Cha đẻ ChatGPT ra mắt phần mềm chống lại ChatGPT

Cha đẻ ChatGPT ra mắt phần mềm chống lại ChatGPT

Phần mềm mới ra mắt giúp con người có thể nhận biết văn bản họ đang đọc là do AI tạo ra hay do người viết.

OpenAI, công ty mẹ của DALL-E và ChatGPT vừa ra mắt một công cụ miễn phí dùng để xác định văn bản do AI tạo ra và từ khoá đầu vào tạo thành văn bản. Đây được xem là “khắc tinh” của ChatGPT đang làm mưa làm gió trong thời gian gần đây.

Ngày 30/11/2022, OpenAI cho ra đời chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang tên ChatGPT. Chatbot có khả năng tạo ra các đoạn văn bản hỗ trợ SEO dưới nhiều thể loại như các bài báo, tiểu luận, truyện cười và thậm chí cả thơ. Tuy nhiên, kể từ khi được biết đến và sử dụng rộng rãi, chatbot ChatGPT khiến nhiều người lo ngại về vấn đề bản quyền và đạo văn.

Và mới đây, OpenAI đã phát hành một công cụ giúp người dùng xác định văn bản được tạo ra bởi AI mang tên A.I Text Classifier. Theo nhà sáng tạo, đây là một mô hình ngôn ngữ được lập trình trên tập dữ liệu gồm các cặp văn bản do con người viết và AI tạo ra về cùng một chủ đề, nhằm mục đích phân biệt văn bản được viết bởi AI.

OpenAI đã phát hành một công cụ giúp người dùng xác định văn bản được tạo ra bởi AI mang tên A.I Text Classifier.

Công cụ này cho phép người dùng nhập một đoạn văn bản ít nhất 1.000 ký tự (OpenAI khuyến khích người dùng nhập các văn bản trên 1.000 từ). Sau đó, công cụ sẽ tiến hành phân loại đâu là văn bản do con người tạo ra, đâu là do AI thực hiện. Nếu là văn bản do ChatGPT viết, công cụ sẽ hiển thị một thông báo cho biết người dùng đã nhập đoạn từ khóa nào để cho ra kết quả đó. A.I Text Classifier sẽ cho ra kết quả theo thang 5 mức độ: Very unlikely – Unlikely – Unclear if it is – Possibly – Likely.

Tuy nhiên, vì mới ra mắt, OpenAI cảnh báo đôi lúc công cụ vẫn sẽ có một số nhầm lẫn giữa văn bản do AI tạo ra và văn bản do con người viết.

Nguồn: Search Engine Land

Theo thông tin từ công ty, OpenAI phát hành công cụ này nhằm phản hồi những chỉ trích và đề ra giải pháp cho các nhà giáo dục. Bởi từ khi chatbot ChatGPT ra đời, đã có nhiều trường hợp lạm dụng công cụ vào lĩnh vực giáo dục dẫn đến tình trạng không trung thực trong học thuật và xuất hiện nhiều thông tin sai lệch.

Cụ thể, nhiều giáo viên cho rằng ChatGPT sẽ gây ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Nhiều trường học ở New York đã cấm học sinh sử dụng ChatGPT, cấm bot khỏi mạng WiFi và thiết bị của trường nhằm ngăn chặn nguy cơ gian lận hoặc đạo văn.

Mặt khác, OpenAI không phải là công ty đầu tiên phát hành công cụ phát hiện văn bản do ChatGPT tạo ra. Trước đó, sau khi chatbot ra đời và trở nên phổ biến, đã có bên thứ ba khác là một sinh viên tên Edward Tian cho ra mắt công cụ GPTZero với mục đích phát hiện văn bản do AI tạo ra.

OpenAI cho biết, với công cụ A.I Text Classifier, chỉ tốn khoảng 26% thời gian để nhận biết văn bản do AI tạo ra và 9% thời gian nếu không phải là văn bản do AI tạo ra. So với công cụ phát hiện AI trước đó, thì công cụ mới của OpenAI chứng minh được sự vượt trội và tối ưu hơn.

Công ty cũng nói trong thông cáo báo chí khi ra mắt công cụ A.I Text Classifier rằng họ đang hợp tác tích cực với các nhà giáo dục và trường học để thảo luận về các khả năng và hạn chế của ChatGPT, đồng thời tiếp tục nghiên cứu phát triển phần mềm phát hiện văn bản do AI tạo ra.

Ông Sam Altman, Giám đốc Điều hành OpenAI và là “cha đẻ” của ChatGPT.
Nguồn: Reuters

Samuel Altman sinh năm 1985, sinh ra và lớn lên ở St. Louis, bang Missouri, Hoa Kỳ, có gốc là người Do Thái. Ông là CEO của OpenAI, hay còn được biết đến là “cha đẻ” của ChatGPT. Trước đây, Altman được biết đến là một doanh nhân chứ không phải nhà khoa học hay nhà nghiên cứu AI, và nổi tiếng về khả năng huy động vốn đầu tư mạo hiểm.

Được biết, Samuel Altman là một trong những nhà sáng lập OpenAI cùng với CEO Tesla – Elon Musk, nhà đồng sáng lập LinkedIn – Reid Hoffman và nhiều thành viên khác. Công ty có trụ sở ở quận Mission, San Francisco, Mỹ. Những thành tựu hiện tại đã giúp Altman và các nhà đầu tư ban đầu vào OpenAI nhận được lợi nhuận gấp 100 lần so với khoản đóng góp ban đầu.

Quỳnh Như
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư