Phía sau cuộc đua “Made in America” của các hãng công nghệ lớn

Cuộc đua trên thị trường công nghệ có vẻ như đang bước vào một ngã rẽ mới. Các đại gia Apple, Google, Motorola và Lenovo đã bất ngờ tuyên bố và cũng đã trình làng những thiết bị mới của mình với thông điệp “made in America” được nhấn mạnh hơn bao giờ hết.

Moto X, chiếc điện thoại Android được chờ đợi từ lâu, cuối cùng cũng sẽ được ra mắt tại New York City vào ngày 1/8 tới. Chiếc điện thoại này được hi vọng sẽ là một thiết bị thực sự tạo được dấu ấn lớn trong lần đầu tiên có bàn tay của Google kể từ khi hãng Internet Mỹ mua lại Motorola năm 2012.

Thiết kế và cấu hình của sản phẩm đã lộ diện qua nhiều tin đồn rò rỉ trước đây. Tuy nhiên, một yếu tố mà Motorola đã thực sự chú trọng trong các hoạt động marketing trước khi "chân dung" của Moto X xuất hiện: đó chính là Moto X sẽ được sản xuất tại Mỹ (made in America), thay vì là sản xuất tại Trung Quốc (made in China) như hầu hết các sản phẩm công nghệ.


Các đại gia công nghệ đang bước vào cuộc đua gắn mác "Made in Ameria" cho sản phẩm của mình.

“Sẽ có mặt trên thị trường trong mùa hè năm nay, mỗi chiếc điện thoại Moto X được bán tại Mỹ sẽ được lắp ráp tại Fort Worth, Texas, và đây là smartphone đầu tiên được lắp ráp nội địa”, một phát ngôn viên của Motorola từng tiết lộ hồi tháng 5.

Được biết nhà thầu lắp ráp của Motorola là công ty Flextronics. Đối tác này dự kiến sẽ tạo ra 2.000 công ăn việc làm mới tại Fort Worth. Cuộc đua mang danh mác “America” còn được Motorola đầu tư kĩ càng, thậm chí cả chi tiết nhỏ như màn hình Wallpaper trên chiếc điện thoại Moto X rò rỉ cũng in hình lá cờ của bang Texas.

Trước khi Moto X được “vén màn” là smartphone đầu tiên được lắp ráp tại Mỹ, thì CEO Tim Cook của Apple đã khiến giới truyền thông xáo động vì tuyên bố Apple sẽ sản xuất sản phẩm của mình ngay trên đất Mỹ. Và, tại Hội nghị WWDC hồi tháng 6, Mac Pro, chiếc máy tính độc đáo với thiết kế hình trụ, là thiết bị đầu tiên được Apple trình làng với xuất xứ “made in America” thay vì “made in China” như trước đây.

Thực tế Apple cũng không giấu niềm kiêu hãnh tại WWDC với một thông điệp “designed by Apple in California” vốn đã xuất hiện trên các thiết bị của Apple trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, dường như hơn bao giờ hết, Apple đang sử dụng chiến dịch marketing mới, và “quê nhà” như là một “vũ khí” lợi hại mà hãng đang khai thác triệt để để “hạ bệ” những đối thủ “made in China”.


Mac Pro là thiết bị đầu tiên được Apple gắn mác "Made in America".

Tên gọi hệ điều hành mới của Mac OS X cũng được Apple gọi tên từ một địa danh của California - 10.9 Mavericks.

Cũng không tỏ ra lép vế, hãng sản xuất máy tính Lenovo cũng đã nhảy vào cuộc đua khi trình làng chiếc máy tính ThinkPad mới được sản xuất tại North Carolina, Mỹ.

Rõ ràng, chiến dịch quảng cáo “Made in America” đã tạo ra những hiệu quả nhanh chóng. Bởi, theo một cuộc khảo sát của Tổ chức tư vấn Boston, 80% trong số 5.000 người dùng sẵn sàng chi thêm tiền để mua những sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, trong đó có các thiết bị điện tử. Thậm chí người Trung Quốc cũng sẵn sàng bỏ thêm tiền để được sở hữu những sản phẩm được sản xuất tại Mỹ.

Giới phân tích cũng nhìn nhận tạo công ăn việc làm trên chính đất Mỹ sẽ giúp các hãng nhận được sự ủng hộ từ các chính trị gia. Đặc biệt nhất là khi thị trường lao động tại Trung Quốc đang ngày càng tăng giá, và lực lượng lao động tại nước này đang ngày một giảm đi so với dân số của cả nước. Do vậy, theo Scott Paul, chủ tịch Liên minh sản xuất Mỹ (AAM), quay trở lại với Mỹ là một bài toán thông minh về lâu dài, bởi trong năm đầu tiên sản xuất tại Mỹ, có thể các hãng sẽ bị lỗ, nhưng 5 năm sau, doanh thu sẽ trở về quỹ đạo. “Đến năm 2015, chi phí sản xuất tại Trung Quốc sẽ ngang bằng với chi phí tại Mỹ”, nghiên cứu của công ty cố vấn kinh doanh toàn cầu AlixPartners nhận thấy.


Nexus Q đã trở thành "quả bom xịt" dù là sản phẩm "Made in America".

Tuy vậy, chỉ đơn giản cái mác “Made in America” có vẻ như vẫn chưa đủ đảm bảo rằng sản phẩm sẽ thành công. Lịch sử đã chứng minh điều này vào những năm 1980, khi đồng loạt các hãng Mỹ đầu tư vào dây chuyền sản xuất tại quê nhà. Tuy nhiên, người dân Mỹ vẫn không giảm bớt sự đam mê với những chiếc xe hơi mang thương hiệu Nhật Bản.

Và một lần nữa, thất bại cũng đã gọi tên ông lớn Google. Chiếc máy tính Nexus Q thật sự đặc biệt trong màn ra mắt của Google năm 2012 với thiết kế tròn như quả bóng. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của Nexus Q là nỗi thất vọng đối với Google. Hơn thế nữa, phiên bản nâng cấp hồi cuối tháng 6 đã biến Nexus Q trở thành một thiết bị chặn giấy không hơn không kém.

Có vẻ như Nexus Q là một trường hợp điển hình của sự thất bại, ông Scott Paul cho rằng: “Không đơn thuần chỉ là thiết bị được sản xuất tại Trung Quốc hay trên mặt trăng, nếu sản phẩm không có được những tính năng hữu dụng, đúng lúc, đúng chỗ và đúng thời điểm thì ắt hẳn sẽ thất bại”.

Nguồn Dùng hàng Việt