Sá xị Chương Dương - Tìm lại vị ngọt

Trong thời kỳ kinh tế đổi mới, nhiều doanh nghiệp ra đời và phát triển rực rỡ.

Tuy nhiên sau đó làm ăn sa sút và lâm vào thua lỗ. Vì thế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cần có tầm nhìn sâu rộng và sẵn sàng đương đầu với tương lai. Những ý tưởng kinh doanh ăn xổi, ở thì rất khó tồn tại, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, sự cạnh tranh càng trở nên khốc liệt, doanh nghiệp muốn tồn tại phải thay đổi.

Từng làm mưa làm gió trên thị trường nước giải khát có gas với dòng sản phẩm sá xị nhưng sự dè dặt trong các hoạt động quảng cáo tiếp thị cũng như đầu tư đang khiến các sản phẩm của CTCP Nước giải khát Chương Dương dần bị lu mờ.

Đi trước về sau

CTCP Nước giải khát Chương Dương có tiền thân là nhà máy Usine Belgique, được xây dựng vào năm 1952, trực thuộc Tập đoàn BGI của Pháp chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng bia, nước đá và nước giải khát các loại.

Trước năm 1975, đó là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất tại miền Nam Việt Nam. Vào tháng 7-1977, Tập đoàn BGI chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho Nhà nước Việt Nam và trở thành nhà máy quốc doanh với tên gọi là Nhà máy Nước ngọt Chương Dương.


Sá xị Chương Dương từng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đây được xem như thời của nước giải khát Chương Dương với dòng sản phẩm chủ lực là nước giải khát có gas sá xị. Hầu hết thị trường khu vực miền Nam khi đó đều rất ưa chuộng dòng sản phẩm này.

Năm 1993 nhà máy được đổi tên thành Công ty Nước giải khát Chương Dương. Nhưng cũng từ đây, khi 2 ông lớn trong ngành giải khát có gas là Coca-Cola và Pepsi vào Việt Nam, một cuộc chiến mới đã chính thức bắt đầu.

Với tiềm lực tài chính mạnh cùng kinh nghiệm lâu năm, những “người khổng lồ” đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần nước giải khát có gas và đương nhiên thị phần, lợi nhuận của Chương Dương cũng bị thu hẹp.

Dù nỗ lực rất nhiều trong việc mở rộng kênh phân phối, tập trung vào các thị trường lớn như TPHCM, các tỉnh miền Tây, đồng thời từng bước ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc nhưng thị phần của Chương Dương vẫn bị giảm mạnh so với trước đây.

Trước thực tế ấy, Chương Dương cũng phải đi theo cuộc “tháo chạy” của các DN giải khát trong nước khi mở rộng sản phẩm sang các dòng nước giải khát không gas, nước tinh khiết, rượu nhẹ...

Nhưng sự yếu thế trong các hoạt động quảng bá khiến Chương Dương một lần nữa bị lu mờ trước những cái tên nội như Tân Hiệp Phát để rồi người tiêu dùng gần như không biết đến các sản phẩm khác của Chương Dương ngoài sá xị.

Nhiều nghịch lý

Trong cuộc họp đại hội cổ đông diễn ra hồi cuối tháng 4 vừa qua, ban lãnh đạo CTCP Nước giải khát Chương Dương kết luận năm 2012 là năm sản lượng tiêu thụ thấp nhất trong nhiệm kỳ vừa qua, chỉ đạt 28,77 triệu lít, bằng 75,65% so với kế hoạch và bằng 76,04% so với cùng kỳ năm 2011. Điều này dẫn đến tổng doanh thu trong năm 2012 giảm.

Cụ thể, doanh thu đạt 350,86 tỷ đồng, bằng 80,39% so với cùng kỳ năm 2011 và chỉ đạt 76,95% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 10% so với cùng kỳ năm 2011 và đạt 105% chỉ tiêu kế hoạch 2012.

Với tiềm lực tài chính mạnh cùng kinh nghiệm lâu năm, những “người khổng lồ” đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần nước giải khát có gas và đương nhiên thị phần, lợi nhuận của Chương Dương cũng bị thu hẹp.

Lý giải cho vấn đề này, phía công ty cho hay tổng chi phí thực hiện trong năm 2012 giảm, chủ yếu giảm chi phí tiền lương so với kế hoạch năm 2012 và cùng kỳ năm 2011, giảm chi phí thuê đất nhưng đặc biệt chi phí marketing không sử dụng hết là một trong các nguyên nhân làm tăng vọt lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh chính của năm 2012 và cổ tức chia cho cổ đông vẫn ở mức 15%.

Có vẻ như việc dư chi phí marketing của Chương Dương đang đi ngược lại xu thế chung của các DN nước giải khát hiện nay. Trong bối cảnh sức mua sụt giảm, hầu hết các DN kể cả trong và ngoài nước đều đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá nhằm tăng cường sức mua và mở rộng thị phần.

Chưa hết, nếu nhìn vào bản cáo bạch mới thấy Chương Dương không mạnh tay cho các hoạt động đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Thay vào đó tiền được đem gửi vào ngân hàng. Năm 2012, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính chỉ đóng góp 49%.

Lợi nhuận từ hoạt động tài chính và hoạt động khác đóng góp 51% (lãi tiền gửi kỳ hạn chiếm 79%, 21% còn lại từ khoản chuyển nhượng đầu tư dài hạn chứng chỉ quỹ Sabeco 1). Nhìn ra thị trường sẽ thấy, mấy năm qua ngoài cuộc đua quảng bá thì cuộc đua mở rộng đầu tư cũng đang diễn ra hết sức khốc liệt.

Nếu các ông lớn như Coca-Cola, Pepsi đầu tư những con số khủng là 300 triệu USD và 500 triệu USD thì những cái tên nội như Tân Hiệp Phát hay Vinasoy cũng đang đầu tư những nhà máy hiện đại.

Nếu cứ giữ cung cách “ăn chắc” kiểu như Chương Dương, e rằng thương hiệu này khó chống chọi trong bối cảnh hiện nay khi sản phẩm truyền thống sá xị (chiếm 93% tổng sản lượng của Chương Dương năm 2012) cũng đang dần bị áp đảo. Đó là chưa muốn nói đến xu hướng thu hẹp thị trường của dòng nước giải khát có gas.

Nguồn Dùng hàng Việt