Ví điện tử Việt vs Google Wallet

Ví điện tử Việt vs Google Wallet

Các ví điện tử nội địa liệu có chịu sức ép từ sự xuất hiện của Google Wallet ở thị trường Việt Nam?

Cuối cùng Google cũng đưa dịch vụ Google Wallet vào thị trường Việt Nam. Về cơ bản đây là ứng dụng lưu trữ kỹ thuật số các phiên bản điện tử của thẻ thanh toán trên điện thoại di động sử dụng hệ điều hành Android, giúp chủ thẻ có thể thanh toán mà không cần sử dụng thẻ vật lý.

Mỗi người một sân chơi

Trong lần ra mắt, Google cho biết đã có 7 thẻ thanh toán ngân hàng bao gồm ACB, Sacombank, Shinhan Bank, TPBank, Techcombank, Vietcombank và VPBank được tích hợp cho dịch vụ này. Hãng công nghệ Mỹ cho biết MB và Mastercard sẽ được tích hợp trong vài tuần tới.

Các ví điện tử nội địa (ước tính khoảng 40 ví) trước mắt không chịu sự ảnh hưởng của Google Wallet do tập khách hàng mà ứng dụng này phục vụ là các chủ thẻ tín dụng nội địa, hiện có gần 550.000 thẻ đang lưu hành (số liệu tháng 6/2022 của Ngân hàng Nhà Nước). Còn các ví điện tử hướng đến tập khách hàng đại trà hơn, khi chỉ cần có thẻ ghi nợ là đã có thể tham gia thanh toán trực tuyến.

Thay vào đó, đối thủ chính của Google Wallet là các đơn vị tích hợp giải pháp thanh toán của chính mình lên điện thoại, phải kể đến là Samsung Pay và Apple Pay. Theo website gs.statcounter, tính đến tháng 10/2022 cả 3 đang có thị phần điện thoại di động lần lượt ở Việt Nam là 29,11% (Apple), 29,08% (Samsung) và 37% (tổng cộng thị phần các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android khác).

Đáng chú ý, Google Wallet không thu thêm phí người sử dụng như các đối thủ. Công ty chủ yếu thu thập hành vi người sử dụng để bổ sung cho các hoạt động quảng cáo dành cho doanh nghiệp chính xác hơn. Điều này có lợi cho Google khi ở Việt Nam Công ty đang chiếm hơn 94% thị phần công cụ tìm kiếm (số liệu tháng 6/2020 của Statista).

Cạnh tranh hay hòa bình?

Theo báo cáo gần đây của ResearchAndMarkets.com, thị trường thẻ trả trước (không cần tạo tài khoản ngân hàng, chỉ cần nạp tiền vào là có thể sử dụng) tại Việt Nam tăng trưởng với tốc độ CAGR 20,9% giai đoạn 2017-2021. Trong giai đoạn 2022-2026, thị trường được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng CAGR là 27,1%, tăng từ 3,46 tỷ USD vào năm 2022 lên 9 tỷ USD vào năm 2026.

Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng bản chất các ví điện tử như Google Wallet, Samsung Pay hay cả Apple Pay đang bị giới hạn bởi chính tập khách hàng của họ, là nhóm sở hữu thẻ tín dụng nội địa, vốn có thị phần khá nhỏ là 11% (báo cáo của Boston Consulting Group năm 2020).

Thực ra, không chỉ ở Việt Nam, Google Wallet cũng đã xuất hiện ở Indonesia. Mặc dù được đánh giá là nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất Đông Nam Á nhưng phần lớn người dân nước này không có dữ liệu đánh giá, khiến ngân hàng kiểm tra lý lịch được kết quả là khả năng sở hữu thẻ tín dụng rất thấp, dưới 40%. Nhóm khách hàng không tiếp cận được thẻ tín dụng nội địa của ngân hàng sẽ là động lực chính thúc đẩy giao dịch trực tuyến gia tăng. Trong bức tranh này các ví điện tử nội địa sẽ có lợi thế hơn.

Google Wallet hay Apple Pay biết rõ điều này và họ đang hướng đến bức tranh màu mỡ hơn là thị trường thanh toán trực tuyến trị giá 2.000 tỷ USD vào năm 2030 ở khu vực Đông Nam Á (báo cáo Bain & Company, Google và Facebook). Lợi thế lớn nhất của Google Wallet là thanh toán trực tuyến xuyên biên giới.

Tuy nhiên, từ năm 2017, NETS của Singapore, PayNet của Malaysia, ITMX của Thái Lan, Napas của Việt Nam và Rintis của Indonesia đã cùng nhau ký một biên bản ghi nhớ để thúc đẩy sự hợp tác xây dựng hạ tầng thanh toán chung cho toàn khu vực.

Phát biểu tại thời điểm đó, ông Lê Quốc Hưng, quyền Tổng Giám đốc Napas, cho biết trong nền kinh tế ngày càng số hóa, khả năng thực thi các giao dịch xuyên biên giới ngay lập tức rất quan trọng. “Sáng kiến kết nối cơ sở hạ tầng thanh toán theo thời gian thực trên toàn khu vực sẽ mang lại cơ hội cho mỗi chuyển đổi quốc gia trong việc mở rộng và phát triển các dịch vụ thanh toán, phù hợp với xu hướng thanh toán toàn cầu”, ông Hưng nói.

Theo đó, hạ tầng này sẽ tiết kiệm chi phí và cập nhật dữ liệu theo thời gian thực các thanh toán trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời tuân thủ các quy định của ngân hàng trung ương.

Hay nói cách khác, khi hạ tầng này hoàn thành, người sở hữu các ví điện tử nội địa có thể thanh toán xuyên biên giới như cách Google Wallet đang làm hiện nay. Khi các ví điện tử nội địa tìm cách ăn vào thị phần của Google Wallet, nhiều khả năng đơn vị này sẽ tìm cách thâm nhập thị phần của các ví điện tử nội địa.

Còn hiện nay, khi hạ tầng thanh toán xuyên biên giới chưa hoàn thiện, có thể nói Google Wallet và các ứng dụng thanh toán nội địa tạm thời ở thế “nước sông không phạm nước giếng”.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư