Cây đũa thần số hóa

Cây đũa thần số hóa

Bùng nổ mạng xã hội, internet di động… đã thay đổi cách con người tương tác và giao tiếp với nhau.

Chuyển đổi số đang len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, mọi mặt của xã hội và dần đưa thế giới phân cực theo nhiều góc nhìn khác nhau. Trong đó, một thế hệ Gen Z tiếp xúc với thế giới công nghệ từ nhỏ, sử dụng thuần thục các thiết bị thông minh và dần chi phối tương lai.

Con người chuyển đổi

Phiên toà kiện tụng của tài tử Johnny Deep và vợ cũ Amber Heard “chiếm sóng” trên nền tảng TikTok với 10 triệu lượt người theo dõi, được cập nhật thường xuyên, gần với thời gian thực diễn biến sự việc.

Không chỉ giới showbiz chiếm sóng trên mạng xã hội, giới chính trị gia cũng tham gia với tần suất dày đặc. Câu chuyện của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là một ví dụ. Thời còn đương chức, ông Trump đã thường xuyên viết những đoạn thông tin ngắn trên Twitter, đôi khi là những thông tin thể hiện quan điểm cá nhân, có lúc là những dòng thông báo. Những dòng thông báo ngắn của ông chủ Nhà Trắng không chỉ liên quan chính trị nước Mỹ, mà còn khiến tình hình địa chính trị thế giới cũng dậy sóng.

Một trong những người tích cực sử dụng mạng xã hội để gây ảnh hưởng trong kinh doanh là tỉ phú công nghệ Elon Musk. Elon Musk đã biến sự ảnh hưởng của mình thành kim chỉ nam dẫn dắt thị trường khi nhiều cổ phiếu bị xem là hết thời bỗng nhiên tăng giá chỉ nhờ vào vài dòng tweet. Chỉ một động thái đổi ảnh đại diện trên mạng xã hội Twitter thành hình ghép các tác phẩm thuộc bộ sưu tập Bored Ape Yacht Club, ngay lập tức giá đồng tiền số token ApeCoin tăng 20%, từ mốc 14,49 USD lên 17,4 USD trong vòng 1 giờ…

Hay sát sườn nhất là thông tin cập nhật tình hình chiến sự và các tuyên bố giữa 2 bên trong cuộc chiến Nga – Ukraine thường xuyên xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội…

Có thể thấy, những nhân vật nổi tiếng khiến các nền tảng mạng xã hội sôi động hơn cùng hàng tỉ người dân thường khác đã gia nhập thế giới ảo của Facebook, Twitter, YouTube, TikTok… Khởi điểm của mạng xã hội là kết nối giữa những người bạn. Tuy nhiên, các nền tảng nhanh chóng biến thành nơi chia sẻ tin tức và làm nổ ra các cuộc tranh cãi, truyền tin tức, bán hàng…

Mạng xã hội đem đến cho người dùng cảm giác được tương tác với bất kỳ ai, từ bạn bè, gia đình cho đến những người nổi tiếng. Những nền tảng như Facebook, Twitter và Instagram được thiết kế với thuật toán để lôi kéo và giữ chân người dùng. Đó là lúc não con người sinh ra dopamine (hormon hạnh phúc) khi họ thấy người khác like (thích) bài viết. Cũng theo cách này, mạng xã hội ngày càng ảnh hưởng tới nhiều mặt cuộc sống, tinh thần và thể chất, cả cách con người tương tác với nhau và tương tác với thế giới.

Giáo sư nghiên cứu phương tiện truyền thông xã hội Axel Bruns thuộc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Kỹ thuật số của QUT, đã xem xét bối cảnh truyền thông xã hội ở Úc trong hơn 10 năm qua, nói rằng: “Khi chúng tôi bắt đầu, Facebook là một phương tiện thích hợp được sử dụng rộng rãi bởi sinh viên tại các trường cao đẳng và đại học trên toàn thế giới. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, Facebook đã phổ biến tới mọi người, mọi lứa tuổi”.

Là một nền kinh tế trẻ với sự bùng nổ của internet và smartphone, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỉ lệ người truy cập mạng xã hội cao tại khu vực. Theo thống kê của NapoleonCat, năm 2021, Facebook có khoảng 76 triệu thành viên Việt Nam, LinkedIn với hơn 3.991.000 triệu người sử dụng, Zalo có khoảng hơn 60 triệu người dùng…

Trong báo cáo “Repota 2022: Tối ưu chiến lược và công cụ tiếp thị cho tăng trưởng”, có tới 75% người tiêu dùng Gen Z khi được hỏi sử dụng nhiều hơn 4 nền tảng mạng xã hội cùng lúc, Gen Y là 63%. Đáng chú ý, Gen X (sinh từ năm 1965 đến khoảng năm 1980) – thế hệ được coi là khó tiếp cận internet và công nghệ – ghi nhận 62% người được hỏi sử dụng tới 3 nền tảng mạng xã hội cùng lúc.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, từ khi bùng nổ đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, trong đó có hơn một nửa đến từ các khu vực không phải thành phố lớn với mức độ thâm nhập cao của các ứng dụng, mạng xã hội... Khi người dùng Việt Nam dành trung bình 6,5 giờ mỗi ngày trên internet thì tất cả đã thay đổi...

Doanh nghiệp chuyển đổi

Sự lớn mạnh của mạng xã hội cũng đang có ảnh hưởng bao trùm tới nền kinh tế. Theo một nghiên cứu mới công bố của Công ty Tư vấn Accenture, doanh số mua sắm qua các mạng xã hội như Facebook, TikTok và WeChat được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh gấp 3 lần so với doanh số từ các kênh truyền thống trong hơn 3 năm tới.

Tại Việt Nam, nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ với sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Accenture dự báo thương mại điện tử trên mạng xã hội (social commerce) sẽ đạt quy mô 1.200 tỉ USD vào năm 2025, tăng từ mức 492 tỉ USD năm 2021. Xu hướng này được thúc đẩy chủ yếu nhờ thế hệ Gen Y (sinh từ năm 1980-1994) và Gen Z (sinh từ khoảng năm 1995-2012). Hai nhóm này được dự báo sẽ chiếm 62% tổng chi tiêu thương mại điện tử trên mạng xã hội.

Với hàng tỉ người sử dụng internet và đã thay đổi hoàn toàn hình thức tương tác, các doanh nghiệp cũng buộc phải chuyển mình theo “luật chơi” mới từ nền kinh tế số. Dấu ấn chuyển đổi số ảnh hưởng rõ nét nhất tại thị trường Việt Nam phải nói đến câu chuyện của các hãng vận chuyển, cụ thể là lĩnh vực taxi. Ngay khi hãng taxi công nghệ Grab và Uber tràn vào Việt Nam năm 2014 đã nhanh chóng tạo cơn lốc thổi bay lợi nhuận và thị phần của Mai Linh và Vinasun – 2 “ông vua” taxi truyền thống Việt Nam. Sau thời gian dài tham gia cuộc chiến pháp lý không thành với Grab, hiện Vinasun trải qua 2 năm liên tiếp thua lỗ. Tháng 5 vừa qua, ban lãnh đạo công ty này cho biết sẽ tiếp tục giảm quy mô và tìm cách để tránh bị huỷ niêm yết trong thời gian tới.

“Chuyển đổi số” đang là khẩu hiệu của nhiều doanh nghiệp, cũng như cách đây một thập niên, họ nói về “ra biển lớn”. Lê Viết Hiếu là người nối nghiệp cha mình cũng đang gánh trên vai nhiệm vụ chuyển đổi số tại Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình. Mục tiêu lớn của CEO trẻ này là hướng tới con số doanh thu 20 tỉ USD và bước ra thị trường thế giới. Một trong những mũi nhọn mà CEO 8x Lê Viết Hiếu xây dựng là năng lực số cho tập đoàn xây dựng lớn nhất nhì tại Việt Nam.

“Có một sự khác biệt giữa lãnh đạo đương nhiệm với thế hệ kế nghiệp trong nhìn nhận chuyển đổi số. Nếu lớp lãnh đạo đi trước tham vọng tư duy về chuyển đổi số theo hướng phải giúp công ty quyết định hết mọi thứ thì với các thế hệ lãnh đạo kế tiếp (NextGen), phần mềm chỉ là phục vụ công ty ra quyết định”, ông Hiếu cho biết.

Cũng theo khảo sát mới công bố của PwC, hơn 1/3 thế hệ NextGen tại Việt Nam nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc tạo ra thay đổi và tạo động lực chính cho tăng trưởng. Dù vậy, so với các công ty trong khu vực và toàn cầu, theo PwC, gần một nửa NextGen Việt Nam nhận thấy khoảng cách tương đối lớn trong doanh nghiệp về hiểu biết cơ hội cũng như thách thức liên quan đến năng lực số.

“Nhờ chuyển đổi số, ngày trước, Công ty có 1.200 công nhân, doanh số 15.000-20.000 USD/tháng, thì giờ lượng công nhân tăng lên 1.700 người nhưng doanh số tăng 3 lần”, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Scansia Pacific, cho biết. Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, thì cho rằng một trong những lý do giúp các doanh nghiệp duy trì được sản xuất, kinh doanh bình thường là đầu tư công nghệ, chuyển đổi số từ sớm. Một luật chơi mới đã được thiết lập: ngay cả các doanh nghiệp lớn, nếu không chịu chuyển đổi số thì vẫn có thể có ngày bị các doanh nghiệp mới vượt qua.

Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC... đều chỉ ra rằng chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh… Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, cho rằng: “Đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp thảo luận về chuyển đổi số. Trải qua hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đã trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, dù trong hoạt động dịch vụ công, trong hoạt động của các công ty hay thậm chí trong từng gia đình”.

Tuy nhiên, bà Carolyn Turk cho rằng tỉ lệ trung bình doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trên nền tảng số hoá còn thấp hơn các nước khác trong khu vực. Như vậy, vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai mở.

Nói về chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Huy, CEO của Pencil Group, nhận định khó đánh giá và so sánh Việt Nam với các nước, nhưng thị trường Việt Nam ở cùng giai đoạn với Thái Lan khi khoảng 40% doanh nghiệp đang chấp nhận chuyển đổi số. “Chuyển đổi số của Việt Nam tập trung vào kinh tế số trước hết, trong đó thương mại số, hay còn gọi là thương mại điện tử đóng vai trò cốt lõi, ở dưới nền là dịch vụ tài chính số, từ đó dẫn dắt những đổi mới trong các lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp”, ông Huy chia sẻ.

Quốc gia chuyển đổi

Chuyển đổi số ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai trong khi các nước trên thế giới và khu vực đã đi một bước tiến dài. Tại Singapore, hành trình chuyển đổi số đã được thực hiện từ thời điểm nước này tạo lập các kho dữ liệu trên máy tính, đó là 30 năm về trước với việc triển khai các dịch vụ online và tích hợp dữ liệu số. Đặc biệt từ năm 2017, Singapore đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số và coi đây là một chương trình quan trọng mang tầm quốc gia.

Chính phủ Singapore lấy con người làm trọng tâm hàng đầu trong quá trình chuyển đổi số. Trong ngân sách năm 2021, Singapore đã phân bổ 24 tỉ SGD để tạo điều kiện hỗ trợ cho các công ty và người lao động chuyển đổi trong 3 năm tới. Nước này cũng tạo điều kiện cho giới trẻ tìm hiểu công nghệ từ sớm và nhiều chính sách hỗ trợ nhắm đến kỹ thuật số.

Ở Hàn Quốc với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ điển hình như tiếng tăm của Tập đoàn Samsung đã cho thấy sự quan tâm của nước này.

