CEO VinFast Lê Thị Thu Thuỷ: “Chúng tôi đã quá quen với sự hoài nghi”

CEO VinFast Lê Thị Thu Thuỷ: “Chúng tôi đã quá quen với sự hoài nghi”

Nhà sản xuất ô tô Việt Nam, VinFast, đang nhanh chóng ghi dấu ấn trong quá trình trở thành một thương hiệu thuần điện cùng với 4 chiếc EV sắp được trưng bày tại triển lãm Paris Motor Show 2022.

Điều mà các hãng ô tô non trẻ luôn phải đối mặt: Sự hoài nghi

Theo Europe Autonews, Giám đốc Điều hành VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy, đã quá quen với những hoài nghi mà nhà sản xuất xe điện Việt Nam phải đối mặt kể từ lúc hãng xe Việt cho biết sẽ xuất hiện trên thị trường vào năm 2017 cho tới khi hãng chuyển hướng từ xe xăng sang xe điện.

“Thông qua nghiên cứu ngành công nghiệp ô tô, chúng tôi thấy rằng đây là điều không thể, vì quá trình phát triển sản phẩm tiêu chuẩn cho bất kỳ hãng xe hơi nào, từ khi chốt bản thiết kế cho đến khi xe lăn bánh ra khỏi dây chuyền sản xuất là 5 năm. Sẽ là một kỳ tích nếu chúng tôi làm được điều đó trong 4 năm”, bà Thủy hoài niệm.

Một số nhà cung cấp cũng nghi ngờ về tiến trình tích cực của công ty.

“Bạn muốn toàn bộ quá trình chỉ diễn ra trong vòng 18 tháng? Điều đó là không thể. Chỉ riêng việc thử nghiệm đã mất 18 tháng”, bà Thủy kể lại những khó khăn trong một sự kiện lái thử VF 8 tại đảo Hòn Tre, Nha Trang vào tháng trước.

Hai chiếc VF 8 trong sự kiện lái thử tại Nha Trang vừa qua.
Nguồn: Tuổi Trẻ

VinFast từng đạt được mục tiêu đưa ô tô ra thị trường vào năm 2019, nhờ sự hỗ trợ của các thỏa thuận cấp phép với BMW cho những yếu tố như nền tảng và động cơ. Hãng cũng được giúp đỡ bởi các công ty như ZF Friedrichhafen, Magna International và Pininfarinia.

VinFast hy vọng rằng mối quan hệ của họ với nhiều nhà cung cấp ở Đức sẽ có lợi khi họ muốn tiến thêm một bước nữa trong quá trình phát triển bằng cách tạo ra những chiếc xe hơi của riêng mình. VinFast đã quyết định đến với triển lãm Paris 2018 để gặp gỡ các CEO của những nhà cung cấp ô tô Đức để xem liệu họ có cung cấp các bộ phận cho nhà sản xuất ô tô Việt hay không.

“Mục tiêu của chúng tôi là thuyết phục họ tham gia cùng VinFast”, bà Thủy quyết tâm. Thực tế, những cuộc gặp gỡ đó diễn ra không suôn sẻ như kỳ vọng.

Giám đốc Điều hành VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy, đã quá quen với những hoài nghi mà nhà sản xuất xe điện Việt Nam phải đối mặt.

“Có rất nhiều nhà cung cấp của Đức mà chúng tôi không thể thuyết phục được vì họ không tin vào chúng tôi. Cuối cùng, chúng tôi đã phải chuyển rất nhiều sang các nhà cung cấp Hàn Quốc vì họ linh hoạt hơn. Điều quan trọng là họ có cái nhìn tích cực với tham vọng của VinFast”, bà Thủy cho biết.

Điều đó không khó tin khi cách đây không lâu, hai hãng ô tô Hàn Quốc là Hyundai và Kia đã trở thành những đối thủ mới sớm tìm cách thách thức các ông lớn giàu kinh nghiệm hơn trên thị trường xe điện.

Ngoài ra, quá trình hoạt động khiêm tốn trong năm 2018 đã cung cấp cho bà Thủy và đội ngũ VinFast một số thông tin vô giá. Một lãnh đạo của Bosch, người tin tưởng vào công ty, đã tạo ra một tệp tài liệu chi tiết về VinFast và công ty mẹ của hãng, Vingroup, để cố gắng thuyết phục các ông chủ của mình về một thương hiệu non trẻ đến từ Việt Nam.

“Vấn đề được ông ấy nêu ra là nếu công ty mẹ Vingroup của chúng tôi có thể xây dựng các tòa nhà một cách nhanh chóng như thế, vậy thương hiệu ô tô VinFast cũng sẽ làm được điều tương tự. Một ngày nọ, tôi có trên tay tập tài liệu của ông ấy và tôi nói với ông ấy rằng: Thật là một ý tưởng tuyệt vời! Tôi có thể mượn nó để chia sẻ với các nhà lãnh đạo nội bộ ở các tổ chức khác, chủ yếu là ở Đức, có được không?”, bà Thủy chia sẻ.

Điều này thể hiện sự khiêm tốn và linh hoạt của công ty. Bà Thủy và đội ngũ VinFast không hề cảm thấy nản chí trước những hoài nghi. Thay vào đó, họ nhìn thấy cơ hội để giúp công ty trở nên hấp dẫn hơn đối với những người đã từng nghi ngờ họ.

VinFast VF 7 và VF 6 được đồng sáng tạo bởi nhà sản xuất ô tô và Torino Design.

Cả hành trình tiến xa như vậy gói gọn trong 3 từ: “Tại sao không?”

Một ví dụ khác về sự cởi mở của VinFast diễn ra trước khi sự kiện lái thử VF 8 diễn ra. Bà Thủy đã dành hơn 20 phút trong chiếc VF 8 không bật điều hoà với một doanh nhân, người mà bà cho biết đã bán mảng kinh doanh tập trung vào thông tin giải trí của mình cho một nhà cung cấp cấp 1 hàng đầu.

“Ông ấy sẵn sàng ngồi trong xe với tôi dù không bật điều hòa để chỉ cho tôi thấy hệ thống thông tin giải trí của VinFast còn thiếu những mặt nào và làm thế nào để cải thiện điều đó. Chúng tôi dự định trao đổi ý kiến với ông ấy để làm cho hệ thống của chúng tôi tốt hơn. Những sự hỗ trợ như thế này là vô giá đối với VinFast”, bà Thủy cho biết.

Bà Thủy cho rằng ngoài kia vẫn còn những người hoài nghi về tương lai của thương hiệu. Nhưng điều quan trọng là xe điện VinFast đã lăn bánh trên đường phố, và sẽ trở thành thường hiệu thuần xe điện. Đây là bước hoàn tất chuyển đổi trong vòng chưa đầy một năm và nhà máy lắp ráp ở Hải Phòng của VinFast cũng trang bị một số thiết bị mà kể cả có tiền cũng chưa chắc mua được.

Tại triển lãm ô tô Paris năm nay, VinFast trưng bày 4 mẫu xe điện của hãng là chiếc VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9. VF 8 và VF 9 do Pininfarina thiết kế là những chiếc SUV chạy điện đầu tiên của thương hiệu này ra mắt toàn cầu. Sau đó, VF 6 và VF 7 do VinFast và Torino Design đồng sáng tạo cũng được ra mắt vào đầu năm nay.

Thời gian chính là câu trả lời cho tất cả rằng liệu câu chuyện về VinFast là chiến thắng của tham vọng và sự kiên trì của con người hay là một khoản đầu tư thất bại với những khoản lỗ lớn. Nhưng, một Giám đốc Điều hành của VinFast đã tóm tắt cách hãng xe Việt tiến xa như vậy chỉ bằng ba từ đơn giản: “Tại sao không?” để trả lời cho câu hỏi mà mọi người đặt ra khi VinFast phải đối mặt với những nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi.

Khánh Vy
Nguồn CafeF