Giao hàng xuyên biên giới: Nội thờ ơ, ngoại hồ hởi

Giao hàng xuyên biên giới: Nội thờ ơ, ngoại hồ hởi

Trái với sự thờ ơ của các doanh nghiệp nội, giao hàng thương mại điện tử xuyên biên giới đang được nhóm ngoại đầu tư rất mạnh.

Chị Phương Trinh, ngụ tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết trước đây chị rất e dè trong việc đặt hàng xuyên biên giới trên các sàn thương mại điện tử nhưng nay đã đặt thường xuyên hơn. Thời gian giao nhận đã rút ngắn từ 2 tuần trong thời điểm dịch bệnh xuống còn 1 tuần, chi phí giao hàng thậm chí còn rẻ hơn so với một số khu vực trong nước, chị Trinh chia sẻ.

Báo cáo Tìm hiểu người tiêu dùng Đông Nam Á và lựa chọn phương thức giao hàng do Ninja Van Group hợp tác cùng DPDgroup công bố cho thấy, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây 2 năm, số lượng khách hàng mua sắm trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á đã tăng thêm khoảng 70 triệu người. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên đến khoảng 380 triệu người vào năm 2026.

Cũng theo báo cáo, người tiêu dùng Việt Nam rất thích mua sắm hàng hoá xuyên biên giới với tần suất đến 59% khách hàng được khảo sát từng mua sắm nhiều lần các mặt hàng, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ xu hướng trên. Điển hình là Ninja Direct của Ninja Van (Singapore), được thành lập năm 2019. Công ty này đã thu hút hơn 600 doanh nghiệp/chủ cửa hàng kinh doanh online (tổng kho, đại lý...) thường xuyên sử dụng dịch vụ xuất nhập khẩu, phát sinh mỗi tháng hơn 2.000 đơn hàng vận chuyển quốc tế với giá trị thương mại trung bình hơn 60 tỉ đồng/tháng.

Theo ông Phan Xuân Dũng, COO (Chief Customer Officer, tạm dịch là Giám đốc Kinh doanh) của Ninja Van Việt Nam, Công ty đang tập trung mở rộng sang các dịch vụ hỗ trợ khách hàng để đón làn sóng mua sắm xuyên biên giới. Điển hình là dịch vụ thanh toán. Thông thường điều khoản thanh toán mà các nhà xuất khẩu nước ngoài áp dụng cho ngành nhập khẩu Việt Nam khá chặt chẽ, như việc phải thanh toán trước 100%, thanh toán L/C... “Do vậy, việc mất tiền mà không nhận được hàng là rủi ro rất lớn và thường xuyên nên các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khá e ngại”, ông Dũng nói.

Trái với sự háo hức của nhóm ngoại, các doanh nghiệp giao nhận thương mại điện tử lớn ở Việt Nam lại không mấy mặn mà. Những cái tên như Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao Hàng Nhanh (trực thuộc Scommerce) đều không cho thấy động thái sẽ gia nhập lĩnh vực này.

Theo ước tính của Scommerce, năm 2030, đơn vị giao hàng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam có thể xử lý 3 tỉ kiện hàng/năm
Ảnh: Quý Hòa

Giao Hàng Nhanh thậm chí tham gia thị trường này từ năm 2015 với dự án Gido nhưng hiện đã tạm dừng và chưa có thông báo tái khởi động. Trong một lần trao đổi với NCĐT, ông Lương Duy Hoài, Giám đốc Điều hành Scommerce, cho biết nhu cầu giao nhận thương mại điện tử trong nước rất lớn và còn dư địa phát triển trong 10 năm tới.

Theo ước tính của Scommerce, năm 2030, đơn vị giao hàng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam có thể xử lý 3 tỉ kiện hàng/năm. Với doanh thu giao nhận trung bình 1 tỉ USD kiện hàng, doanh thu của đơn vị dẫn đầu có thể đạt 3 tỉ USD.

Trong khi đó, chi phí trong ngành này lại tỉ lệ nghịch với quy mô, tức giao hàng càng nhiều thì khả năng tối ưu chi phí càng cao dẫn đến biên độ lợi nhuận sẽ được cải thiện. Chính vì thế, ông Hoài cho biết Công ty tập trung vào thế mạnh của mình để phục vụ thị trường trong nước.

Một chuyên gia trong ngành (không muốn nêu tên) cho biết nguyên nhân đến từ chi phí vận chuyển. Chi phí này có xu hướng tăng khá nhanh qua mỗi năm, thường ở mức 2 con số, có năm tăng khoảng 20-30% so với năm trước, ví dụ năm 2020 tăng 19% so với năm 2019.

Chi phí vận chuyển, đặc biệt là chi phí vận chuyển xuất nhập khẩu liên tục tăng là do xuất khẩu và một phần trong các hoạt động nhập khẩu phải phụ thuộc rất lớn vào các hãng tàu nước ngoài hoặc các công ty vận chuyển ở nước ngoài. Do đó, đối với các khoản chi phí như phí thuê công, phí đặt chỗ, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không có tiếng nói và cũng khó lòng phản đối khi các hãng tàu, các doanh nghiệp vận chuyển nước ngoài tăng giá cước.

Mặt khác, tại Việt Nam trên một đầu công nhập khẩu đang gánh rất nhiều loại thuế, phí và các loại phí khác nhau mà trong rất nhiều trường hợp đang bị trùng lặp. Có nghĩa là cùng một loại chi phí có thể đánh trên cả đầu nhập lẫn đầu xuất. Tất cả những lý do trên khiến chi phí vận chuyển trên một container hàng hoá ngày càng tăng cao.

“Chính vì thế, các đơn vị giao nhận thương mại điện tử ngoại, có mạng lưới giao nhận đặt ở nhiều quốc gia sẽ có lợi thế về chi phí hơn nhóm nội”, vị này nói.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư