Bắt mạch dòng vốn vào EdTech Việt Nam

Bắt mạch dòng vốn vào EdTech Việt Nam

Các công ty EdTech Việt Nam đang hưởng lợi khi dòng vốn vào các công ty cùng lĩnh vực ở Trung Quốc, Ấn Độ gặp sự cố.

Trong 9 tháng năm 2022, theo thống kê sơ bộ của NCĐT, tổng số vốn rót vào các công ty EdTech (công nghệ giáo dục) Việt Nam được công bố ước hơn 18 triệu USD, tăng nhẹ so với con số 16,5 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt EdTech Việt Nam năm nay còn lập kỷ lục mới, khi Edupia công bố huy động 15 triệu USD cho vòng A, cao nhất mảng giáo dục công nghệ trong 4 năm trở lại đây.

Các EdTech Việt đang được hưởng lợi vì sự chậm lại của các công ty Trung Quốc, Ấn Độ. Tháng 7/2021, Chính phủ Trung Quốc ban hành các quy định cấm dạy thêm và hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh và gánh nặng tài chính cho phụ huynh. 3 tháng sau, Bộ Giáo dục nước này đã tăng cường quản lý các ứng dụng và lập tức tác động mạnh đến ngành EdTech từng phát triển rực rỡ với hơn 10 triệu nhân viên. Theo nghiên cứu của 100EC (Trung Quốc), 25 công ty giáo dục trực tuyến đã phải đóng cửa, hơn một nửa số đó có trụ sở tại Bắc Kinh.

Tại Ấn Độ, theo thống kê của Fintrackr, rất nhiều công ty EdTech hàng đầu nước này không gọi được vốn mới. Nếu như năm 2021 có 11 công ty huy động được 100 triệu USD trở lên thì năm 2022 chỉ có 5 công ty.

Tại Ấn Độ, theo thống kê của Fintrackr, rất nhiều công ty EdTech hàng đầu nước này không gọi được vốn mới.
Nguồn: dantri.vn

Các EdTech Ấn Độ, sau thời gian rầm rộ tài trợ học phí, quảng cáo mạnh (tài trợ cho các giải thể thao), thu hút giáo viên giỏi..., đã nhanh chóng thu hẹp quy mô khi dòng vốn huy động bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy giảm kinh tế toàn cầu. Trong khoảng 12.000 nhân viên làm việc trong lĩnh vực khởi nghiệp ở Ấn Độ bị sa thải năm 2022, EdTech chiếm gần 30%. Điều này khiến Chính phủ Ấn Độ bắt đầu quan tâm tới EdTech nhiều hơn và ra các chính sách điều chỉnh, dù không quyết liệt như Trung Quốc nhưng cho biết sẽ chống lại việc trục lợi từ EdTech.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư không thể đứng yên và họ tìm kiếm các cơ hội mới ngoài Trung Quốc, Ấn Độ là Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

“Vì sao Việt Nam có lợi thế? Do tính đồng nhất của người sử dụng cao”, ông Phạm Đức, sáng lập kiêm CEO Marathon Education, giải thích. Lấy ví dụ, Indonesia, mặc dù dân số đông nhưng có nhiều sắc tộc như người Hồi, người Hoa và việc đầu tư giáo dục giữa các sắc tộc là không đồng đều. Thị trường Việt Nam hấp dẫn, theo ông Đức, là bởi phần lớn gia đình đều coi trọng việc học và chịu đầu tư.

Cũng theo Marathon Education, thị trường giáo dục Việt Nam ước tính lên đến 2 tỉ USD mỗi năm nhưng mức độ thâm nhập trực tuyến của các nền tảng EdTech cho đối tượng K-12 (học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12) chỉ mới được 3%. Các EdTech đang tìm cách nhân rộng miếng bánh này bằng cách cung cấp nhiều sản phẩm mang tính xu hướng như dạy tiếng Anh, công nghệ cho đến chuyên sâu như các môn toán, lý, hóa...

Điển hình như Edupia. Ông Trần Đức Hùng, sáng lập Edupia, cho biết việc gọi vốn sẽ giúp công ty xây dựng các sản phẩm cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 và mở rộng sang các môn học khác như toán, lập trình. Trong một lần trao đổi với NCĐT, bà Trần Nguyên Thúy My, Phó Chủ tịch Jungle Ventures, đơn vị đầu tư vào Edupia, cho biết bài toán các EdTech Việt cần phải giải là làm sao cung cấp những giải pháp online có trải nghiệm gần nhất với offline.

Đặc thù của ngành giáo dục Việt Nam là vẫn chưa có cơ chế công nhận bằng cấp từ học trực tuyến đối với nhóm K-12, việc cấp bằng vẫn phải qua các kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Vì thế, các mô hình EdTech cố gắng giúp học viên đạt được kết quả tốt nhất trong các kỳ thi. Điều đó dẫn đến mô hình live-class (lớp học trực tuyến với giáo viên, có thể theo hình thức 1-1 hoặc theo nhóm) và 020 (online kết hợp với offline) rất được các EdTech ở Việt Nam ưa chuộng.

Các công ty EdTech sẽ mở trung tâm ở những thành phố lớn vì giới hạn địa lý không là vấn đề đối với nhóm khách hàng sinh sống ở đây. Đối với nhóm khách hàng ở các thành phố cấp 2, 3, họ sẽ dùng công nghệ để kết nối với mức phí phù hợp hơn. Đây cũng chính là công thức được áp dụng bởi nhiều EdTech lớn ở Ấn Độ, như Byju’s, Unacademy, Vedantu... khi thông báo mở các trung tâm từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, các EdTech Việt Nam, bên cạnh tìm sản phẩm phù hợp với thị trường, còn phải tìm lời giải cho tương lai trước tình trạng chính phủ siết chặt EdTech như Trung Quốc, Ấn Độ từng làm để bảo vệ người học.

Phần lớn các EdTech ở Trung Quốc sau khi chịu kiểm soát của chính phủ đã đổi mô hình sang tổ chức phi lợi nhuận hoặc chuyển sang hoạt động giảng dạy những lĩnh vực như dạy nghề, công nghệ... Ở Ấn Độ, Chính phủ gần đây đã lên tiếng cảnh báo các EdTech không nên thực hiện những hành vi thương mại không công bằng, bao gồm các quảng cáo gây hiểu lầm.

Cho đến nay, các EdTech ở Việt Nam vẫn ở trong vùng xám và cần các hoạt động bảo đảm trong tương lai. Hiện tại, hầu như các EdTech ở Việt Nam đang hoặc tìm cách tích hợp tiếng Anh là một môn học quan trọng vì đây là nhu cầu học cao nhất (86%, theo khảo sát của Q&Me năm 2021) của người Việt và ít bị ảnh hưởng nhất.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư