Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng vào heo ăn chuối

Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng vào heo ăn chuối

Sau khi chạm đáy vào cuối tháng 6/2022, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai đã phục hồi mạnh mẽ.

Tháng 5/2022, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố quyết định của Hội đồng Quản trị về việc góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Bapi Hoàng Anh Gia Lai với vốn điều lệ 50 tỉ đồng với ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm (HAGL chiếm 55% vốn điều lệ của công ty này). Gần đây, HAGL cũng chính thức bán thương hiệu heo ăn chuối Bapi HAGL, được nuôi theo quy trình khép kín với thức ăn chủ lực là trái chuối trồng xuất khẩu của HAGL, với “3 không”: không thuốc kháng sinh, không thuốc tăng trọng, không đạm động vật.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 27/4, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đoàn Nguyên Đức quyết định thu hồi vốn tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico), nhằm phát triển Tập đoàn theo hướng nông nghiệp với cây chủ lực là chuối và con heo.

Đưa thịt heo trở thành mảng kinh doanh chiến lược là ngã rẽ khá bất ngờ của bầu Đức. Đó có thể còn là cơ hội cuối để hồi sinh HAGL sau trái đắng từ những mảng kinh doanh trước đó. Thực tế, trước khi dồn lực để trồng chuối, nuôi heo, bầu Đức đã buông bỏ nhiều mảng kinh doanh từ cao su, mía đường, thủy điện, bất động sản đến công ty con là HAGL Agrico.

Trái ngọt từ heo

Bước đầu, các mảng kinh doanh của HAGL đã đem về những trái ngọt. Trong bối cảnh giá xuất khẩu chuối chưa tăng cao như kỳ vọng, công ty thu về 448 tỉ đồng doanh thu thuần trong tháng 8/2022. Trong đó, đóng góp chính là ngành chăn nuôi và cây ăn trái, với doanh thu lần lượt là 195 tỉ đồng và 193 tỉ đồng.

HAGL cho biết, công ty đã tiêu thụ 30.114 con heo thịt và 28.487 tấn cây ăn trái trong tháng 8. Riêng ngành cây ăn trái, chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc trong tháng lên tới 16.003 tấn. Kết quả, tháng 8/2022, HAGL báo lãi sau thuế đạt 123 tỉ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, HAGL đạt 2.708 tỉ đồng doanh thu thuần và thực hiện được 69% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022, tương ứng đạt 781 tỉ đồng.

Trong tâm thư gửi cổ đông vào tháng 3/2022, bầu Đức bật mí, đối với công tác cơ cấu tài chính, HAGL đã hoàn thành cơ bản việc thoái vốn đầu tư vào nhóm Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, giảm mạnh số dư nợ ngân hàng, giảm chi phí lãi vay. Năm 2021, tổng doanh thu thuần của công ty là 2.097 tỉ đồng và lãi sau thuế đạt 127 tỉ đồng sau một thời gian dài bị lỗ.

Theo khảo sát của công ty Chứng khoán Mirae Asset, ở thời điểm tháng 6/2022, các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ không tự chủ được con giống tại Việt Nam đang chịu lỗ khoảng 3.000 đồng/kg thịt heo với giá thức ăn chăn nuôi như hiện tại. Điều này dẫn đến hệ quả là các hộ này sẽ không thể tiếp tục tái đàn trong nửa sau năm 2022.

Ngược lại, HAGL vẫn có lãi tốt nhờ tận dụng chuối thải, loại để làm thức ăn chăn nuôi. Mirae Asset đánh giá thị phần của HAGL sẽ nhanh chóng tăng trong nửa cuối năm 2022. “Chúng tôi tin rằng HAGL có thể tiêu thụ 18.600 tấn thịt heo cho cả năm 2022 nhờ thị phần tăng. Doanh thu cả năm của mảng chăn nuôi ước tính đạt 1.076 tỉ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ”, Mirae Asset nhận định.

HAGL có thực sự hồi sinh?

Nửa đầu năm 2022 có thể xem là khoảng thời gian khá khó khăn đối với HAGL. Còn nhớ thời điểm tháng 2/2022, tâm điểm của giới đầu tư tài chính là cổ phiếu đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. Với nghiệp vụ hồi tố báo cáo tài chính thực hiện trong năm 2021, HAGL ghi nhận đẩy lỗ về 3 năm 2017, 2018 và 2019. Kết quả lỗ 3 năm liên tiếp đưa cổ phiếu HAGL tới bờ vực hủy niêm yết bắt buộc.

Ngày 25/11/2021, HAGL đã công bố văn bản giải trình về việc điều chỉnh hồi tố số liệu trên báo cáo tài chính của công ty. Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của công ty trong các năm 2017, 2018 và 2019 bị lỗ. Điều này tạo nên sự quan ngại của các cổ đông rằng cổ phiếu HAGL có khả năng bị xem xét về việc có tiếp tục thỏa mãn điều kiện niêm yết trên HOSE. Vì vậy, HAGL cho biết các cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 26/11/2021 đã thống nhất ghi vào biên bản họp, thể hiện nguyện vọng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì niêm yết cổ phiếu. Hiện tại, HAGL vẫn được giao dịch ở sàn HOSE trong diện cổ phiếu đang bị kiểm soát.

Thế rồi từ những ngày cuối tháng 3/2022, cổ phiếu HAGL đã chứng kiến chuỗi giảm sâu kéo dài gần 3 tháng. Thời điểm đó, ở các hội nhóm chứng khoán, nhà đầu tư đua nhau tháo chạy, số phiên giảm của cổ phiếu HAGL chiếm phần lớn với khối lượng khớp lệnh hàng chục triệu cổ phiếu mỗi phiên. Kết quả, cổ phiếu rơi mạnh từ vùng đỉnh quanh mốc 14.150 đồng/cổ phiếu xuống còn hơn 6.700 đồng/cổ phiếu (cuối tháng 6/2022).

Sau khi chạm đáy, cổ phiếu HAGL đã có đà hồi phục mạnh mẽ lên vùng giá 13.650 đồng/cổ phiếu (21/9/2022), tương ứng với đà tăng hơn 103% từ cuối tháng 6. Đà tăng này của cổ phiếu vượt trội hơn so với đà phục hồi của VN-Index.

Giai đoạn 2015-2016, doanh thu từ đàn bò chiếm lần lượt 41% và 54% trong cơ cấu tổng doanh thu của HAGL.
Ảnh: TL.

Niềm tin của nhà đầu tư đang dần trở lại đối với HAGL với những trái ngọt từ mảng nuôi heo trong thời gian tới. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư lo ngại, liệu rằng heo ăn chuối có thực sự cứu được HAGL hay không? Nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện nuôi bò của bầu Đức. Từ cuối năm 2014, HAGL đã chính thức đầu tư chăn nuôi bò quy mô công nghiệp với nguồn giống nhập khẩu từ Úc, New Zealand nuôi tại Việt Nam, Lào. Khi đó, nhà đầu tư cũng đặt kỳ vọng rất lớn vào mảng kinh doanh này của HAGL, từ việc bán thịt bò, sữa tươi và thậm chí là cả phân bò.

Giai đoạn 2015-2016, doanh thu từ đàn bò chiếm lần lượt 41% và 54% trong cơ cấu tổng doanh thu của HAGL. Thế nhưng, niềm vui từ đàn bò không kéo dài được lâu khi năm 2015, biên lợi nhuận từ bán bò đạt hơn 29,3%, sau đó giảm dần còn 1 con số vào năm 2017 và chính thức lỗ ở mảng bán bò năm 2018 khi giá vốn vượt doanh thu.

Vũ Hoài
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư