[Nhật ký sáng tạo] Kịch

Với tôi, sân khấu kịch là thánh đường.

Mỗi lần bước ra khỏi đó, nhìn dòng người ngập ngụa, tôi thấy mình thật may mắn, đời thật nhã. Nơi tôi vẫn thường đến là Idecaf, nơi đầu tiên cho tôi cảm giác đi xem kịch rất ư là tuyệt vời và “sang” hơn phim thế nào, cách đây 8 năm.

Mỗi vở kịch đối với tôi là một vương triều của những ngôn từ đẹp đẽ, giàu tính văn chương. Tiếng Việt được các anh chị diễn viên tài năng nhả ra thật phù hợp với mạch cảm xúc, nén chặt trong những kịch bản chắc tay. Tôi yêu tiếng Việt hơn từ đó. Và cũng chắp tay bái lạy những người biên kịch từ đó.

Thưởng thức nghệ thuật dưới ánh đèn vàng, sáng sủa khiến con người ta cũng tập trung và đàng hoàng hơn là bóng tối của rạp chiếu bóng.

Qua diễn xuất và sự “phiêu” khác nhau của từng diễn viên, tôi cũng lượm lặt được nhiều chiêu cho kĩ năng kể chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể. Phải chi lúc thuyết trình bán ý tưởng với khách hàng mình cũng diễn được như vậy thì hay quá. Cách đây vài năm, một chàng Creative Director người Anh vốn xuất thân là diễn viên kịch ở quê nhà cũng đã làm các Marketer chết mê chết mệt khi nghe anh kể chuyện. Kịch bản quảng cáo 30 giây, trên giấy trắng thôi nhưng nghe anh kể cứ như là phim đã quay xong, đang rung đùi ngồi xem vậy!


Tôi cũng học được nhiều về tâm lý con người vì các diễn viên phải biểu diễn liên tục nên mạch tâm lý, diễn biến trâm trạng trong kịch Việt ít vô lí đùng đùng như phim Việt.

Tháng nào tôi và các bạn đồng nghiệp cũng đến với chú Lờ, chú Chờ, anh Tờ, chị Khờ… những bậc thầy kể chuyện, vừa giải trí vừa tu nghiệp cho cái nghề quảng cáo của mình. Các Copywriter thì để ý thêm câu từ, cách chơi chữ, phát âm và dùng từ địa phương, khúc hát lời ca, còn Art Director thì chú ý phông màn cảnh dựng, phục trang… Và quan trọng nhất là mạch chuyện và nội dung, thông điệp gởi gắm trong từng tác phẩm. Có vở chỉ hài đơn thuần, có vở sâu sắc, thông điệp rất thật và phản ánh phần nào xã hội ngoài kia. Tóm lại là vô vàn cái để thu vào mình, với giá vé còn thấp hơn coi phim!

Vậy nên, mình chưa hiểu được những con người:

Đời chị đã kịch quá rồi, đi xem kịch làm gì nữa em troai ơi!

Người ta hay đùa “Thằng đó kịch lắm!” nhưng không hiểu thật sự mình đang đùa cái gì. Kịch khác điện ảnh ở chỗ phải diễn live, liên tục liên tục, không có sự hỗ trợ của kĩ thuật quay phim, kỉ xão nên mọi hành động phải “ra” thật rõ ràng. Khóc ra khóc, buồn ra buồn, tức tưởi ra tức chửi nếu không khán giả dưới hàng ghế sẽ không thấy rõ hay nắm được cảm xúc của diễn viên. Nên đôi khi hơi “lố” tí xíu.

3 tiếng đồng hồ trình diễn, quá lâu cho những con người phải đứng lên, ra về sớm 5 phút để lấy xe cho dễ, và quá ít cho những ai luôn yêu và muốn nạp thêm tâm hồn Việt cho mình.

Nguồn Tôi Yêu Marketing