Starbucks là một “Ngân hàng bí mật”: Luôn có sẵn 1-2 tỷ USD “tiền gửi” với lãi suất 0%, và khách chỉ có thể rút tiền bằng... cà phê

Starbucks là một “Ngân hàng bí mật”: Luôn có sẵn 1-2 tỷ USD “tiền gửi” với lãi suất 0%, và khách chỉ có thể rút tiền bằng... cà phê

Khi nhắc đến cà phê, không ít người sẽ nghĩ ngay đến Starbucks, thương hiệu đã đạt được “Top of Mind” – mức độ nhận biết thương hiệu cao nhất trong ngành.

Với hơn 34.000 cửa hàng trên toàn cầu, Starbucks dễ dàng trở thành chuỗi cà phê lớn nhất thế giới. Nhưng điều ít ai nhận ra rằng Starbucks đang hoạt động như một ngân hàng, một “bí mật” mà Starbucks chưa từng tiết lộ với truyền thông.

Câu chuyện của Starbucks

Starbucks được thành lập vào năm 1971 với tư cách là một công ty bán hạt cà phê, được quản lý bởi Jerry Baldwin, Zev SieglGordon Bowker với trụ sở chính tại Seattle.

Vào năm 1982, Howard Schultz, lúc đó mới 29 tuổi, đã gia nhập Starbucks với tư cách Giám đốc Bán lẻ và Tiếp thị, không đồng tình với chiến lược của các nhà sáng lập, Howard cùng với các nhà đầu tư của mình đã mua lại Starbucks vào năm 1985, tập trung hơn vào mảng bán lẻ và mở quán phục vụ cà phê, thay vì chỉ kinh doanh hạt cà phê thô.

Ông Howard Schultz đã gia nhập Starbucks từ năm 1982 với tư cách Giám đốc Bán lẻ và Tiếp thị.

Trong vòng 5 năm kể từ khi Howard tiếp quản, Starbucks đã liên tiếp mở hơn 140 địa điểm và niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 1992.

Nguồn vốn từ thị trường chứng khoán cho phép Howard Schultz đẩy nhanh kế hoạch mở rộng. Đến năm 1996, Starbucks đã mở cửa hàng thứ 1.000 và đạt 2.500 cửa hàng trong ba năm tiếp theo.

Chưa dừng lại ở đó, Từ năm 2000 đến năm 2007, Starbucks gần như phủ khắp thế giới, với tốc độ “kinh hoàng” – mở 1.500 cửa hàng mới mỗi năm.

Vậy tại sao Starbucks đang “lách luật” để hoạt động như một ngân hàng?

Ngân hàng hoạt động như thế nào?

Nói một cách đơn giản, ngân hàng là tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ lưu trữ tiền cho các cá nhân, tập đoàn và các ngân hàng khác. Ở chiều ngược lại, ngân hàng sẽ trả lãi cho các khoản tiền được gửi (lãi suất tiền gửi).

Để đạt được lợi nhuận, ngân hàng sẽ cho đối tác khác vay các khoản tiền được gửi ở trên với lãi suất cao hơn (lãi suất cho vay) và kiếm được khoản chênh lệch.

Ngoài ra, ngân hàng còn sử dụng nguồn tiền gửi cho mục đích đầu tư, được phân loại theo bảng cân đối kế toán, chẳng hạn như: Trái phiếu chính phủ, vay liên ngân hàng, chứng khoán nợ, bất động sản…

Sau khi hiểu cách hoạt động của ngân hàng, hãy cùng xem chương trình khách hàng thân thiết của Starbucks và cách nó hoạt động như một ngân hàng “bí mật”.

Starbucks Rewards

Đa phần khách hàng của Starbucks đã quá quen thuộc với chương trình khách hàng thân thiết có tên Starbucks Rewards. Khách hàng dễ dàng nạp tiền vào tài khoản Starbucks Rewards thông qua thẻ tín dụng hoặc thẻ quà tặng Starbucks.

Sau đó, số tiền trả trước trong ứng dụng sẽ được đổi thành sản phẩm Starbucks và nhận lại điểm thưởng (còn gọi là Stars), và các “ngôi sao” này được dùng để đổi lấy đồ ăn, thức uống miễn phí hoặc giảm giá trên các đơn hàng Starbucks tiếp theo.

Theo báo cáo quý 3/2022 của Starbucks, chỉ riêng tại Hoa Kỳ đã có 27,4 triệu thành viên Starbucks Rewards đang hoạt động. Con số này gần gấp đôi so với 14,2 triệu thành viên vào cuối năm 2017. Starbucks tiết lộ trong một thông báo năm 2016 rằng các thành viên Starbucks Rewards chi tiêu nhiều gấp ba lần so với những khách hàng thông thường.

Tua nhanh đến năm 2022, không có gì ngạc nhiên khi doanh thu Starbucks Rewards hiện chiếm 53% doanh thu tại các cửa hàng Hoa Kỳ.

Dựa vào danh tiếng và sự phổ biến của Starbucks, khách hàng không ngại trữ tiền trong tài khoản Starbucks, vì họ luôn sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào. Trên thực tế, trong báo cáo quý 3/2022, Starbucks công khai 1,7 tỷ USD được trữ trong các tài khoản Starbucks Rewards.

Starbucks giống ngân hàng như thế nào?

Giống như cách ngân hàng lưu trữ tiền từ khách hàng, Starbucks đã thu một lượng lớn tiền mặt từ thông qua Starbucks Rewards. Điều thú vị là số tiền này còn lớn hơn lượng tiền mặt mà nhiều ngân hàng đang nắm giữ.

Năm 2016, Starbucks nắm giữ hơn 1,2 tỷ USD tiền gửi của khách hàng, cao hơn các ngân hàng như Customer Bank với 0,78 tỷ USD và Green Dot Bank với 0,56 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngân hàng cần phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, còn Starbucks thì không, và hội “nghiện” Starbucks đã cung cấp cho công ty 1,7 tỷ USD với lãi suất 0%.

Và Starbucks cũng chẳng cần làm gì nhiều khi 10% số tiền này sẽ bị lãng quên hoặc không bao giờ được sử dụng. Trong năm tài chính 2019, Starbucks đã “vô tình” thu được 125 triệu USD mà khách hàng không xài tới.

Điều tuyệt vời hơn nữa là khách hàng có thể rút tiền từ ngân hàng vào bất cứ lúc nào, nhưng thành viên Starbucks Rewards chỉ có thể “rút cà phê”. Mô hình nãy sẽ “chiếm dụng” được phần tiền mà khách hàng chuyển vào, mang lại doanh thu đảm bảo cho Starbucks.

Tuy nhiên, Starbucks hiện chưa có bất kỳ kế hoạch tham vọng nào và chỉ sử dụng Starbucks Rewards để làm vốn lưu động. Một số chuyên gia đã chỉ ra, Starbucks hoàn toàn có thể cho vay để kiếm thu nhập từ lãi suất, đầu tư dài hạn hoặc thậm chí mở rộng hệ thống thanh toán di động…

Giám đốc Điều hành Tập đoàn tài chính lớn thứ ba của Hàn Quốc tuyên bố rằng Starbucks là một ngân hàng không được kiểm soát: “Công nghệ đã cho phép các công ty như Starbucks trở thành đối thủ của chúng tôi. Starbucks là một ngân hàng không được kiểm soát, không phải là một công ty cà phê đơn thuần”.

Nói tóm lại, Starbucks vẫn là một chuỗi cà phê nhưng lại hoạt động như một ngân hàng với chương trình khách hàng thân thiết và khoản tiền gửi khổng lồ. Với quy mô toàn cầu và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, Starbucks đang đứng trước cơ hội trở thành một fintech tiềm năng, mở ra nhiều nguồn doanh thu bổ sung và mở rộng các thị trường ngoài cà phê.

Thanh Sang
Nguồn CafeBiz