Với tham vọng trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sáng tạo và xuất khẩu công nghệ, cũng dễ hiểu khi Hàn Quốc thực hiện chuyển đổi số trong các ngành kinh tế, các sản phẩm chủ lực.

Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ đầu tư hơn 20.000 tỉ won (16,4 tỉ USD) vào dữ liệu, mạng lưới và trí tuệ nhân tạo trong 3 năm tới nhằm thúc đẩy các ngành được xem là tương lai của nước này.

So sánh chuyển đổi số của Việt Nam với các nước trong khu vực, ông Nguyễn Tiến Huy của Pencil Group cho rằng, Việt Nam sẽ không thể phát triển theo mô hình chuyển đổi số như Singapore, một thành phố với số dân nhỏ và dân trí đồng đều, hay Hàn Quốc, một quốc gia có nền tảng công nghệ viễn thông và thông tin đã phát triển trước chúng ta khá lâu. Theo ông Huy, Trung Quốc giúp người dân vùng sâu, vùng xa kết nối với nhau bằng WeChat. Việt Nam đang kết nối các thế hệ gia đình qua gia Zalo chat, voice, pay, shop…

Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số được Thủ tướng ban hành ngày 31/3, mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng kinh tế số tại Việt Nam sẽ đạt 20% GDP. Đây là một mục tiêu đầy thách thức nhưng không phải không có cơ sở. Bà Kaya Qin, CEO của Lazada Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường có nền kinh tế số phát triển nhất Đông Nam Á. Dẫn số liệu thống kê, bà Kaya Qin cho biết nền kinh tế internet tại Việt Nam đã tăng từ 16 tỉ USD năm 2020 lên 21 tỉ USD năm 2021, với mức tăng trưởng 31%. Dự báo đến năm 2025, nền kinh tế số trong nước sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm, lên 57 tỉ USD, trong đó thương mại điện tử đạt 39 tỉ USD.

Chuyển đổi số giúp ngành chế biến gỗ tăng sức cạnh tranh.

Tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết cho đến nay, Việt Nam đã có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, với doanh thu năm 2021 lên tới hơn 135 tỉ USD. Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%.

Việt Nam đã phát triển nhiều phương thức trực tuyến trong điều hành, làm việc, đào tạo của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, trường học… Hiện nay, phổ biến nhất trong các doanh nghiệp đó là số hoá trong lưu trữ, xử lý dữ liệu từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường.

Tại Việt Nam, kinh tế số đang hình thành không chỉ qua những con số. Thực tế, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, người nông dân ở Hưng Yên bây giờ có thể dễ dàng bán hàng trên cả nước và thu tiền qua các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Lazada hay Shopee… Trong khi đó, cũng ở nông thôn, thậm chí là vùng sâu, vùng xa, người dân đã quen với việc “không sử dụng tiền mặt” qua các ứng dụng ví điện tử như MoMo hay ZaloPay…

“Đi cùng với sự phổ biến của smartphone, một bộ phận các hộ gia đình ở nông thôn đã bắt đầu làm quen với việc nạp tiền/thanh toán điện thoại di động trên ứng dụng của chúng tôi mà không cần phải chạy đi tìm nơi bán thẻ nạp, hay chuyển tiền, thanh toán hàng hoá online hay thanh toán tiền điện, nước, internet… hằng tháng bằng các hình thức không tiền mặt”, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch MoMo, cho biết.

Nhấn mạnh chuyển đổi số đang len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC, cũng chia sẻ ngay bây giờ, người dân đã gọi xe qua ứng dụng (app) thay vì đi xe ôm; mua bán hàng hoá qua các trang thương mại điện tử, thậm chí giao dịch online thay vì trực tiếp đến chợ… Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển ở vùng sâu, vùng xa của đất nước trong thời gian tới. Trong 5-10 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến Việt Nam trở thành một quốc gia chuyển đổi số nhanh chóng. Cũng trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ rất khác so với hiện tại, vì khi đó cuộc sống số sẽ song hành với cuộc sống thực tại.

Thanh Hương
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư