệ mới, người lao động phải có trình độ, đứng được ở nhiều khâu trong chuỗi sản xuất chứ không chỉ đứng được ở mỗi khâu gia công. Cụ thể hơn, người lao động phải đứng được ở toàn chuỗi giá trị, từ khâu hình thành sản phẩm cho đến khâu thiết kế ra sản phẩm, sản xuất sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ...

Báo cáo năng suất lao động Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành cho thấy, nếu tăng tỉ lệ người lao động qua đào tạo, có văn bằng chứng chỉ sẽ trực tiếp tăng năng suất lao động; năng suất lao động đóng góp trong tăng trưởng GDP khoảng 65-75%. Vì vậy, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề sẽ đóng góp trực tiếp cho năng suất lao động và tăng trưởng.

Xu hướng kinh tế cần nguồn lực trong các lĩnh vực kỹ thuật cao.
Nguồn: Quý Hoà

Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, nhìn nhận: “Về trung hạn, quá trình phục hồi nền kinh tế sẽ đi theo hướng tiếp tục giảm lao động, đặc biệt là trong những ngành mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số dần chiếm lĩnh để tăng năng suất lao động. Tình trạng giảm lao động cũng sẽ diễn ra mạnh ở phân khúc thấp của thị trường lao động, người lao động không có chuyên môn kỹ thuật”.

“Ngay cả trong những ngành doanh nghiệp có thể trụ vững, thu hút lao động cũng sẽ cần những kỹ năng mới, thái độ, hành vi kỹ thuật mới mà người lao động cần có”, bà Lan Hương nói thêm.

Theo báo cáo Tổng Chỉ số nguồn nhân lực 2022 của ManpowerGroup, Việt Nam xếp thứ 47 trên 60 thị trường lao động toàn cầu và xếp cuối cùng trong số 11 quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trình độ kỹ năng là một trong những điểm mà lao động Việt Nam cần khắc phục để vươn lên sánh ngang với các thị trường khác.

Mặc dù có tỉ lệ phổ cập giáo dục cao (khoảng 88%), số người lao động có trình độ tay nghề hay chuyên môn cao chỉ chiếm khoảng 11,67%, gần như không đổi so với 3 năm trước. Các kỹ năng mềm, trong đó có khả năng ngoại ngữ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng ở hầu hết các ngành nghề, ngay cả ở những lĩnh vực vốn thiên về kỹ thuật như ngành sản xuất. Bên cạnh tiếng Anh, một số ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn được không ít đơn vị tìm kiếm.

“Mức thu nhập trung bình tháng của người lao động Việt Nam hiện là 275 USD, tương đương với 6.545.000 đồng. Đây là mức chi phí lao động tương đối hấp dẫn và đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng lao động, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa 2 thị trường, một là Việt Nam với chi phí rẻ (mức lương trung bình tháng của lao động là 275 USD) nhưng trình độ kỹ năng lao động thấp (11,6% lao động tay nghề cao) và một thị trường khác ví dụ, Philippines với mức lương trung bình tháng của lao động nhỉnh hơn một chút (283 USD) nhưng trình độ kỹ năng cao hơn hẳn (18,5% lao động tay nghề cao), thì rõ ràng lao động của chúng ta kém hấp dẫn nhà đầu tư hơn”, các chuyên gia của ManpowerGroup khuyến cáo.

Ngọc Thuỷ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư